Tân Tổng Thanh tra Chính phủ liên tục nhận tin nhắn tố cáo

14:07, 08/11/2017
|

(VnMedia) - Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho biết ông vừa nhận nhiệm vụ đã liên tục nhận được tin nhắn tố cáo. Do vậy, nếu mở rộng hình thức tố cáo như thư điện tử, fax, điện thoại sẽ rất khó cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết..

Như VnMedia đã đưa tin, sáng 8/11, Quốc hội đã nghe giải trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Quốc hội về Dự án Luật tố cáo tại hội trường.

Mở rộng hình thức tố cáo khó khả thi

Theo nội dung báo cáo củ Chính phủ, Dự án luật giữ nguyên quy định 2 hình thức tố cáo như trong dự thảo Luật là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, không mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử, nhằm tránh tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, khó khả thi.

Cũng theo giải thích của Chính phủ, “trong bối cảnh hiện nay quy định việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo thông qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử là khó khả thi”.

Tuy nhiên, báo cáo giám sát của Uỷ ban Pháp luật của Quốc Hội cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị không nên chỉ giới hạn ở 2 hình thức tố cáo như Luật hiện hành mà chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định tố cáo có thể thực hiện bằng đơn và các hình thức khác theo quy định của pháp luật (hình thức khác có thể bao gồm thư điện tử, fax, điện thoại mà các luật khác đã quy định).

Thảo luận tại tổ ngay trong buổi sáng cùng ngày, tân Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho cho biết, dự án luật Tố cáo còn có nội dung nhiều ý kiến khác nhau cần phải có sự phân tích đánh giá thật kỹ để quyết định trên cơ sở bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật và phải có tính khả thi.

“Đặc biệt, với cơ quan Thanh tra Chính phủ, chúng tôi lưu ý vấn đề khả thi. Nếu chúng ta đưa ra khung, quy định mà sau này làm không đầy đủ hết trách nhiệm thì dễ bị Quốc hội phê bình”, Tổng Thanh tra nói.

Về quy định mở rộng hình thức tố cáo, Tổng Thanh tra cho rằng, với trách nhiệm cao nên khuyến khích, nhưng với tình trạng nguồn nhân lực hiện nay, nếu quy định tiếp nhận, xử lý các hình thức tố cáo này thì không đáp ứng được.

“Khi tiếp nhận thì phải đi xác minh ban đầu. Mà tố cáo qua điện thoại thì đâu có chữ ký, phải đi xác minh họ tên, địa chỉ, hành vi, lập hồ sơ… thì mới tiến hành thụ lý được. Tôi lo, nếu thụ lý giải quyết với các hình thức này sẽ rất khó cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo” – Tổng Thanh tra Lê Minh Khái nói.

Theo ông Khái, việc Dự thảo quy định người tố cáo có trách nhiệm gửi đơn tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật vừa để tránh trường hợp tố cáo tràn lan, vừa giúp các cơ quan thẩm quyền giải quyết không mất thời gian, vừa không làm ảnh hưởng đến uy tín của người bị tố cáo.

“Trong thực tế, có việc bức xúc thật, nhưng cứ gửi đơn khắp nơi từ Trung ương đến địa phương. Tôi vừa nhận nhiệm vụ thôi đã nhận được tin nhắn tố cáo liên tục”, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái chia sẻ.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

Cùng quan điểm này, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh nói: “Tôi thống nhất chỉ hai hình thức tố cáo thôi”, nếu thêm cả hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại sẽ rất khó.

“Tổng Thanh tra vừa cho tôi xem tin nhắn, đấy cũng là hình thức tố cáo. Thế này thì rất khó. Mình có thể tìm được nhưng phải sử dụng các biện pháp đặc biệt. Mà tìm được, có khi lại dùng thuê bao khác rồi”, ông Vinh lưu ý.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho rằng, đã đưa vào luật thì phải quản lý được xã hội chứ không làm phức tạp thêm xã hội. “Cứ ra khỏi hội trường là tin nhắn lại đến. Mình phải điện anh em xuống nắm tình hình. Đúng con người ấy thật, đúng hiện tượng ấy thật nhưng đã giải quyết xong lâu rồi”, ông Triệu Tài Vinh dẫn thực tế.

Trong khi đó, Phó Tư lệnh Quân khu 2 Sùng Thìn Cò (ĐBQH tỉnh Hà Giang) thì cho rằng, hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử đã xảy ra rồi, cho nên, cần điều chỉnh thế nào cho phù hợp.

“Chúng ta phải suy nghĩ, dù tố cáo bằng đơn cũng như thư điện tử, điện thoại phải có một quy chuẩn nhất định. Nếu tố cáo không đúng tôi không giải quyết. Như tố cáo qua thư điện tử thì phải chụp chứng minh nhân dân, mà tới đây là thẻ căn cước, phải ghi rõ nơi ở, chức vụ nghề nghiệp, nếu không thì không giải quyết”, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò nói.

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng thì cho biết, Điều 23 dự thảo luật chỉ điều chỉnh với các trường hợp đơn nặc danh có bằng chứng, thông tin rõ về người vi phạm, nhưng thực tế số lượng các đơn nặc danh, mạo danh rất nhiều, có thể dưới dạng tờ rơi, phức tạp vô cùng.

Thiếu tướng Nghĩa cho rằng, những đơn này có thể không được xem xét nếu chiếu theo dự thảo luật nhưng lại gây dư luận xấu, gây mất uy tín khiến người ứng cử mất phiếu, trật phiếu.

“Thường những người làm được việc, dám nghĩ dám làm, nói thẳng nói thật, dám chỉ ra những mặt xấu của cơ quan là bị nặc danh nhiều. Trước bầu cử QH, có những đại biểu rất cứng, rất thẳng, lo cho cho dân nhưng mà trật. Hay ở đơn vị tôi có một số đồng chí cấp chỉ huy, cấp lãnh đạo mà không trúng Đảng uỷ”, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa nêu.

“Với những trường hợp này, bảo vệ như thế nào, phục hồi như thế nào? Trong khi những người viết đơn nặc danh không có chế tài xử lý, ngay cả khi phát hiện ra vẫn không thể cho thôi việc, không kỷ luật được?” - Thiếu tướng Nghĩa đặt vấn đề.

Về vấn đề này, đại biểu Trịnh Thị Ngọc Thuý (TP.HCM) cũng nêu thực tế, với các trường hợp tố cáo từ trước đến nay, việc bảo vệ quyền lợi người bị tố cáo chưa được chú trọng.

“Không loại trừ việc tố cáo có mục đích xấu. Khi cán bộ tới giai đoạn luân chuyển, bổ nhiệm thì hay bị tố cáo. Rõ ràng, quyền lợi ích của người bị tố cáo bị xâm phạm. Cơ quan tổ chức có thể mạnh dạn làm quy trình cán bộ khi có những đơn này và khi đơn tố đúng thì mạnh dạn bãi miễn. Như thế sẽ không mất cơ hội của cán bộ”, bà Thuý lưu ý.

Bà Thuý cho rằng, nếu làm được như trên, các đơn tố cáo mục đích xấu sẽ giảm, cơ quan nhà nước cũng sẽ không mất thời gian giải quyết. Đồng thời, công chức cũng sẽ bộc lộ tính năng động, không sợ đụng chạm, tạo cớ cho người khác làm đơn tố cáo không đúng.

Đừng nghĩ về hưu xong là thôi!

Thảo luận tại tổ, đồng tình với đề nghị của Uỷ ban pháp luật, đại biểu Vũ Hồng Thanh (Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế) đề nghị mở rộng đối tượng bị tố cáo trong đó có cả cán bộ, công chức về hưu.

“Thực tế, thời gian qua có tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ” – trước khi về hưu có trường hợp ký đất, ký dự án, ký bổ nhiệm cán bộ”, đại biểu Vũ Hồng Thanh nói. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, trong luật phải đặt ra vấn đề này để có cơ chế giải quyết các hành vi của cán bộ, công chức xảy ra thời điểm đương chức nhưng bị tố cáo, phát hiện khi đã về hưu.

“Câu chuyện này giải quyết thế nào, bởi thực tế thời gian vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng phải xử lý một số trường hợp cán bộ đã nghỉ hưu và Ban Bí thư cũng đã chỉ đạo phải nghiên cứu để có cơ chế xử lý vấn đề này”, ông Vũ Hồng Thanh cho hay.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, Luật tố cáo sửa đổi lần này là cơ hội để thực hiện theo chỉ đạo của Ban Bí thư. “Quan điểm của cá nhân tôi cần phải bổ sung đối tượng cán bộ, công chức đã nghỉ hưu vào trong Luật Tố cáo để xử lý những vấn đề mà thực tiễn đã đặt ra”, ông Vũ Hồng Thanh nói và cho rằng, làm như vậy để có tính răn đe, từ đó cán bộ, công chức nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim cho biết, Luật Cán bộ, công chức chưa sửa nhưng Nghị quyết của Quốc hội cũng đã đề cập đến vấn đề xử lý cán bộ nghỉ hưu vi phạm, bởi đây đã là chủ trương.

“Bây giờ phải hoàn thiện pháp luật để tất cả cán bộ, công chức trong thi hành nhiệm vụ luôn phải có tinh thần trách nhiệm. Đừng nghĩ tôi còn 2 năm nữa về hưu, thế thì về xong là thôi. Không phải!”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc