Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong các bộ, ngành, địa phương: Thực hiện ngay!

06:17, 02/11/2017
|

(VnMedia) - "Nghị quyết Trung ương 6 chỉ đề cập đến các cơ quan chồng lấn, có chức năng nhiệm vụ tương đồng thì rà soát lại, chứ nghị quyết Trung ương 6 chưa nói đến vấn đề sáp nhập tỉnh. vấn đề sẽ thực hiện ngay được là sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong các bộ, ngành, địa phương" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.

Ngày 1/11, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trao đổi với báo chí xung quanh đề xuất sáp nhập các tỉnh có dân số ít và các Bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, tới đây sẽ xây dựng chương trình hành động để thực hiện các nội dung mà Nghị quyết Trung ương 6 đề ra, trong đó có việc sáp nhập các bộ, hay địa phương.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, vấn đề sẽ thực hiện ngay được là sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong các bộ, ngành, địa phương; Rà soát lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan bị chồng lấn, kể cả các đơn vị trực thuộc, để đảm bảo làm sao mỗi một cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chỉ còn lại một đơn vị sự nghiệp công.

“Hiện nay, Bộ Nội vụ được Thủ tướng giao 2 chương trình hành động. Đó là, thực hiện sắp xếp lại bộ máy của cơ quan hành chính Nhà nước; thứ hai là sắp xếp lại các đơn vị theo Nghị quyết Trung ương 6. Vấn đề này, Bộ Nội vụ sẽ bám vào nội dung Nghị quyết để xây dựng lộ trình các bước thực hiện” - Bộ trưởng nói.

Liên quan đến ý kiến đề xuất sáp nhập các tỉnh, thành có quy mô dân số nhỏ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, vấn đề này phải tổng kết, đánh giá lại, bởi vì mỗi quy mô một tỉnh lại phù hợp với điều kiện đặc điểm đồng bằng, miền núi, hải đảo hay đô thị khác nhau.

“Nghị quyết Trung ương 6 chỉ đề cập đến các cơ quan chồng lấn, có chức năng nhiệm vụ tương đồng thì rà soát lại, chứ nghị quyết Trung ương 6 chưa nói đến vấn đề sáp nhập tỉnh. Còn việc sáp nhập các Bộ, chủ trương này thuộc đối tượng thứ 3 là “tiếp tục nghiên cứu” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.

Theo nội dung Nghị quyết 18-NQ/TW vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ phải chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định. Giảm tối đa các ban quản lý dự án. Kiên quyết hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để thu gọn đầu mối, giảm biên chế; thực hiện cơ chế khoán kinh phí theo nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra. Chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm.

Đối với một số lĩnh vực được tổ chức theo ngành dọc, như: Thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội... tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức theo khu vực liên tỉnh hoặc liên huyện để thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế.

Đặc biệt, Nghị quyết yêu cầu tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như: Ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo…

Sau đó, ngày hôm qua 31/10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐB Phạm Văn Hoà - Phó trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp, đề xuất sáp nhập hàng loạt đơn vị hành chính.

Theo ông Hòa, quy định hiện hành yêu cầu cấp xã phải từ 30 km2 và 5.000 người trở lên, hiện 50% số xã không đạt chuẩn theo quy định này. Do vậy, cần sáp nhập các xã nhỏ, sau đó tính toán hợp nhất đơn vị hành chính cấp huyện và tỉnh, những nơi có ít dân số. Hiện nhiều tỉnh dân số thấp như Bắc Kạn chỉ hơn 300.000 dân, một số nơi khoảng 800.000 dân.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc