(VnMedia) - Hình thức nguy hiểm nhất hiện nay ở Việt Nam là "ém quân chờ thời", những con mã độc như một đội quân ngầm trong tất cả các máy tính cá nhân, đến một thời điểm sẽ được điều khiển tập hợp để chiếm quyền kiểm soát toàn bộ hệ thống... - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảnh báo.
Chiều 17/11, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đăng đàn làm rõ thêm một số vấn đề trong lĩnh vực quản lý của Bộ mà các đại biểu quan tâm, trong đó đáng chú ý là vấn đề an toàn an ninh thông tin.
Phó Thủ tướng nêu quan điểm: “Chúng ta không thể không ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng nếu chúng ta không đảm bảo an toàn và an ninh thông tin thì nguy hại vô cùng”.
“Hiện nay, về ứng dụng CNTT chúng ta đứng khoảng thứ hơn 80 tức là trung bình, nhưng ATTT thì chúng ta đứng thứ trên 100 là trung bình yếu. Trong đó, đặc biệt phải lưu ý là có những chỉ số liên quan đến ý thức và hành vi của người dân thì chúng ta thuộc loại yếu nhất trên thế giới”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng dẫn chứng: “Hiện nay, trên thế giới cứ 1 giây thì có 176 sự cố liên quan đến an toàn an ninh thông tin, có 3 cuộc tấn công mạng có chủ đích, có 4 mã độc được tán phát ra. Có nghĩa là tôi vừa nói xong câu này thì đã có 1000 cuộc tấn công, trong đó có mấy chục cuộc tấn công có chủ đích và mấy chục mã độc mới được sản sinh ra. Việt Nam chúng ta nhìn chung thì đứng thứ trên 100, nhưng có một vài chỉ số đứng cuối cùng của thế giới”.
Ông chỉ rõ: “Thứ nhất, chỉ số phát tán thư rác từ Việt Nam. Cứ 1 giờ có 200 tỷ thư trên thế giới được phát đi, 53% trong số đó là thư rác, trong đó có rất nhiều thư chứa mã độc. Cứ 100 thư trên thế giới thì Việt Nam chiếm 11,17%, Trung Quốc chiếm 12,4%, Mỹ chiếm 8,5%. Tính ra theo số người thì chúng ta đứng số 1, gấp 13,4 lần Trung Quốc, xấp xỉ 8 lần Mỹ”.
Ngoài ra, tỷ lệ lây nhiễm từ các thiết bị cá nhân ở Việt Nam cũng cao nhất thế giới. “Chúng ta có 61% máy tính nhiễm mã độc so với 19% trung bình trên thế giới" – Phó Thủ tướng cho biết.
“Chúng ta phải khẳng định là phải có chủ quyền quốc gia về an toàn, an ninh thông tin. Hiện nay, trên thế giới, người ta nói khái niệm và không gian thứ 5, đội quân thứ 5. Thứ nhất là lục địa, lục quân là đất, biên giới đất. Thứ hai là nước, biển. Thứ ba là vùng trời. Thứ tư là quỹ đạo vũ trụ, vùng vũ trụ. Thứ năm là không gian mạng. Có những ý kiến các nhà khoa học nói rằng không nên định nghĩa có chủ quyền không gian mạng, nhưng quan điểm của Chính phủ là có chủ quyền không gian mạng. Trong không gian mạng đấy của chúng ta, chúng ta phải giữ chủ quyền, chỉ có điều chủ quyền không gian mạng thì không phụ thuộc vào tọa độ địa lý như các chủ quyền khác” – Phó Thủ tướng giải thích.
Ông Vũ Đức Đam cho biết, thế giới thống kê có những biểu hiện cơ bản về an toàn, an ninh của một chủ quyền không gian quốc gia qua mấy việc sau: Thứ nhất là bôi nhọ, nói xấu; Thứ hai là lộ bí mật, lấy mất thông tin; Thứ ba là phá hoại thông tin, phá hoại hệ thống; Thứ tư là chiếm quyền kiểm soát toàn bộ hệ thống, lợi dụng hệ thống của mình để đi tấn công một người thứ ba, tấn công một nước thứ ba.
“Trên cả 4 vấn đề đó thì hình thức nguy hiểm nhất hiện nay ở Việt Nam chúng ta nằm ở các máy cá nhân và đứng số 1 thế giới tạm gọi là "ém quân chờ thời" trong tất cả các máy của chúng ta, có những con mã độc nằm ở đấy, bây giờ người ta chưa làm gì, nó như một đội quân ngầm nằm ở đó. Đến một thời điểm nhất định thì họ có thể điều khiển tập hợp đội quân đấy lại mà làm những hành vi hoàn toàn theo ý của họ. Như tôi báo cáo tỷ lệ máy nhiễm ở Việt Nam hiện nay thuộc loại cao nhất thế giới và đây là điểm nhiều năm thì mới gỡ hết, nếu chúng ta không ý thức từ bây giờ thì vô cùng nguy hiểm” – Phó Thủ tướng cảnh báo.
Theo Phó Thủ tướng, để làm được điều này, trước hết phải nhận thức những rủi ro đó, thứ hai là phải có các công cụ, phải chuẩn bị lực lượng để làm việc đó và thứ ba, phải xây dựng hệ thống tạm gọi là cảnh giới. “Không phải 24/24 giờ mà an toàn thông tin mạng là tính bằng giây, thậm chí 1/1000 của giây” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh
Thứ tư là khi có sự cố xảy ra thì phải có khả năng ứng phó, phải đánh lại con virus hay phần mềm thâm nhập vào mình, thậm chí có trường hợp phải tổ chức đánh lại nguồn tấn công mình.
Thứ năm là phải khôi phục lại được trạng thái ban đầu.
“Rất mong ở đây có nhiều đồng chí lãnh đạo các tỉnh, các bộ, ngành thì việc ứng dụng công nghệ thông tin tất cả phải cùng làm và phải làm trên tinh thần mới là phải cụ thể, căn cứ vào dịch vụ công, đi thuê về làm, không nên tự làm, tự mua, không nên lập cơ sở dữ liệu riêng biệt, những cơ sở dữ liệu nằm nguyên đó rất lãng phí” – Phó Thủ tướng kết luận.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc