Phó Giám đốc Công an Hà Nội: Cụ Kình gãy chân không phải do công an đánh

11:50, 07/11/2017
|

(VnMedia) - Về nguyên nhân ông Lê Đình Kình (Cụ Kình - PV) bị gãy chân trong vụ bắt giữ ở Đồng Tâm, ông Đào Thanh Hải - Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết là “do giằng co".

Đào thanh Hải
Ông Đào thanh Hải - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội

Sáng 2/11, phát biểu tại Hội trường Quốc hội, nói về vụ Đồng Tâm, Đại biểu (ĐB) Dương Trung Quốc nói: "Chúng tôi tán thành phải thượng tôn pháp luật, xử lý đến cùng. Chúng ta khởi tố những người dân ở Đồng Tâm vi phạm, nhưng cho đến nay những cán bộ công an đánh dân, bắt dân không đúng quy định của luật pháp vẫn hoàn toàn đứng ngoài pháp luật".

Trao đổi lại với Đại biểu Dương Trung Quốc về vấn đề này, sáng 7/11, ông Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ án, Bộ Công an đã rất nghiêm túc thành lập đoàn thanh tra do Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn. Quá trình thanh tra đã kiểm tra rất kỹ toàn bộ quy trình công tác, việc chấp hành quy định và thực thi pháp luật của lực lượng công an thành phố Hà Nội.

Theo ông Hải, sự việc xảy ra khi cơ quan điều tra tiến hành bắt giữ ông Lê Đình Kình, gia đình ông Kình xông vào chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, giằng co và xảy ra việc ông Lê Đình Kình bị gãy chân.

"Sau đó ông Lê Đình Kình đã tố giác một cán bộ làm ông gãy chân, nhưng quá trình thanh tra cho thấy, cán bộ bị tố giác có mặt ở hiện trường nhưng không hề tham gia vào bắt giữ và đứng cách đó một đoạn", ông Hải nêu và khẳng định, căn cứ vào kết luận thanh tra, "không có vấn đề gì liên quan đến quá trình thực thi nhiệm vụ đánh, gây thương tích ông Kình, đây hoàn toàn là trong quá trình giằng co giữa lực lượng thực thi nhiệm vụ và gia đình ông Kình".

Phát biểu ngay sau đó, ĐB Dương Trung Quốc cho biết ông không tiếp tục tranh luận mà chỉ đặt câu hỏi: “Tại sao cho đến bây giờ thông tin ấy mới đến được Đại biểu Quốc hội? nửa năm rồi, phải chăng đó là cách làm của CA Hà Nội?”

Ông cũng nói thêm: “Điều này làm chúng ta nhớ lại câu chuyện xảy ra trên cầu Thăng long về việc nhỡ vung tay gạt ngã người khác (gạt tay trúng má - PV). Tôi thấy điều đó không nên biện bạch, tốt nhất các đồng chí nên công khai nói sự việc đó để người dân bình luận, xem một ông già 82 tuổi có thể tự gẫy chân không? Ngay cả với luật Người cao tuổi chúng ta cũng không tuân thủ, kể cả khi người ta có tội".

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc