Nhiều vùng ở Thừa Thiên - Huế do mưa lớn, nước sông dâng nên đã ngập trở lại. Các sông Hương, sông Bồ sẽ xấp xỉ báo động 3, sau đó xuống chậm.
Sáng 7/1, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã đi kiểm tra tình hình sạt lở tại bờ biển Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Sau khi kiểm tra tại bờ biển Thuận An, ông Hoàng Văn Thắng đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh, đã có sự phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, có phương án ứng phó với tình hình mưa lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, tính mạng người dân. Các chủ hồ đập tuân thủ đúng quy trình vận hành liên hồ chứa, đặc biệt tích trữ nước, hạn chế lưu lượng xả vào ban đêm nên chỉ ngập lụt ban ngày; nhờ đó các địa phương đã chủ động ứng phó, sơ tán, di dời, giảm thiểu thiệt hại về người và của.
Ông Thắng khẳng định thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ. Mực nước tại các hồ chứa còn ở mức cao cần có phương án điều tiết hợp lý, không để ngập lũ cao, bất ngờ tại các vùng hạ du. Các địa phương, ban ngành cần lưu ý tại các tuyến biển đang bị ảnh hưởng, sạt lở, đe dọa tính mạng người dân; chủ động theo dõi để có biện pháp sơ tán tài sản, người dân đến nơi an toàn.
Theo Ban chi huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện tại mực nước trên sông Hương, Bồ đã lên trở lại, trên mức báo động II, khoảng 0,6-0,7m. Sông Hương sẽ lên mức 3m, dưới báo động III 0,5m, chiều xuống chậm; Sông Bồ tại Phú Ốc, lên mức 4,2m, dưới báo động III 0,3m, chiều xuống chậm. Cảnh báo ngập lụt diện rộng vẫn còn kéo dài ở các vùng thấp trũng của Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy và TP. Huế.
Ghi nhận tại TP Huế, do mưa lớn nên một số tuyến đường như Đống Đa, Tố Hữu, Bà Triệu... đã bị ngập nhẹ một số điểm. Trong khi đó, tại huyện Quảng Điền, hạ du sông Bồ lũ cũng gây ngập nhiều nơi.
Còn tuyến đường QL49A từ TP Huế đi huyện Phú Vang, xuất hiện 2 điểm ngập, mỗi điểm kéo dài gần 100 m, sâu từ 0,2-0,3 m nên giao thông bị ách tắc, đi lại khó khăn. Tại làng hoa thôn Lưu Khánh, xã Phú Dương (Phú Vang) có nhiều vườn hoa của người dân vừa trồng đã bị chìm sâu trong nước, nguy cơ mất trắng.
Trong khi đó, tại vùng ven TP Đà Nẵng lũ đã dần rút xuống nhưng vẫn còn hàng ngàn nhà dân bị ngập trong nước lũ, thiệt hại nặng nề.
Ngày 7/11, ông Đặng Phú Hành, Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng cho biết huyện này vẫn còn hàng ngàn nhà dân bị ngập trong nước lũ, thiệt hại ban đầu lên đến hàng chục tỉ đồng. Hiện cơ quan chức năng huyện Hòa Vang đang lên kế hoạch giúp dân dọn dẹp và khắc phục thiệt hại sau bão.
Tính đến sáng 7-11, cả huyện Hòa Vang còn hơn 10.400 hộ dân bị ngập lụt và có hơn 300 hộ được di dời đến nơi an toàn. Phòng Nông nghiệp huyện Hòa Vang cho hay thiệt hại ban đầu có hơn 90 ha rau bị ngập ấp, 23 tấn thủy hải sản bị chết... Ước tính tổng thiệt hại sau ảnh hưởng của bão số 12 trên địa bàn Hòa Vang là hơn 44 tỉ đồng. Ngoài ra có 38 công trình trường học các cấp bị ngập nước, 120 phòng học và 2.085 bộ bàn ghế, bị ngập nước.
Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Hòa Phước vẫn còn ngập, sáng 7/11, phương tiện giao thông đã có thể đi lại dưới sự hướng dẫn của lực lượng CSGT và công an.
Đây là điểm ngập nặng nhất trên Quốc lộ 1A đoạn giao cắt giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, những ngày trước, khu vực này ngập nặng gây chia cắt hoàn toàn.
Nhiều ngày nay, lực lượng công an phải túc trực tại điểm ngập này để hướng dẫn người tham gia giao thông đi lại an toàn
Theo Người Lao Động
Ý kiến bạn đọc