(VnMedia) - Ngày 2/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về vấn đề kinh tế - xã hội. Phát biểu thảo luận, đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) đặc biệt quan tâm tới vấn đề mà ông gọi là “sức ỳ của nền hành chính”.
Theo đại biểu (ĐB) Thành, đây là kẻ thù của việc xây dựng Chính phủ kiến tạo.
“Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo cho Bộ Nội Vụ; Bộ Nội vụ tiến hành kiểm tra, rà soát, báo cáo Thủ tướng; Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ban, ngành, UBND tỉnh, các cơ quan xem xét xử lý; Bộ Nội vụ ban hành văn bản đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng; UBND tỉnh, các cơ quan tiến hành xử lý vụ việc. Như vậy, quy trình 5 bước rất rõ ràng nhưng liệu có hợp lý, có thể hiện được tinh thần cải cách hành chính hay không?” ĐB Thành lấy ví dụ.
Ông cho rằng, với những vụ việc như vậy, lẽ ra chỉ cần 1 bước, tối đa là 2 bước, cụ thể: chỉ cần các cơ quan thực hiện đúng thẩm quyền, khi sự việc xảy ra trực tiếp xử lý ngay, trường hợp không xử lý kịp thời thì mới cần tới bước nữa là sự kiểm tra, thanh tra của cấp trên trực tiếp.
“Tại sao các cơ quan có thẩm quyền giải quyết trực tiếp lại không xử lý mà phải đợi yêu cầu từ trên xuống. Tại sao nhiều vụ việc phải đẩy lên Thủ tướng mới chuyển biến được”, đại biểu đoàn Đắk Lắk nêu ý kiến.
Theo đại biểu, nếu như các cơ quan làm đúng chức năng, thẩm quyền của mình thì những vụ việc đó chắc chắn được xử lý. Nếu cơ quan chức năng phát huy đầy đủ chức năng của mình thì sự việc không phải lên đến bàn Thủ tướng và Thủ tướng không phải chỉ đạo như vụ việc quán cà phê Xin Chào.
ĐB Ngô Trung Thành cho rằng, giải pháp để thực hiện thành công công cuộc cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ kiến tạo “đâu có gì quá khó khăn, thậm chí là đơn giản”.
“Đơn giản chỉ là các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền làm đúng, đầy đủ và kịp thời chức trách, nhiệm vụ của mình. Làm được như vậy, 5 bước mà báo cáo nêu chỉ cần 1 bước, làm được như vậy chỉ tiêu KT-XH năm 2018 chắc sẽ thực hiện được” - ĐB Thành khẳng định.
Ông đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt để thúc đẩy, tăng cường tính chủ động, trách nhiệm, tính tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, người đứng đầu cơ quan chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, cấp dưới ì ra, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp trên, cấp trên phải lo thay công việc cho cấp dưới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm, tạo nên sức ép để buộc cấp dưới phải chủ động, năng động, đúng, đủ và kịp thời trách nhiệm của mình.
“Làm sao trên nóng - dưới nóng, toàn hệ thống đều nóng. Đến đây tôi xin vận dụng câu nói của đồng chí Tổng Bí thư: Phải làm sao cho bếp lò cải cách hành chính của chúng ta cho dù củi tươi đưa vào cũng phải cháy”, ĐB Ngô Thành Trung - đoàn Đắk Lắk nói thêm.
Cũng thảo luận về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho rằng, muốn có nền hành chính trong sạch vững mạnh thì kỷ cương kỷ luật hành chính phải nghiêm minh. Ông chỉ rõ, kỷ luật hành chính chưa nghiêm thể hiện ở nhiều lĩnh vực, từ công tác cán bộ, tài chính - ngân sách đến tài nguyên, môi trường... và diễn ra ở mọi cấp, mọi ngành.
“Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân nảy sinh những tồn tại. Cử tri mong muốn Chính phủ báo cáo kỷ luật kỷ cương hành chính đã nghiêm. Hạn chế này kéo dài, nhưng chậm khắc phục, đề nghị Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ vấn đề này”, ĐB Học nói.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc