(VnMedia) - Châu Thị Thu Nga khai đã chi 2/3 trong tổng số tiền chạy ĐBQH (30 tỷ - PV) cho Hội đồng bầu cử địa phương để được lọt vào danh sách ứng cử ĐBQH, phần còn lại chi lo việc báo chí phanh phui bằng tiến sĩ giả của bà này - Chánh án TAND Tối cao cho biết - Chánh án TAND Tối cao cho biết tại Hội trường Quốc hội sáng nay (18/11).
Như đã đưa tin, ngày 5/10, tại phiên tòa xét xử Châu Thị Thu Nga cùng đồng phạm trong vụ án lừa đảo thông qua dự án B5 Cầu Diễn, luật sư Hoàng Văn Hướng bào chữa cho bà Nga – Chủ tịch Cty CP tập đoàn Đầu tư xây dựng Nhà đất (Housing Group) cho biết có nhiều bút lục, hồ sơ thể hiện thân chủ của mình đã chi khoảng 30 tỷ đồng để “chạy” làm đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Khi Luật sư Hướng đưa ra câu hỏi: “Có việc chạy Đại biểu Quốc hội không? Bà trình bày cho HĐXX nghe”, thì chủ tọa lập tức phản bác: “Khoản tiền đó nằm trong số 157 tỷ đồng mà cơ quan điều tra đã tách hồ sơ dành cho vụ án khác. Cái này thể hiện rõ trong cáo trạng và hồ sơ”.
Theo một số tờ báo đưa tin, bị cáo Nga xin được nói về việc này nhưng đột nhiên tín hiệu từ phòng xử tới phòng báo chí bị mất, chỉ còn hình ảnh chứ không còn âm thanh. Cuối cùng, chỉ nghe được việc chủ tọa tuyên bố: “Luật sư không cần mất thời gian về vấn đề này”.
Thông tin trước Quốc hội trong phiên họp sáng nay, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đã nói:
"Chúng tôi đã kiểm tra hồ sơ vụ án, kiểm tra kỹ thuật của phòng xét xử, đồng thời yêu cầu chủ toạ phiên toà vụ án giải trình. Chúng tôi thấy phòng xét xử vẫn diễn ra bình thường, không có sự cố gì về mặt kỹ thuật" - Chánh án TAND Tối cao cho biết.
Ông cũng khẳng định: Trong hồ sơ vụ án có tất cả những tài liệu như lời khai của Châu Thị Thu Nga, quyết định tách vụ án, biên bản đối chất của Nga và các đối tượng liên quan. Việc Chủ toạ phiên toà dừng không cho khai tiếp do vụ án này đã được tách ra, theo quy định của luật thì việc này được phép.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cũng dẫn chứng, trên thực tế đã tách nhiều vụ án, như ngân hàng Xây dựng tách làm 3 vụ, vụ Ngân hàng đại dương đã xét xử một phần… Nếu trong phiên toà tình tiết mới xuất hiện không có quyết định tách án thì trách nhiệm của hội đồng xét xử là hỏi và làm cho rõ tình tiết này, nhưng do vụ án đã tách ra và có quyết định trong hồ sơ nên Hội đồng xét xử được phép không cần đề cập đến vụ việc này nữa, tương tự như vụ án Oceanbank, lần xét xử sơ thẩm thứ nhất, việc làm thất thoát mất 800 tỷ thì lần thứ nhất có đề cập, nhưng lần thứ 2 cơ quan điều tra đã quyết định tách vụ án nên không đề cập nữa.
“Việc không đề cập đến nội dung vụ án đã được tách ra nằm trong quy định của luật và đã là thông lệ bình thường, không có gì là quá khác biệt" - ông Nguyễn Hoà Bình nói.
Về lời khai của Châu Thị Thu Nga, Chánh án toà án nhân dân tối cao cho biết cũng đã có trong hồ sơ vụ án, "không có gì là giấu giếm".
Báo cáo trước Quốc hội, Chánh án TAND tối cao cho biết, Châu Thị Thu Nga khai đã chi tiền với số tiền đã biết (30 tỷ đồng- PV), hai phần cho hội đồng bầu cử địa phương để có tên trong danh sách ứng cử viên ĐBQH, và một phần cho mục đích thứ hai là chi để giải quyết việc báo chí viết về bằng tiến sĩ giả của Nga do ở thời điểm bầu cử, báo chí viết về việc Nga không đi học.
"Cách chi, theo lời khai là Nga thì Nga biết một doanh nhân buôn bán vàng có quan hệ rộng ở Hà Nội và chủ động gặp Doanh nhân. Theo yêu cầu của Doanh nhân, Nga đưa cho doanh nhân này nhiều lần, có lần 100.000 (đô la Mỹ – PV), có lần 200.000 và anh này mang đi làm gì Nga không biết. Việc đưa không có ai biết và không có chứng cứ" - ông Bình nêu rõ.
"Khi đối chất với anh này, anh ta có nhận là quen biết Nga nhưng không nhận tiền và không quen biết ai ở Hà Nội. Với tình huống vụ án như vậy, cơ quan điều tra tách ra là cần thiết, và cũng không thể làm rõ hành vi này tại toà án. Nếu bằng các giải pháp, nghiệp vụ khác nhau, cơ quan điều tra làm rõ được hành vi này thì sẽ có một phiên toà cụ thể khác chứ không có gì là mờ ám" - Chánh án TAND tối cao nói.
Châu Thị Thu Nga trước khi bị vướng vòng lao lý là một doanh nhân và là đại biểu quốc hội Việt Nam khoá XIII thuộc đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Bà Nga trúng cử với tỷ lệ phiếu là 61,79 %. Khi đó, bà Nga đang là Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư xây dựng nhà đất.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc