Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Người dân vẫn tin báo chí hơn mạng xã hội

19:04, 17/11/2017
|

(VnMedia) - “Nhìn tổng thể, đa số người dân vẫn tin vào sự trung thực của báo chí hơn mạng xã hội, người ta lấy thông tin báo chí để khẳng định đúng chứ không ai lấy thông tin trên mạng xã hội để khẳng định" - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn

Chiều nay, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tiếp tục trả lời chất vấn của các ĐBQH về các lĩnh vực mà Bộ quản lý.

Trả lời chất vấn của các ĐBQH về việc xử lý người dùng mạng xã hội nặc danh, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói: “Những người bị xâm hại cũng phải lên tiếng chứ chúng tôi không thể kiểm tra hết 53 triệu người sử dụng MXH. Có những trường hợp phải phối hợp với Bộ Công an để xử lý. Trong trường hợp không xác định được nhân thân người sử dụng thì chúng tôi yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ, chủ yếu là Google và Facebook, gỡ bỏ, cung cấp thông tin".

Theo đó, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước trên phương diện truyền thông, Bộ TT – TT đã làm việc với các nhà mạng có văn phòng đại diện, có quan hệ hợp tác với Việt Nam và yêu cầu các nhà mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Sự hợp tác này bước đầu đã đạt kết quả khả quan. Hiện đã gỡ được trên 5.000 clip có thông tin xấu, độc hại, chống phá lợi ích của Nhà nước Việt Nam… trên Youtube.

Lý giải về việc số lượng clip được gỡ này còn ít, Bộ trưởng nêu rõ, các nhà mạng cho biết cứ mỗi phút đồng hồ trôi qua thì thời lượng clip tung lên mạng xã hội tương đương với khoảng 48 giờ đồng hồ nên bản thân họ cũng không thể kiểm soát được. Nếu phía Việt Nam thấy có vi phạm pháp luật của Việt Nam thì chuyển cho nhà mạng, họ xử lý. Hiện nay, cơ quan chức năng Việt Nam cũng đang làm việc tiếp với Youtube để có bộ chặn lọc; đồng thời rà soát hệ thống pháp luật, có chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm trên mạng xã hội.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, “quản lý của chúng ta chưa theo kịp với thực tế". “Chúng tôi yêu cầu các nhà sản xuất nội dung Việt Nam cần cân nhắc nghiêm túc để hạn chế việc đưa sản phẩm độc quyền của mình lên, các nhà mạng viễn thông phải nắm trong tay hạ tầng mạng, cần có chính sách phát triển nội dung số riêng để nắm bắt nền tảng của mình, Bộ VHTTDL cần có chính sách quản lý quảng cáo xuyên biên giới, Bộ Tài chính cần kiểm soát việc nộp thuế đối với Google, Facebook, không thể có chuyện kiếm doanh thu hàng trăm triệu USD mà lại không nộp thuế cho Việt Nam. Cũng mong Bộ Công an phối hợp xác định nhân thân người dùng có hành vi xấu” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Xung quanh tranh luận của ĐB Triệu Thị Huyền (Yên Bái), rằng “chúng ta đang ưu tiên sử dụng các mạng xã hội do nước ngoài cung cấp vào Việt Nam, điều này gây khó khăn trong công tác quản lý do máy chủ của các mạng xã hội này đặt ở nước ngoài” như Facebook hay Youtube, Bộ trưởng cho biết, Facebook và Google hiện đang là mạng xã hội lớn nhất thế giới, quản lý và cạnh tranh với họ không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà của toàn cầu. Chỉ Trung Quốc, Hàn Quốc có mạng riêng, còn tất cả đều lệ thuộc vào 2 mạng này.

“Chúng ta đã có những trang được kỳ vọng thay thế như Bamboo, Xalo, nhưng đã không thể tồn tại. Hiện nay chỉ có Zingme của VNG nhưng đang tụt hậu dần nên họ đã chuyển sang Zalo, nhưng vẫn thua 2 mạng kia” - Bộ trưởng thông tin.

Từ thực tế đó, theo Bộ trưởng, nếu có thể thí điểm để triển khai với điều kiện ưu tiên về thuế, chính sách tài chính,… từ đó mới có thể hình thành hệ sinh thái số lớn mạnh của VN, và từ đó mới có cơ sở tin tưởng rằng Việt Nam có thể xây dựng những sản phẩm có thể thay thế trong 5-7 năm tới.

“Để làm được phải thực hiện mô hình 4 nhà: Nhà mạng viễn thông hỗ trợ, nhà mạng xã hội trong nước vươn lên, nhà quảng cáo tập trung quảng cáo, nhà phát triển nội dung trong nước. Thì lúc đó mới hy vọng hình thành hệ sinh thái số, nhưng rất khó vì thói quen người dùng đã quen với 2 mạng này.” Bộ trưởng nói.

Đối với câu hỏi của ĐB Cao Thị Xuân: “có hay không tình trạng thông tin trên mạng xã hội đang lấn át thông tin từ báo chí chính thống?”, Bộ trưởng nói: “Nhìn tổng thể, đa số người dân vẫn tin vào sự trung thực của báo chí hơn mạng xã hội, người ta lấy thông tin báo chí để khẳng định đúng chứ không ai lấy thông tin trên mạng xã hội để khẳng định. Mạng xã hội có tác động như vậy nhưng phải khẳng định thông tin trên báo chí đáng tin cậy hơn".

Bộ trưởng cũng cho biết, hầu hết các nước đều gặp phải tình trạng mạng xã hội lấn lướt báo chí, nhưng luật pháp của họ có đủ để xử lý. “Đó là kinh nghiệm các chuyên gia của ta cần nguyên cứu” - Bộ trưởng nói.

Về ý kiến của ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) rằng: “dư luận rất quan tâm đến tình trạng lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do dân chủ để có hành vi xâm phạm đến lợi ích của nhà nước và lợi ích chính đáng của công dân”, Bộ trưởng nói: “Luật pháp nước ta không cho phép báo chí tư nhân, các thế lực thù địch ở nước ngoài cho rằng như vậy là không có tự do ngôn luận mà chỉ có báo chí quốc doanh, viết bài theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo. Chúng ta có báo Đảng, báo của các tổ chức, cơ quan, không chỉ có các nhà báo chuyên nghiệp mà mọi công dân đều có thể viết bài cho các báo. Bộ TT&TT có nhiệm vụ quản lý nhà nước, Ban Tuyên giáo có chức năng nhiệm vụ định hướng báo chí".

Khẳng định “nước ta không có chế độ kiểm duyệt báo chí”, Bộ trưởng nói: “Việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích quốc gia là trường hợp thiếu sự kiểm soát, đưa tin sai sự thật, thật giả lẫn lộn, bới móc đời tư, giật gân câu khách, mô tả tội ác một cách rùng rợn… là có thật. Thậm chí cả vấn đề lịch sử, việc trao đổi quan điểm khác nhau là bình thường nhưng cũng có người lợi dụng tự do báo chí để xuyên tạc lịch sử".

Theo Bộ trưởng, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT&TT đã rà lại hệ thống pháp luật có liên quan, các chế tài vi phạm cần đủ mạnh để ngăn ngừa và răn đe.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc