Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Đừng coi việc sử dụng mạng xã hội là xấu

13:56, 17/11/2017
|

(VnMedia) - "Mạng xã hội như một con đường, trên đó có rất nhiều hạng người, có người tốt, có người xấu, thậm chí có kẻ cướp. Cho nên, đừng coi việc sử dụng mạng xã hội là xấu, mà phải coi ý thức của người sử dụng mạng xã hội như thế nào....", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu quan điểm.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn - ảnh: VNN

Tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, từ 10h20 sáng nay, 17/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã trả lời chất vấn của các ĐBQH.

Các vấn đề mà Bộ trưởng giải trình trước Quốc hội hôm nay bao gồm: Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử; công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình; giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.

Trước khi trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã có báo cáo giải trình về một số nội dung chất vấn được gửi đến Bộ TT-TT trước phiên chất vấn này.

Theo đó, liên quan đến giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ, các thông tin tiêu cực như xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước... chủ yếu tồn tại trên các mạng xã hội nước ngoài do nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, trước đây các trang mạng xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam nhưng gần như không bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật Việt Nam dẫn đến tình trạng việc theo dõi, xử lý các thông tin vi phạm còn gặp khó khăn.

Trong thời gian qua, Bộ TT - TT đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, đấu tranh ngăn chặn các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật, như: tham mưu cho QH, Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý Internet và thông tin trên mạng. Tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai trái, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ TT - TT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. Đối với trường hợp xác định được nhân thân của đối tượng vi phạm, tuỳ theo mức độ, Bộ TT - TT sẽ áp dụng hình thức xử lý kịp thời thông qua việc xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp kỹ thuật, áp dụng theo quy định tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Trường hợp vi phạm mức độ nhẹ thì nhắc nhở, rút kinh nghiệm, trường hợp vi phạm ở mức độ nặng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép, thu hồi tên miền... Trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm, Bộ TT - TT yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, Youtube, Facebook,... thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy định tại Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT.

Ngoài ra, Bộ TT - TT cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xác định hành vi, đối tượng và ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm ẩn danh tính hoặc đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trên Internet và mạng xã hội. Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet và mạng xã hội.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đảm bảo môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, kịp thời bổ sung, xây dựng các văn bản mới và xây dựng cơ chế chính sách về thông tin điện tửcho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng hiệu quả quản lý, bổ sung các chế tài xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn;

Bộ  cũng sẽ xây dựng chính sách quản lý nội dung thông tin trên mạng theo kịp với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của các công nghệ mới; Nghiên cứu phương án xây dựng công cụ quản lý, thu thập, phòng ngừa và cảnh báo; công cụ đánh giá truy cập website để làm căn cứ thực hiện các chính sách quản lý nhà nước về thông tin trên Internet;

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng về các quy định của pháp luật có liên quan nội dung thông tin trên mạng; Thúc đẩy mạng xã hội do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp dịch vụ; Tăng cườnghợp tác quốc tế và phối hợp với cácbộ, ngành chức năng để xử lý các thông tin vi phạm chuyên ngành liên quan đến thuế, thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử.

Người dùng mạng xã hội là người tốt

Ngay trong sáng nay, đã có 70 ĐBQH đăng ký chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.

Trả lời câu hỏi ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa về việc có hay không tình trạng truyền hình thương mại lấn lướt truyền hình công, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, hầu hết các chương trình xã hội hoá là chương trình giải trí. Cách đây mấy năm, sai phạm nhiều, nhưng gần đây quy trình chuẩn hơn nên vi phạm tại các chương trình truyền hình xã hội hoá, truyền hình thương mại đã giảm đi rất nhiều.

Với vai trò quản lý, Bộ đã tăng cường kiểm tra, quản lý, nhắc nhở, xử lý, đặc biệt đưa ra cơ chế, quy định chương trình tự sản xuất phải chiếm 30%, các chương trình liên kết không được vượt quá 50%.

“Đây là một trong những nội dung cơ bản để tăng cường quản lý chương trình xã hội hoá truyền hình. Và thực tế các chương trình này nằm ở các kênh khác nhau, bên cạnh các kênh thiết yếu nên không thể gọi xã hội hoá truyền hình lất lướt các chương trình thiết yếu của Đài truyền hình Việt Nam cũng như truyền hình địa phương”, Bộ trưởng khẳng định.

Liên quan việc quản lý, sử dụng mạng xã hội, khi trả lời các băn khoăn của đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh – Nghệ An về việc xuất hiện quá nhiều tin giả, xuyên tạc, chống phá và bôi nhọ lãnh đạo.... Bộ trưởng nói:

“Ta phải phải coi mạng xã hội là một phương tiện, là công cụ cho người dùng, nó như một con đường, chúng ta đi trên con đường đó, còn trách nhiệm là của người dùng. Trên con đường đó có rất nhiều hạng người, có người tốt, có người xấu, thậm chí có kẻ cướp. Cho nên, đừng coi việc sử dụng mạng xã hội là xấu, mà phải coi ý thức của người sử dụng mạng xã hội như thế nào. Hiện nay, ở Việt Nam có 53 triệu người sử dụng face book, "khi sử dụng facebook như vậy thì hầu hết là người tốt, chỉ có một bộ phận nhỏ, cho dù có 1-2 triệu người vẫn là nhỏ so với 53 triệu người."

Bộ trưởng cũng cho biết: "Chúng tôi đã làm việc với các mạng xã hội nước ngoài, trong thời gian vừa qua đã gỡ bỏ rất nhiều, khoảng gần 5.000 clip trên youtube, vì những clip đó xâm hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xâm hại đến quyền của cá nhân."

“Hiện nay báo chí phản ánh có tình trạng trên mạng xã hội người ta không coi nhau là con người. Tôi nghĩ nói thế hơi nặng nề, vì người dùng mạng xã hội vẫn là người tốt, chỉ có một bộ phận nhỏ người xấu nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến môi trường mạng xã hội.” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, việc ném đá, nói xấu, chì chiết... trên mạng nhiều là một thực trạng. “Nói tốt thì ít người quan tâm, nhưng một lời lẽ xúc phạm nhau thì đang là nhức nhối. Thậm chí nhiều người tự tử vì nội dung bôi xấu trên mạng xã hội. Tình trạng ném đá tập thể, tung ra lời nói lăng mạ, bất chấp, không đặt mình vào vị trí nạn nhân nên năng lượng xấu bắt đầu lấn lướt trên mạng xã hội...” - Bộ trưởng nêu.

Nhận xét sau phần trả lời của Bộ trưởng sáng nay, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương đánh giá, phần trả lời của Bộ trưởng đã đáp ứng được yêu cầu của phiên chất vấn.

Chiều nay, Quốc hội sẽ tiếp tục phần chất vấn đối với Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc