Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định "không có đặc cách đặc thù cho ai"

15:26, 27/11/2017
|

(VnMedia) - Trước thông tin việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới là ưu ái cho Formosa, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường khẳng định “không có đặc cách đặc thù cho ai" mà "đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động công bằng trước pháp luật".

Theo thông tin báo chí đăng tải, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang giao Tổng cục Môi trường biên soạn một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới (QCVN 51: 2017/BTNMT) về khí thải công nghiệp sản xuất thép, thay thế quy chuẩn của năm 2013 (QCVN 51:2013/BTNMT). Theo đó, quy chuẩn mới vẫn cơ bản giữ nguyên các thông số kỹ thuật về khí thải công nghiệp trong sản xuất thép, nhưng lại thay đổi hàm lượng oxy tham chiếu từ 7% (QCVN 51;2013) lên 15% (QCVN 51:2017).

Việc thay đổi này khiến dư luận nghi ngờ Bộ TN&MT đang chạy theo Formosa, làm lợi cho doanh nghiệp, bỏ mặc môi trường bị hủy hoại vì ô nhiễm. Cơ sở của việc nghi ngờ này là ngày 16/8/2017, Formosa Hà Tĩnh có công văn số 1708049, gửi Bộ TN&MT báo cáo về việc lắp đặt bổ sung hệ thống công trình bảo vệ môi trường khử lưu huỳnh, khử Nitơ, và khử Dioxin tại xưởng thiêu kết. Và dự kiến hoàn thành hệ thống thứ nhất vào năm 2020, hệ thống thứ 2 vào năm 2021.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường trả lời tại cuộc họp báo
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường trả lời tại cuộc họp báo

Phản hồi thông tin này, Bộ TN&MT cho biết, trong quá trình soát xét, rà soát và tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc…, tổ soạn thảo đã nhận diện các vướng mắc, bất cập của QCVN 51:2013/BTNMT, trong đó có việc quy định hàm lượng ôxy tham chiếu là 7%, nhưng không nêu rõ việc áp dụng cụ thể đối với từng loại công nghệ, công đoạn sản xuất và nhiên liệu sử dụng là chưa hợp lý. Trên cơ sở đó, tổ soạn thảo đã đề xuất các nội dung sửa đổi Quy chuẩn, trong đó có xem xét đến các yếu tố công nghệ của các nhà máy đã đầu tư trước đây và các nhà máy mới để đảm bảo việc đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển ngành thép gắn với bảo vệ môi trường.

Việc thay đổi tiêu chuẩn đã được tham vấn, lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân liên quan, bao gồm: Bộ Công Thương, các bộ, ngành, Tổng công ty Thép Việt Nam, Hiệp hội thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất thép, các cơ quan quản lý môi trường địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, người dân và đã nhận được nhiều ý kiến đa chiều của các bên liên quan. Theo Quy chuẩn hiện hành, mức quy định Ôxy tham chiếu là 7% cho tất cả các công đoạn, công nghệ sản xuất và nguyên liệu sử dụng, Bộ Công Thương và Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị hàm lượng Ôxy tham chiếu cho công đoạn thiêu kết là 19-20%.

“Tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, dự thảo Quy chuẩn hiện nay đề xuất áp dụng là 15% cho công đoạn thiêu kết tương tự như quy định của Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời xem xét giảm nồng độ tối đa cho phép đối với một số thông số ô nhiễm (SO2, NOx) trong khí thải sản xuất thép, phù hợp với từng loại công nghệ, công đoạn sản xuất và nhiên liệu sử dụng để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường” - Bộ TN&MT cho biết.

Tại cuộc họp báo của Bộ TN&MT tổ chức sáng nay (27/11), những thắc mắc về việc xây dựng, sửa đổi quy chuẩn tiếp tục được báo chí đưa ra, đồng thời phóng viên cũng nhắc lại việc Formosa đã từng mời một đoàn cán bộ của Tổng cục Môi trường đi tham quan học tập kinh nghiệm tại Formosa, điều đáng nói trong đoàn còn có cả người thân gia đình các thành viên.

Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, đề án nêu rõ 6 loại hình doanh nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao, như doanh nghiệp trong lĩnh vực xi măng, nhiệt điện, khai thác khoáng sản…

Ngoài ra, đề án cũng xác định bộ tiêu chí để từ đó xác định những loại hình có phát sinh chất thải gây ô nhiễm, cụ thể tiêu chí đó là: quy mô, công suất có tầm ảnh hưởng rộng; vị trí đặt dự án; công nghệ sản xuất; công tác kiểm soát của dự án. Bên cạnh đó, cũng có tiêu chí rà soát dự án ngay từ khâu cấp phép đầu tư, đánh giá tác động môi trường… để phòng ngừa. Trên cơ sở đó, Bộ lấy ý kiến, rà soát được 28 cơ sở có khả năng gây ra sự cố môi trường để đưa vào kiểm soát đặc biệt.

Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức cũng cho hay, các doanh nghiệp như Formosa, doanh nghiệp khai thác quặng đa kim Núi Pháo, bô xít Tây nguyên… đã được đưa vào đề án kiểm soát đặc biệt này.

"Đây là những dự án đặc thù, có tàm ảnh hưởng lớn, nếu không kiểm soát tốt thì có nguy cơ gây ra ảnh hưởng đến môi trường" - ông Thức cho biết và khẳng định, quan điểm của Bộ là sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn về môi trường, nhưng vẫn đảm bảo yếu tố hài hoà phát triển của các ngành sản xuất.

“Không có đặc cách đặc thù cho ai trong xây dựng quy chuẩn này. Việc xây dựng quy chuẩn đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động công bằng trước pháp luật. Chúng ta đưa ra mặt bằng chung cho ngành phát triển chứ không cho riêng doanh nghiệp nào” - ông Thức tái khẳng định.

Ông Thức cũng cho biết, sau sự cố môi trường Formosa gây ra tại vùng biển miền Trung, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận và có hình thức xử lý với những cá nhân, tổ chức có sai phạm, trong đó có cả vụ việc tổ chức đi tham quan tại Đài Loan.

Trả lời câu hỏi của VnMedia rằng, việc cấp phép cho các doanh nghiệp có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, sau đó lại phải dốc nhân lực và ngân sách nhà nước đi để giám sát, "canh" không cho họ vi phạm liệu có làm tăng biên chế trong lĩnh vực thanh tra, ông Hoàng Văn thức khẳng định sẽ không có chuyện tăng biên chế mà phải tự điều chỉnh, phân bổ và phối hợp với các bộ, ngành.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc