(VnMedia) - Sáng sớm nay (10/11) bão Haikui đã đi vào biển Đông, trở thành cơn bão số 13 trong năm nay. Dự báo cơn bão liên tục mạnh lên trong hai ngày tiếp theo...
Sáng sớm nay (10/11) bãoHaikui đã vượt qua khu vực phía Nam Lu-Dông của Philippin đi vào biển Đông, cơn bão số 13.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn cho biết, hồi 4 giờ sáng nay 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 119,8 độ Kinh Đông cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 930km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km còn có khả năng mạnh thêm. Đến 04 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 430km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12. Biển động rất mạnh. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 12,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờđi được khoảng 10-15km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 12/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13.
Dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km.
Cho đến thời điểm hiện tại, chưa rõ cơn bão có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam hay không, tuy nhiên, nhiều trang dự báo thời tiết uy tín ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương e ngại, cơn bão này có hướng di chuyển khó lường, trái quy luật.
Tổng kiểm tra an toàn hồ đập
Chiều qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp ký công điện số 88 gửi tất cả các Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương cùng ba cơ quan gồm: Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên - Môi trường đề nghị tổng rà soát các hồ đập sẵn sàng ứng phó với một hình thái thời tiết nguy hiểm mới.
Theo đó, để chủ động và sẵn sàng ứng phó với đợt mưa lũ lớn có thể xảy ra trong thời gian tới do ảnh hưởng của cơn bão số 13, trong khi bối cảnh hiện nay các hồ chứa đã đầy nước, nhiều hồ chứa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các tỉnh phối hợp với các chủ hồ tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá nhanh hiện trạng an toàn của các công trình đập, hồ chứa thủy điện và thủy lợi trên địa bàn đang quản lý; cập nhật thường xuyên thông tin để chủ động vận hành xả nước đón lũ, đặc biệt là khu vực từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa.
Rút kinh nghiệm để hoàn thiện các phương án phòng chống lũ hạ du, nhất là các khu vực hạ du đập có đông dân cư, khu đô thị, các công trình hạ tầng quan trọng. Sẵn sàng phương án sơ tán dân khi có tình huống khẩn cấp.
“Các địa phương phải báo cáo kết quả tổng rà soát về Bộ NN-PTNT đối với các hồ thủy lợi và báo cáo Bộ Công Thương đối với các hồ thủy điện.” - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu.
Ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn tính mạng của người dân
Trước đó, cùng ngày, phát biểu tại Hội nghị về khắc phục hậu quả và tái thiết sau bão tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, theo chức năng nhiệm vụ cử ngay các đoàn công tác đến các địa phương để trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả bão lụt một cách nhanh nhất.
Đồng thời yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Thường trực Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ động kiểm tra, đôn đốc, nếu bộ, ngành nào không thực hiện sẽ bị kỷ luật..
Để kịp thời hỗ trợ người dân vùng bão, lũ, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng tổng hợp nhu cầu, đề xuất Chính phủ phê duyệt để tổ chức cấp phát cho người dân.
“Người dân cần bao nhiêu thì xuất cấp hỗ trợ từng đó, yêu cầu các địa phương, bộ, ngành khẩn trương tổng hợp, rà soát, đề xuất để tổ chức cấp phát cho người dân” Phó Thủ tướng khẳng định.
Đặc biệt Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an toàn tính mạng của người dân.
“Các bộ, ngành, địa phương phải đặt ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng của người dân lên hàng đầu,” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với lực lượng công an tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, tuyệt đối không để tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc