(VnMedia) - “Việc giữ tiền phải hoàn toàn chính đáng và phải đảm bảo quyền lợi của nhân dân, của người chủ sở hữu, không thể chi tiền tràn lan” - Đại biểu Quốc hội (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Giá thuốc chỉ được bằng hoặc thấp hơn các nước có GDP tương đương
Thảo luận tại Quốc hội ngày 2/11 về lĩnh vực y tế, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho biết, hôm qua, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Y tế trình bày về những thực trạng khó khăn và đề ra những giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của bệnh nhân có bảo hiểm y tế, cũng như đổi mới toàn diện ngành y tế, ông và nhiều đại biểu Quốc hội đã phân tích khá sâu sắc về lĩnh vực này.
Với tư cách là đại biểu Quốc hội ngành y tế, ông Nguyễn Lân Hiếu đề xuất một giải pháp: “Chúng ta chỉ việc áp dụng tổ chức đấu thầu tập trung, áp giá thuốc, vật tư thiết bị chỉ có thể bằng hoặc thấp hơn các nước có GDP tương tự hoặc thấp hơn trong khu vực như cách ngành thuế đã làm trong những năm vừa qua”.
Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu, để thực hiện điều trên không khó, cái khó là “việc này sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận đang có quyền hình thành ra mức giá rất "made in Vietnam" này”.
“Chỉ cần cải tổ đầu vào, bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiết kiệm được một số tiền lớn, vì hiện nay đại đa số tiền của quỹ bảo hiểm dùng để chi trả cho thuốc và các vật tư tiêu hao ngành y tế” - ĐB ngành y tế phân tích.
Theo ông, cần xem xét lại các quy trình khám chữa bệnh, cấp phát thuốc của bệnh nhân có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, tránh các bất cập làm mất công sức người bệnh, ùn tắc bệnh viện và lãng phí quỹ bảo hiểm y tế, như việc khám bệnh mãn tính, bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường chúng ta không nên quy định cứ khám một tháng một lần.
“Vì như vậy, rất nhiều các xét nghiệm thường quy mà chỉ cần kiểm tra, thậm chí 6 tháng, 1 năm một lần mà vẫn phải thực hiện một tháng một lần sẽ gây tốn kém cho bệnh nhân và tốn kém cho quỹ và làm ảnh hưởng đến ùn tắc bệnh viện, quá tải bệnh viện. Hay như bệnh nhân đang dùng thuốc mỗi tháng một lần lại phải thay đổi thuốc với lý do rất lãng xẹt là thuốc này đợt này bảo hiểm y tế chỉ thầu có vậy, rất dễ gây bức xúc cho dư luận” - ông Hiếu dẫn chứng.
Cũng theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu, cần phải tạo điều kiện, cơ sở vật chất ngày càng tốt hơn và an toàn hơn, bảo đảm thu nhập để các nhân viên y tế yên tâm làm việc.
“Nếu vừa làm vừa lo, thiếu phương tiện thuốc men, vừa lo tháng này không biết có bị chậm trả lương không, vừa lo gia đình bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có thể hành hung, nhục mạ thì không một từ mẫu nào có thể yên tâm làm việc được” - ĐB Hiếu nhấn mạnh.
Một việc hết sức quan trọng nữa, theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu, là cần có kế hoạch để nâng cao kiến thức tái đào tạo một cách thường xuyên toàn bộ hệ thống vì chỉ có như vậy mới hạn chế được những chỉ định, những phương pháp điều trị lạc hậu gây nguy hiểm cho người bệnh, tốn kém cho quỹ bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, cần có chế độ kiểm tra, giám sát minh bạch hoạt động của nhân viên y tế.
“Rất cần có các hội đồng y khoa độc lập hoàn toàn với Bảo hiểm xã hội và Bộ Y tế để xem xét các tranh cãi về chỉ định cách thức tiến hành, kết quả của một phương pháp điều trị là đúng hay sai. Tránh hiện tượng trục lợi quỹ bảo hiểm cũng như sự áp đặt xuất toán của Bảo hiểm y tế không được các bệnh viện tâm phục, khẩu phục như đang diễn ra hiện nay thường xuyên” - ĐB Nguyễn Lân Hiếu nêu.
Không thể chi tiền tràn lan
Đồng tình với ý kiến của ĐB Hiếu là “rất sát đáng và rất đáng quan tâm”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, việc giữ tiền phải hoàn toàn chính đáng và phải đảm bảo quyền lợi của nhân dân, của người chủ sở hữu.
“Chúng ta không thể chi tiền tràn lan. Chúng ta thấy đấu thầu thuốc lần thứ nhất đã giảm hơn 500 tỷ, vậy tiền của chúng ta để đấu thầu thuốc và để mất tiền do đấu thầu thuốc hay để xảy ra những vụ như Pharma thì chúng ta có nên để chi tiền bảo hiểm xã hội của người dân đóng vào hay không?” - ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.
Ông cũng cho biết đã đi khảo sát ở một số bệnh viện và chụp ảnh mang về, trong đó là cảnh “giường kê hết ra bên ngoài và tôi gặp rất nhiều thanh niên nằm trên các giường đó. Người ta rất khỏe mạnh nhưng vẫn nằm trên các giường đó, ngay tại Hà Nội”.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn cho các nhân viên y tế.
"Ở các bệnh viện hiện nay tình trạng rất nhốn nháo và bác sỹ không còn tâm trí nào để chữa bệnh do bảo vệ ít và rất dễ dàng bị người nhà cũng như những người khác đến hành hung. Tôi cho rằng nếu tiếp tục quản lý như thế này thì không thể nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và người dân, bác sỹ luôn luôn là đối tượng rất lo lắng. Trước tình trạng tiêu cực và hung đồ của một số kẻ vào nơi lẽ ra chúng ta cần phải được miễn nhiễm với những tiêu cực. Cho nên tôi muốn trao đổi lại những vấn đề này để chúng ta phải xem xét lại vấn đề công tác quản lý của ngành y tế để chúng ta làm tốt hơn công tác này “ - ĐB Nhưỡng nói.
Liên quan đến bài phát biểu ngày 1/11 của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng dịch sốt xuất huyết bùng phát là do thời tiết, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm: “Nếu nói như Bộ trưởng Bộ Y tế ngày hôm qua thì cơ bản dịch bệnh là do thời tiết. Tôi cho rằng việc chúng ta quản lý mà không khoanh vùng dịch kịp thời, không công bố dịch kịp thời để đến lúc dịch tràn lan, đến chết người chúng ta mới làm thì không kịp”.
Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc