12 tổ chức lên tiếng phản bác ý kiến Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương về thuế thuốc lá

06:29, 09/11/2017
|

(VnMedia) - Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) gồm 12 tổ chức vừa chính thức có thông cáo báo chí phản hồi ý kiến của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương phát biểu về vấn đề tăng thuế thuốc lá và buôn lậu tại phiên họp Quốc hội sáng 31/10/2017.

12 tổ chức trong Liên minh bao gồm: Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) - Tổ chức điều phối Liên minh; Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam; Trung Ương Hội Y tế Công cộng; Hội Hô hấp Việt Nam; Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam; Hội Dinh dưỡng Việt Nam; Trung tâm Truyền thông và Giáo dục Cộng đồng (MEC); Trung tâm Phát triển Truyền thông và Sức khỏe (HCDC); Trung tâm Y tế Công cộng và Phát triển cộng đồng (CEPHAD); Trung tâm Thông tin Phi chính phủ (NGO-IC); Trung tâm Hướng nghiệp & Tiếp sức trẻ học hòa nhập; Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển bền vững.

Bản Thông cáo báo chí của 12 tổ chức nói trên được nêu lên với rất nhiều bằng chứng khoa học đầy tính thuyết phục đã được nghiên cứu ở Việt Nam cũng như trên thế giới về thuốc lá.

Ngay đầu bản thông cáo báo chí, Liên minh cho biết: “Tăng thuế làm gia tăng buôn lậu” là điều mà các công ty thuốc lá luôn ra sức tuyên truyền để làm nhụt chí các nhà hoạch định chính sách mỗi khi chính phủ có dự thảo tăng thuế, đó là bài học kinh nghiệm đã được ghi nhận ở rất nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam trong suốt quá trình cải cách thuế thuốc lá. Và thông điệp này đã được Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nêu lên trong nghị trường tại phiên họp Quốc hội ngày 31/10/201.

Theo đó, phát biểu của ông Nguyễn Sĩ Cương đã được đăng tải trên nhiều tờ báo như sau: “Chúng ta cứ đề nghị tăng thuế vì cho rằng thuốc lá của Việt Nam rẻ. Việc tăng thuế theo lộ trình tôi cho là cần thiết, nhưng hiện tại thuốc lá sản xuất trong nước, loại rẻ nhất cũng khoảng 10.000đ/1 bao, trong khi đó thuốc lá lậu nhiều loại mà tôi mua ở trong túi này có 4.000đ. Vậy, việc tăng thuế thuốc lá nhằm tăng giá thuốc lá vô tình lại kích cầu cho buôn lậu và trong khi công tác chống buôn lậu chưa mang lại nhiều kết quả".

ĐB Nguyễn Sĩ Cương cho rằng, tăng thuế thuốc lá làm gia tăng tình trạng buôn lậu
ĐB Nguyễn Sĩ Cương cho rằng, việc tăng thuế thuốc lá nhằm tăng giá thuốc lá vô tình lại kích cầu cho buôn lậu

Tuy  nhiên, với tư cách là các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực y tế công cộng, thành viên của Liên minh phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN), bản thông cáo báo chí của 12 tổ chức cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) ở VN đang rất thấp và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện đang rất rẻ và sức mua thuốc lá đang gia tăng.

“Nếu không tăng thuế mạnh để kìm hãm đà tăng tiêu dùng thuốc lá thì người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên sẽ còn phải gánh chịu nhiều hệ lụy do sử dụng thuốc lá” - Thông cáo báo chí nêu quan điểm. Theo phân tích của bản thông cáo này thì thuế thuốc lá Việt Nam hiện thuộc nhóm rất thấp so với thế giới và trong khu vực.

Cụ thể, theo luật thuế hiện hành, thuế TTĐB của thuốc lá bằng 70% giá xuất xưởng. Tuy nhiên khi tính theo chuẩn quốc tế là thuế trong giá bán lẻ, thì tỷ lệ thuế của Việt Nam (bao gồm cả thuế VAT) chỉ chiếm khoảng 35,6%. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với trung bình thế giới 56% và thấp hơn đa số các nước ASEAN.

Ngược lại với quan điểm của đại biểu Nguyễn Sĩ Cương, bản thông cáo này khẳng định, chính vì thuế thấp nên giá thuốc lá ở Việt Nam cũng thuộc loại rẻ nhất so với trên thế giới và trong khu vực. “Giá trung bình một bao Malboro 20 điếu ở Việt Nam chỉ vào khoảng 1.1 USD, chỉ cao hơn một chút so với giá ở Campuchia (~1 USD) và thấp hơn so với tất cả các nước còn lại trong khu vực ASEAN".

Thông cáo cũng cho biết, kết quả một khảo sát gần đây vào tháng 8-9/2016 tại 600 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, có nhiều nhãn hiệu thuốc lá sản xuất trong nước hiện có giá rất thấp chỉ 5.000 VNĐ/bao 20 điếu như Du lịch đỏ bao mềm, Hoàn Kiếm bao cứng, Trị An bao mềm và War horse xanh.

Một luận điểm khoa học nữa cũng được các tổ chức đưa ra, đó là trong khi thuế và giá thuốc lá còn thấp, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam không ngừng gia tăng trong những năm qua nên so với tương quan thu nhập, giá thuốc lá đang ngày càng trở nên dễ mua hơn, sức mua thuốc lá của người dân ngày càng gia tăng.

"Từ năm 2005 đến 2016 thu nhập danh nghĩa theo đầu người (GDP) đã tăng gấp 4,7 lần trong khi giá thuốc lá chỉ tăng 2,2 lần” - Thông cáo cho biết và dẫn chứng, nếu như năm 2005 người dân phải bỏ 9% thu nhập để mua 100 bao thuốc lá Vinataba 20 điếu, thì tỷ lệ này đã giảm dần và đến năm 2016 người dân chỉ còn phải bỏ ra 4,3% thu nhập để mua 100 bao thuốc lá cùng loại.

“Như vậy, trong những năm qua, dù thuế và giá thuốc lá ở Việt nam có tăng nhưng mức tăng không đủ để theo kịp mức tăng của thu nhập bình quân đầu người và lạm phát. Thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam còn đang rất rẻ so với thu nhập của người dân Việt Nam và so với các nước trong khu vực cũng như thế giới. Sức mua thuốc lá của người Việt Nam vẫn đang trên đà gia tăng” - thông cáo nhấn mạnh.

Thứ hai, thông cáo báo chí của 12 tổ chức cũng phản bác ý kiến cho rằng tăng giá thuốc lá là nguyên nhân “kích cầu cho buôn lậu gia tăng” và khẳng định, điều này là thiếu cơ sở.

“Trên thực tế, việc tăng thuế, tăng giá thuốc lá không phải là nguyên nhân chính làm gia tăng buôn lậu thuốc lá ở nước ta bởi giá của phần lớn thuốc nhập lậu cao hơn giá thuốc lá hợp pháp được sản xuất trong nước.

Theo đó, kết quả của khảo sát toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2010 (GATS) cho thấy, gần 90% thị phần thuốc lá nhập lậu là các nhãn hiệu thuốc Jet và Hero là những nhãn hiệu thuốc lá không được sản xuất trong nước, trong khi giá của các sản phẩm này cao hơn mức giá trung bình của thuốc lá hợp pháp khoảng từ 30% đến 60%. 

Với những nhãn hiệu có cả sản phẩm sản xuất trong nước và nhập lậu thì giá của thuốc lá lậu cũng cao hơn. Theo nghiên cứu giá thuốc lá của Vụ Chính sách thuế, Bộ tài chính năm 2013, giá trung bình 1 bao thuốc Malboro đỏ hợp pháp là 22.700VNĐ trong khi thuốc lá lậu cùng loại có giá là 25.000VNĐ.

Bản thông cáo khẳng định, hương vị (hay còn gọi là “gu hút” tác động nhiều hơn đến việc lựa chọn thuốc lá lậu tại Việt nam, chứ không phải giá cả.

“Kết quả điều tra tiêu dùng thuốc lá tại 12 tỉnh ở Việt Nam năm 2012 do Đại học Thương Mại thực hiện cho thấy trên 70% người sử dụng thuốc lá lậu là do hương vị, tò mò, và bạn bè mời và chỉ có 15% người sử dụng thuốc lá lậu do giá thấp.” - bản thông cáo cho biết.

Thuốc giá lậu gia tăng không liên quan đến tăng thuế

Theo phân tích của Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam, Việt Nam mới chỉ điều chỉnh thuế về một mức vào năm 2006 và tăng thuế vào năm 2008 và 2014 trong khi buôn lậu thuốc lá là vấn đề xảy ra từ nhiều năm nay. Và thực tế, lượng thuốc lá lậu biến động tăng, giảm qua các năm nhưng không liên quan tới các thời điểm tăng thuế.

Theo đó, số liệu của Hiệp hội thuốc lá cho thấy, từ 2007 đến 2009, lượng thuốc lá lậu tăng bình quân là 117 triệu bao mỗi năm. Cũng trong giai đoạn này, thuế TTĐB đối với thuốc lá tăng từ 55% năm 2007 lên 65% vào năm 2008. Nhưng giai đoạn sau tăng thuế từ 2009-2011, lượng thuốc lá lậu vào nước ta lại có xu hướng giảm nhẹ từ 870 triệu bao năm 2009 xuống 750 triệu bao năm 2011.

Tiếp đó, từ 2011 đến 2013, mặc dù Nhà nước không tăng thuế, nhưng lượng thuốc lá lậu lại gia tăng mạnh từ 750 triệu bao năm 2011 lên 930 triệu bao năm 2013 (Phụ lục, Hình 3). Nguyên nhân của tình trạng này theo báo cáo của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, là do hoạt động buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi, trong khi hoạt động kiểm soát thuốc lá lậu còn gặp khó khăn do thiếu nguồn lực thực hiện.

Còn theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thực tế ở 76 quốc gia có mức giá thuốc lá thấp, tình trạng buôn lậu thậm chí lại xảy ra nhiều hơn so với những quốc gia có mức giá thuốc lá cao. Ngược lại, có những quốc gia có mức thuế và giá trung bình của thuốc lá rất cao nhưng mức độ buôn lậu lại thấp, điển hình như Thụy Điển là nước có giá thuốc lá cao nhất thế giới nhưng lại có tỷ lệ buôn lậu thuốc lá thấp nhất thế giới.

“Để ngăn ngừa buôn lậu thì biện pháp phù hợp phải là tăng cường kiểm soát thuốc lá lậu thay vì do dự tăng thuế. Lợi ích mà tăng thuế thuốc lá mang lại là không thể so sánh với việc chống buôn lậu” - bản thông cáo báo chí của liên minh 12 tổ chức nhấn mạnh.

“Ngay cả khi có buôn lậu, thì tăng thuế vẫn đạt được những hiệu quả mong muốn. Đây chính là kết luận của Ngân hàng thế giới: “Buôn lậu thuốc lá là một vấn đề nghiêm trọng. Nhưng ngay cả khi có buôn lậu thì bằng chứng từ nhiều quốc gia cho thấy tăng thuế thuốc lá vẫn làm tăng thu ngân sách và giảm tiêu dùng” - Bản thông cáo phân tích thêm tác dụng của việc tang thuế thuốc lá.

Khuyến nghị tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá

Trên cơ sở những phân tích trên, Liên minh 12 tổ chức khuyến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét giải pháp tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá đến một mức nhất định là một giải pháp “cùng thắng” cho Việt Nam, đó là tăng doanh thu cho ngân sách nhà nước, giảm được nguy cơ  gây bệnh tật và tử vong liên quan đến thuốc lá trong tương lai, giảm chi tiêu chăm sóc sức khỏe, ngăn ngừa thanh thiếu niên hút thuốc và nhiều người được cứu sống.

“Chúng tôi ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính về việc bổ sung thuế tuyệt đối vào cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá vì giải pháp này khắc phục những nhược điểm của hệ thống thuế theo tỷ lệ hiện hành. Đó là giúp giảm khoảng cách về giá giữa các dòng sản phẩm thuốc lá, loại trừ dần những sản phẩm thuốc lá siêu rẻ nhằm giảm sự tiếp cận của thanh thiếu niên và người nghèo; giảm nguy cơ chuyển giá giữa nhà sản xuất và các công ty phân phối dẫn đến thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.” - bản thông cáo báo chí viết.

Cụ thể, để đạt được mục tiêu y tế công cộng, các tổ chức này khuyến nghị mức bổ sung thuế tuyệt đối cần ở mức tối thiểu 2.000 đồng/bao thuốc lá và tiếp tục điều chỉnh mức thuế suất tuyệt đối ở các năm tiếp theo để ít nhất theo kịp lạm phát và tăng trưởng thu nhập.

“Với phương án đề xuất này, không những nguồn thu ngân sách từ thuế sẽ tăng thêm đáng kể mà tỷ lệ hút thuốc ước tính sẽ giảm được 3% vào năm 2020. Mức giảm này, sẽ giúp đạt được ½ mức giảm cần thiết để đạt mục tiêu đề ra về giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá của Chiến lược quốc gia về PCTH thuốc lá đến năm 2020 (là giảm 6,3% từ 45,3% năm 2015 xuống 39% vào năm 2020).

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc