(VnMedia) - Trong ngày 19 và 20/10 tại thành phố Cần Thơ, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế đã tổ chức lớp Tập huấn tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết Dengue (SXHD) và tay chân miệng cho 6 tỉnh khu vực miền Tây có số mắc SXHD tăng cao và có tử vong do SXHD.
Đó là các tỉnh là Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Gần 200 học viên dự lớp tập huấn gồm các bác sĩ đại diện Lãnh đạo Sở Y tế, Lãnh đạo phòng Nghiệp vụ Y của Sở Y tế, đại diện Lãnh đạo Bệnh viện, Lãnh đạo phòng Kế hoạch tổng hợp, đại diện các Khoa khám bệnh, khoa Truyền nhiễm, khoa Nhi, khoa Hồi sức cấp cứu của các bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện đa khoa huyện, bệnh viện tư nhân và các bệnh viện của các Bộ, ngành trên địa bàn thuộc 6 tỉnh trên.
Từ đầu năm đến ngày 12/10/2017, cả nước ghi nhận 148.261 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 30 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 125.286 trường hợp. Trong đó số mắc tại các tỉnh: An Giang là 4128 ca, Đồng Tháp là 2830 ca, Sóc Trăng là 2617 ca, Vĩnh Long 1069 ca, Kiên Giang 1076 ca, Cần Thơ 735 ca. Số ca tử vong do SXHD tại Đồng Tháp là 3 ca, An Giang là 2 ca, Kiên Giang là 2 ca.
Về tình hình dịch tay chân miệng, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 81.575 trường hợp mắc tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 36.902 trường hợp nhập viện, không có trường hợp tử vong.
So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 10,9%. Số mắc tích lũy tăng cao tập trung tại một số tỉnh, thành phố tại miền Nam như Đồng Nai (tỷ lệ mắc/100.000 dân là 262), TP. Hồ Chí Minh (259), Đồng Tháp (215), Bà Rịa Vũng Tàu (209), Long An (182) và Bình Dương (170).
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã trực tiếp chỉ đạo, theo dõi lớp tập huấn.
Phát biểu chỉ đạo tại lớp tập huấn PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, năm nay số mắc SXHD tăng cao, số người bệnh đến khám, nhập viện điều trị cũng tăng cao gây quá tải bệnh viện. Do vậy, các đơn vị phải tích cực, chủ động và liên tục nâng cao chất lượng của công tác khám, chữa bệnh nhằm, rà soát, sắp xếp quy trình khám chữa bệnh để bảo đảm thu dung điều trị người bệnh giảm tỷ lệ tử vong do SXHD, duy trì kết quả điều trị bênh tay chân miệng, để đạt được kết quả đó việc chẩn đoán sớm, chẩn đoán chính xác giai đoạn, chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác là vô cùng quan trọng; trong cấp cứu, điều trị phải hết sức tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị SXHD, tay chân miệng do Bộ Y tế ban hành theo diễn biến của bệnh.
“Việc nâng cao năng lực khám, chữa bệnh về SXHD, tay chân miệng và các bệnh dịch khác là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi bệnh viện, tuy nhiên việc xác định mức độ, giai đoạn của bệnh để chuyển tuyến an toàn cũng không kém phần quan trọng.” - Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Cùng với việc tập huấn để nâng cao kiến thức, Cục trưởng yêu cầu các bệnh viện phải củng cố và duy trì hoạt động của các “Nhóm điều trị SXHD” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch SXHD” và các bệnh dịch nói chung tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết, đồng thời bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ, phác đồ xử trí để cấp cứu người bệnh. Không được để thiếu thuốc trong việc điều trị người bệnh.’
Theo chỉ đạo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, các học viên sau đợt tập huấn sẽ là những giảng viên để tiếp tục phổ biến, truyền đạt các nội dung chuyên môn cho các bác sỹ, điều dưỡng cho bệnh viện mình và các cơ sở khám, chữa bệnh khác gồm cả công lập, tư nhân, y tế thuộc các Bộ, ngành trên địa bàn theo chỉ đạo, phân công của Sở Y tế.
Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc