Lương hưu của cô giáo mầm non 1,3 triệu là đã được bù thêm!

13:25, 31/10/2017
|

(VnMedia) - Cô Trương Thị Lan đi dạy 35 năm nhưng chỉ thực sự đóng bảo hiểm được 22 năm với mức lương tính để đóng bảo hiểm là 1,8 triệu, nhân với 65% nên lương hưu chỉ được 1,27 triệu đồng. Nhà nước đã bù thêm 37.000 để bằng với mức lương cơ sở là 1,3 triệu.

Sáng nay (31/10), giải thích trước Quốc hội về trường hợp cô giáo mầm non Trương Thị Lan (Cẩm Xuyên Hà Tĩnh) sau khi đi dạy 35 năm nhưng về hưu chỉ nhận được 1,3 triệu tiền lương, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết:

“Chiều qua tôi đã yêu cầu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam báo cáo toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm của chị Lan thì như sau: Chị Lan đúng là đi dạy 35 năm, nhưng trước đó đi dạy theo cách tự nguyện, hưởng theo mức đóng góp của người dân, còn thực chất đóng bảo hiểm chỉ là 22 năm 8 tháng. Toàn bộ hệ thống tiền lương bình quân để làm căn cứ đóng BHXH là 1,8 triệu đồng. Khi chị Lan về hưu, tính 22 năm được hưởng  69% tính bình quân trên mức đóng. Như vậy, 59% của 1,8 triệu là 1 triệu 270 nghìn đồng.

“Quốc hội đã sáng suốt đưa ra quy định là tất cả những người tham gia đóng BHXH bắt buộc mà về hưu có mức lương thấp hơn mức lương cơ sở thì được tính bằng mức lương cơ sở. Cho nên, chị Lan đã được bù 37  nghìn đồng để hưởng mức 1,3 triệu” - ông Bùi Sĩ Lợi giải thích và nhấn mạnh, “không phải do chính sách làm sai mà chúng ta đang cải cách theo hướng đóng cao thì hưởng cao, đóng thấp thì hưởng thấp".

ĐB Bùi Sĩ Lợi
ĐB Bùi Sĩ Lợi -  Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội 

Liên quan đến thông tin các doanh nghiệp sa thải lao động trên 35 tuổi, ông Bùi Sĩ Lợi cho biết rất bức xúc và ông đã làm trưởng đoàn giám sát vấn đề này ở 4 tỉnh: Cần Thơ, TP HCM, Đồng Nai và Bắc Ninh thì thấy rằng, các doanh nghiệp rất muốn giữ lao động ở tuổi cao có kinh nghiệm để làm việc.

“Nhưng có 3 nguyên nhân đẩy lao động ra khỏi doanh nghiệp, một là hết hợp đồng lao động nhưng ở dưới độ tuổi 30, không phải là 35; hai là những người lao động nhảy việc tìm lương cao gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp; thứ ba là vi phạm pháp luật bị chấm dứt hợp đồng lao động” - ông Lợi cho biết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội khẳng định, tỉ lệ lao động đến tuổi 35 về nghỉ ở các doanh nghiệp nhìn chung chiếm tỷ lệ rất thấp và nữ lại càng thấp.

“Chúng ta phải khen rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI như là việc ở Đồng Nai, họ làm nhà trẻ, làm nhà ở và chăm sóc người lao động rất tốt. Họ nói rằng rất mong Đảng, Nhà nước và các cơ quan có liên quan và đặc biệt là công đoàn thực hiện cơ chế đối thoại trong doanh nghiệp và có vấn đề thì giải quyết ngay, không tạo ra xung đột giữa người sử dụng lao động và người lao động. Họ mong muốn xây dựng cơ chế hài hòa và ổn định và thuyết phục trong doanh nghiệp. Chúng ta phải đánh giá tình hình rất đúng, rất khách quan, đồng thời phải khen những doanh nghiệp chăm lo tốt cho người lao động. Có rất nhiều doanh nghiệp như vậy” - ĐB Bùi Sĩ Lợi thông tin.

Cần có lộ trình giảm lương hưu của nữ giới

Trước đó, liên quan đến thông tin đang khiến dư luận bức xúc khi biết, theo quy định mới, nữ lao động về hưu từ năm 2018 sẽ bị giảm tới 10% tổng lương hưu so với hiện nay, ông Bùi Sĩ Lợi giải thích: Theo Luật BHXH năm 2014 thì chính sách BHXH đi theo nguyên tắc có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp cho nên đã điều chỉnh lại mức hưởng lương hưu cho cả nam và nữ. Theo đó, nam giới kéo thêm lộ trình để làm sao không phải là 30 năm thì được hưởng 75% lương hưu, mà phải giảm dần, để khi đóng đủ 35 năm mới được hưởng tối đa 75% lương hưu. Như vậy là với nam có lộ trình 5 năm.

Trong khi đó, đối với nữ, từ năm đóng BHXH thứ 16 trở đi, thay vì trước đây được cộng thêm 3% với mỗi năm đóng BHXH, thì bây giờ giảm xuống chỉ còn 2%.

“Do đó, đúng là với những ai là nữ, có đủ 25 năm đóng BHXH, đủ điều kiện nghỉ hưu và bắt đầu nghỉ hưu từ 1/1/2018 thì bị giảm đi 10% tổng số tiền lương hưu”- ông Bùi Sỹ Lợi thừa nhận.

Theo ông Bùi Sĩ Lợi, mục đích của việc thay đổi cách tính lương hưu này trước hết là để quay về trật tự đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, công bằng với nam giới. Thứ hai là để đảm bảo khuyến khích phụ nữ đóng thêm thời gian tham gia BHXH để cho đạt được mức tối đa là 75%. Có nghĩa là thay vì 25 năm được hưởng 75% thì nay phụ nữ phải làm việc 30 năm thì mới được hưởng 75%.

“Ở đây, về mặt nguyên tắc là hoàn toàn đúng, về mặt nguyên lý không có gì sai nhưng có sự khập khiễng. Nếu người phụ nữ về hưu ngày 31/12/2017, có 25 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được hưởng tối đa 75% mức lương hưu. Nhưng cũng người đó, nếu về hưu vào ngày 1/1/2018  thì chỉ được hưởng tối đa 65% mức lương hưu”- ĐB Bùi Sỹ Lợi nói và thừa nhận: “xét về điều kiện chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ - đêm 31/12 của năm trước và ngày 1/1 của năm sau, mà phụ nữ bị giảm 10% thì rõ ràng chúng ta thấy là có điều gì đó không có lợi cho phụ nữ”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho biết, bản thân ông đã nói rất nhiều lần đề nghị các cơ quan có liên quan, Chính phủ nghiên cứu để thực hiện lộ trình giống như nam giới.

“Nam giới quy định lộ trình thực hiện trong 5 năm thì nữ giới cũng kéo dài thực hiện lộ trình 5 năm hay 10 năm, để giảm sốc từ từ, đừng “phanh” bất ngờ dẫn đến phụ nữ cảm thấy hụt hẫng và thua thiệt” – ông Lợi nêu quan điểm nhưng cho biết, “rất tiếc, đến giờ vẫn chưa thấy cơ quan nào đề nghị với Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu để báo cáo Chính phủ đề xuất. Nếu Chính phủ có đề xuất tôi nghĩ UBTVQH sẽ báo cáo Quốc hội ra Nghị quyết hoặc có lộ trình để kéo dài”.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc