(VnMedia) - Tin theo những lời quảng cáo của thầy lang, bệnh nhân Vũ Chí Công (39 tuổi) đã sử dụng thuốc nam để chữa bệnh vảy nến. Chỉ với 6 thìa bột thuốc, anh Công đã bị suy thận nặng, hiện đang phải chạy thận 3 lần một tuần và chờ thay thận…
Bệnh vảy nến là một loại bệnh nguy hiểm, trên thế giới chưa có bất kỳ loại thuốc nào có thể chữa khỏi vĩnh viễn. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất là có thể làm da bình thường trở lại trong thời gian lâu nhất, và ít tái phát nhất đó là phương pháp thành công nhất.
Dù vậy, nếu phát hiện sớm, được tầm soát tốt, chữa trị đúng cách thì bệnh nhân có thể “chung sống hòa bình” với loại bệnh này. Tuy nhiên, nhiều người do quá lo lắng, chữa bệnh theo kiểu “có bệnh thì vái tứ phương” đã dẫn đến hậu quả khôn lường như biến chứng gây đỏ da toàn thân, da nổi mụn mủ, khớp dính lại. Một số bệnh nhân bị nhiễm độc thuốc dẫn đến suy thận, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Chia sẻ với VnMedia, bệnh nhân Vũ Chí Công (39 tuổi), hiện là thành viên của Hội bệnh nhân vảy nến Việt Nam cho biết, khi phát hiện bị bệnh vảy nến, anh đã rất lo sợ nên ra sức “tìm thầy tìm thuốc”, ai mách gì cũng làm theo. Rồi anh nghe theo lời hứa hẹn của một thầy lang uống thuốc nam với hy vọng sẽ khỏi hẳn bệnh này. Tuy nhiên, kết quả, anh Công đã bị nhiễm độc gan, thận và dẫn đến suy thận nặng. Hiện nay, anh Công phải chạy thận 3 lần mỗi tuần và đang chờ cơ hội được thay thận chỉ sau khi uống có… 6 thìa thuốc nam.
“Tôi vô cùng ân hận vì đã chữa bệnh theo kiểu “có bệnh thì vái tứ phương”, nhưng cuối cùng thì tiền mất tật mang.” – anh Công ân hận nói và mong “không có ai mắc phải sai lầm như tôi.”
Không chỉ anh Công, rất nhiều bệnh nhân, trong đó ngay chính Chủ tịch hội bệnh nhân vảy nến Việt Nam – anh Nguyễn Hồng Trường, người đã mang căn bệnh này suốt 28 năm qua cho biết, anh cũng đã dùng đủ mọi loại thuốc, mọi phương pháp “Đông, Nam, Tây, Trung” nhưng cuối cùng thì nhận thấy rằng, không có cách nào hiệu quả hơn, an toàn hơn là điều trị theo phác đồ của Viện da liễu Trung ương.
Chia sẻ về tác hại của việc tự chữa bệnh vảy nến, PGS.TS Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương cho biết, tại BV Da liễu Trung ương đã từng gặp một số trường hợp bệnh nhân đang từ thể nhẹ ổn định, bất ngờ chuyển sang thể nặng; bình thường đôi khi chỉ có 1-2 tổn thương ngoài da thôi nhưng do điều trị không đúng cách đã dẫn đến bị mụn đỏ, mụn mủ toàn thân, thậm chí sốt cao, ngộ độc thuốc hoặc các biến chứng về khớp, gây sưng đau các khớp, trong đó hay gặp nhất là ngộ độc do kim loại nặng.
“Rất nhiều trường hợp bệnh nhân điều trị theo dân gian khiến ngộ độc asen mạn tính, hoặc các thuốc dùng không kiểm chứng, thuốc pha thêm đông y vào tây y khiến gặp các biến chứng suy thận, suy thượng thận,…” – PGS Doanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, một kiểu điều trị mà bệnh nhân hay chủ quan mắc phải là cách bôi thuốc theo kiểu “vô tội vạ” vì cho rằng bôi thì không có hại. Việc dùng thuốc bôi không đúng liều lượng, bôi thuốc trong thời gian dài… đã gây ra các tác dụng phụ như đỏ da mạn tính kéo dài, rạn da, xuất huyết liên tục ngoài da làm biến chứng bệnh lý ngoài da nặng nề hơn.
Chiếu tia UVA, UVB chữa bệnh vảy nến
Hiện nay, bệnh viện da liễu Trung ương là bệnh viện duy nhất có phòng khám chuyên khoa về bệnh vảy nến. Bác sĩ Hoàng Văn Tâm - phụ trách phòng khám chuyên khoa này cho biết, hiện nay hầu hết trên thế giới có phương pháp, loại thuốc nào điều trị bệnh vảy nến dù hiện đại nhất thì Việt Nam cũng đã có.
Điều trị bệnh vảy nến thường được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn sớm, bệnh nhẹ thì dùng thuốc bôi, giai đoạn vừa và nặng thì dùng cách chiếu tia UVA, UVB và nặng hơn có thể dùng các loại thuốc sinh học.
Việc chiếu tia thường được thực hiện 3 lần/tuần, liệu trình khoảng 20-30 buổi. Sau đó chiếu duy trì tuần 2 lần trong 2 tuần, rồi 1 lần/tuần trong 1 tháng, sau đó 2 tuần 1 lần trong 2 tháng và dừng.
Mỗi lần chiếu tia chỉ mất khoảng 1-10 phút , ban đầu chiếu khoảng 1 phút, nếu bệnh nhân dung nạp tốt bác sĩ sẽ tăng dần liều chiếu. Hiện bệnh viện có 3 máy chiếu toàn thân, 7 máy tại chỗ, phục vụ bệnh nhân từ 7 giờ tới 16h30 kể cả buổi trưa.
Một điều mà rất nhiều bệnh nhân quan tâm, đó là tác dụng phụ của việc chiếu tia UVA chữa bệnh vảy nến.
Theo bác sĩ Tâm, tác dụng phụ cấp tính thường là bị đỏ da (bỏng nắng). “Một số bệnh nhân gặp tác dụng phụ này, tuy nhiên sẽ tự hết sau vài ngày mà không để lại sẹo. Bác sĩ sẽ thăm khám, chỉnh liều điều trị để hạn chế xảy ra bỏng nắng. Bỏng nắng thường xuất hiện 12-24 tiếng sau chiếu.
Những buổi đầu chiếu, bệnh nhân cũng có thể xuất hiện triệu trứng ngứa. Triệu trứng này giảm dần và mất đi ở những lần chiếu sau. Bác sĩ sẽ kê thuốc chống ngứa cho các bạn.
Ngoài ra, đa số bệnh nhân sẽ bị thâm da (da đen đi như những người làm việc ở ngoài trời nắng). Tuy nhiên, tác dụng này sẽ hết, bạn sẽ trở về làn da bình thường sau khi dừng chiếu khoảng 1 tháng.
Đáng chú ý nhất là những tác dụng phụ lâu dài. Việc chiếu tia có thể dẫn đến bị đục thủy tinh thể. Vì thế, khi chiếu bạn cần đeo kính chống kia UV nghiêm ngặt. Khi đeo kính bạn sẽ không gặp tác dụng phụ này. Còn nếu bệnh nhân nào chiếu nhiều hơn 300 lần sẽ tăng nguy cơ ung thư da.
Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra hiệu quả của phương pháp chiếu tia là khoảng 80%. Vẫn sẽ có những bệnh nhân thất bại và bác sĩ sẽ phải chuyển phác đồ điều trị tùy đáp ứng của bệnh nhân.
Chiếu tia UVB dải hẹp là phương pháp ổn định bệnh lâu dài. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới và của Bệnh viện Da liễu Trung ương, khoảng gần 50% bệnh nhân vẫn ổn định bệnh sau 6 tháng chiếu tia.
Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc