Kỳ diệu bé gái thoát khỏi lưỡi hái thủy thần

10:42, 01/09/2017
|

(VnMedia) - Được phát hiện trong tình trạng đuối nước tím tái toàn thân, co giật liên tục, không phản xạ, không thở, nhưng do được người nhà cấp cứu ép tim, hô hấp kịp thời và sau đó được điều trị tích cực tại bệnh viện, cháu bé đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần...

đuối nước
Bé Phạm Trần Phương V.  đã may mắn thoát khỏi lưỡi hái thủy thần nhờ được sơ cứu kịp thời

Ngày 21/8/2017, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhận một trường hợp đuối nước ở trẻ 7 tuổi từ Hải Dương do ngã xuống ao cá gần nhà. Cháu bé đã được cứu sống nhờ gia đình đã sơ cứu kịp thời, đúng cách...

Bệnh nhi Phạm Trần Phương V. sinh năm 2010 địa chỉ Minh Thành, Kinh Môn, Hải Dương nhập viện cấp cứu nhi trong tình trạng tím tái toàn thân, co giật liên tục 1 tiếng đồng hồ. Theo người nhà kể: “Đang chơi ở nhà với ông ngoại, bất cẩn trẻ trượt chân ngã xuống ao gần nhà, sau 5-7 phút gia đình không thấy cháu nên đi tìm và phát hiện cháu ở dưới ao cá gần nhà”.

Sau khi phát hiện, trẻ được vớt lên trong tình trạng tím tái, không phản xạ, không thở, người nhà cấp cứu ép tim, hô hấp nhân tạo và trẻ nôn được ra nước. Sau đó gia đình tiếp tục gọi sự giúp đỡ của phòng khám gần nhà. Các bác sĩ tại phòng khám đã kịp thời có mặt đặt nội khí quản tại nhà, bóp bóng, tiêm thuốc hồi sức tim, phổi và chuyển ngay trẻ đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.

Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị suy hô hấp nặng, viêm phổi, viêm gan cấp, phù não do đuối nước ngọt và khẩn trương cấp cứu người bệnh. Sau khoảng 1 giờ hồi sức nhi, trẻ cắt được cơn co giật, bắt đầu thở theo máy, phổi thông khí đều, tim nhịp đều. Tiếp tục điều trị đến ngày 22/8 trẻ đã cai máy và tự thở. Ngày 24/8 hình ảnh chụp CT sọ não đánh giá không có tổn thương nhu mô não, không có hình ảnh teo não và đến nay trẻ đã qua cơn nguy kịch.

Thấy con đã phục hồi và có thể nhanh nhẹn tập đi, chị Trần Thị M. mẹ của bé chia sẻ : “Tôi rất vui vì hiện nay cháu đã khỏe trở lại. Lúc đầu thấy tình trạng con như vậy tôi và gia đình lo lắng muốn chuyển cháu lên Hà Nội. Trong lúc tâm trạng bất an, nhờ có sự chia sẻ, động viên của mẹ bé Phúc A. (bé đuối nước ở Đông Triều), tôi đã lấy lại tinh thần và đặt niềm tin vào bác sĩ Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí. Và cũng nhờ các bác sĩ mà hiện nay cháu đã có thể tỉnh táo chơi đùa. Tôi rất cảm ơn những người thầy thuốc đã hồi sinh sự sống cho con tôi ”.

Các bác sĩ trực tiếp cấp cứu bệnh nhi cho biết: “Khi tiếp nhận ca bệnh, chúng tôi thấy tình trạng rất nặng, trẻ thiếu oxy nhiều, nghĩ đến tổn thương não nặng. Nhờ sự cấp cứu kịp thời của gia đình và của bác sĩ tại phòng khám tại nơi cư trú trẻ đã được duy trì đường thở ngay từ đầu. Điều này rất quan trọng đối với trẻ đuối nước và đối với quá trình cấp cứu điều trị của chúng tôi”.

BSCKI. Nguyễn Thị Ngọc Điệp- Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí khuyến cáo: "Phát hiện và sơ cấp cứu cho trẻ bằng cách ép tim, thổi ngạt trong thời gian vàng từ 3- 5 phút đầu là cực kỳ quan trọng vì sẽ giúp cung cấp máu và oxy lên não kịp thời. Do đó khi phát hiện trẻ đuối nước người dân cần tận dụng khoảng thời gian vàng này, nhanh chóng sơ cứu đúng cách sẽ giúp trẻ có thể thoát khỏi cơn nguy kịch. Sau đó kết hợp với điều trị hồi sức tốt sẽ đem lại hiệu quả hồi phục sức khỏe cho trẻ”.

Hoàng Hải
 


Ý kiến bạn đọc