Kinh hoàng: Chỉ dưới 30% kháng sinh dùng trị bệnh, hơn 70% dùng trong nông nghiệp

09:32, 23/09/2017
|

(VnMedia) - Hiện nay kháng sinh sử dụng cho mục đích điều trị chỉ chiếm dưới 30%. Trong khi đó, 75% lượng thuốc kháng sinh tại Việt Nam được dùng trong nông nghiệp. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng "nhờn" thuốc kháng sinh, gây nguy hiểm cho con người.

kháng kháng sinh
75% lượng thuốc kháng sinh tại Việt Nam được dùng trong nông nghiệp (thế giới là 60%). Có khoảng 700g-3,3kg kháng sinh/tấn cá, cao hơn 7-33 lần so với các nước khác

Thực tế, thuốc kháng sinh trong nông nghiệp được sử dụng liên tục, không theo hướng dẫn, sử dụng cả chất cấm, là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh cho con người. Toàn cầu tiêu thụ khoảng 100-200 nghìn tấn kháng sinh/năm. Trong đó, sử dụng cho thú y khoảng 60%, điều trị bệnh cho người khoảng 40% và dưới 1% cho thủy sản.

Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của Tổ chức Y tế thế giới được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy, người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Tại châu Âu, số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, tỷ lệ tử vong 25 nghìn người/năm. Thái Lan, tăng hơn 3,2 triệu ngày nằm viện và tử vong 38 nghìn người/năm. Ở Mỹ khoảng 2 triệu người mắc bệnh nhiễm khuẩn và tử vong 23 nghìn người/năm.

Tại Việt Nam, hiện nay kháng sinh sử dụng cho mục đích điều trị chỉ chiếm dưới 30%. Khoảng 15% người bệnh được điều trị đã phải dùng đến các thuốc phác đồ bậc hai và bậc ba. Chi phí các thuốc này gấp 100 lần so với các thuốc phác đồ bậc một.

Việt Nam đứng thứ 14/27 quốc gia có gánh nặng lao đa kháng thuốc trên thế giới. Tỷ lệ kháng thuốc ở những người mới nhiễm HIV chưa điều trị ARV kháng HIV dưới 5%.

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 75% lượng thuốc kháng sinh tại Việt Nam được dùng trong nông nghiệp (thế giới là 60%). Có khoảng 700g-3,3kg kháng sinh/tấn cá, cao hơn 7-33 lần so với các nước khác.

Trong chăn nuôi công nghiệp, việc sử dụng kháng sinh theo triệu chứng bệnh là 44%, theo chỉ định của thú y viên là 33%, sử dụng kháng sinh theo khuyến cáo của nhà sản xuất là 17% và chỉ 6% trang trại sử dụng kháng sinh theo kết quả thử nghiệm kháng sinh đồ.

Thuốc kháng sinh trong nông nghiệp được sử dụng liên tục, không theo hướng dẫn, sử dụng cả chất cấm và chất khuyến cáo không nên sử dụng. Đây là tình trạng báo động về dư lượng kháng sinh phát hiện trong thịt và thủy sản, là nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh cho con người.

Về việc sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, hiện nay các tiểu ban giám sát kháng thuốc chưa phát huy được vai trò, chưa chủ động trong triển khai thực hiện công việc giám sát. Năng lực của hệ thống xét nghiệm vi sinh còn yếu, cả về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất. Do vậy, chưa hỗ trợ được cho thầy thuốc trong việc chẩn đoán cũng như chỉ định sử dụng kháng sinh.

“Một số bệnh viện trong số 16 bệnh viện trong mạng lưới giám sát kháng thuốc, mặc dù đã được quan tâm từ nhiều năm, đầu tư, hỗ trợ tham gia ngoại kiểm chất lượng xét nghiệm, đào tạo, hướng dẫn cụ thể nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu” - Cục trưởng Khuê cho hay.

Theo Bộ Y tế, qua báo cáo sử dụng kháng sinh theo tuyến bệnh viện tính đến ngày 14/9, càng ở bệnh viện tuyến dưới tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh càng cao. Trong khi đó, bệnh viện bộ, ngành và bệnh viện thuộc các trường đại học có tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh thấp nhất.

Việc bệnh viện tuyến huyện, tỉnh có tỷ lệ sử dụng kháng sinh cao được lý giải chủ yếu vì ở tuyến này chưa có kháng sinh đồ, bác sĩ thường điều trị bao vây bằng nhiều loại thuốc, nhiều loại kháng sinh khác nhau.

Bên cạnh đó, chất lượng kháng sinh lưu thông trên thị trường chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc sử dụng kháng sinh giá rẻ khiến hiệu quả điều trị giảm, ngày điều trị kéo dài sẽ tăng nguy cơ kháng thuốc. Ngoài ra, nhiều trường hợp kê kháng sinh chưa đúng do kinh nghiệm của bác sĩ và do lợi ích nhóm khi kê đơn.

Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: “Việt Nam là một trong những nước đứng đầu việc mua thuốc, trong đó có việc mua kháng sinh rất dễ. Vì thế, tới đây Bộ Y tế siết chặt và tiến hành xử phạt nặng đối với những hành vi bán thuốc không kê đơn, không đúng chỉ định với người dân, gây nên tình trạng kháng thuốc. Trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đang quyết liệt chấn chỉnh, kiểm soát chặt với các bác sĩ trong việc kê đơn, sử dụng thuốc kháng sinh, đồng thời sẽ tăng cường xử phạt, kiểm tra, giám sát, để thay đổi hành vi cán bộ y tế”.

Sau 70 năm thuốc kháng sinh ra đời, cả thế giới đang phải đối mặt với khả năng của một tương lai không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả đối với một số bệnh nhiễm khuẩn, nhất là đối với các phẫu thuật và phương pháp điều trị như hóa trị liệu ung thư, cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc