"Hoa hồng" cho bác sĩ và gánh nặng của bệnh nhân

11:35, 04/09/2017
|

Chuyện “hoa hồng” không phải là lạ và dần trở nên bình thường vì nó xảy ra quá nhiều. Sẽ không có gì đáng nói nếu những ngày qua, dư luận không sôi sục bởi những thông tin xung quanh vụ xét xử dàn lãnh đạo Cty cổ phần VN Pharma nhập thuốc chữa ung thư kém chất lượng. Đặc biệt, thông tin Cty này đã chi 7,5 tỷ đồng cho các bác sĩ của nhiều bệnh viện để bác sĩ kê đơn nhiều loại thuốc khác của Cty khiến nhiều người bức xúc. “Hoa hồng”, bình thường hay không bình thường, xứng đáng hay bóc lột?

Bệnh nhân ung thư - những người có thể kiệt quệ vì chi phí điều trị quá lớn. Ảnh: M.P
Bệnh nhân ung thư - những người có thể kiệt quệ vì chi phí điều trị quá lớn. Ảnh: M.P

 

 

Nằm dưới sàn nhà, gầm giường, xếp hàng chờ phát cơm từ thiện… đó là những hình ảnh dễ bắt gặp mà bệnh nhân phải chịu đựng tại các bệnh viện. Bệnh tật, không chỉ giày vò về thể xác với bao nhiêu đau đớn, người bệnh còn phải chịu một áp lực tinh thần lớn bởi chi phí điều trị, nhất là với những người nghèo.

“Có một lần đang đi ngoài đường, tôi bắt gặp bà cụ 80 tuổi rồi mà vẫn phải ngồi bên gánh hàng rong để bán hàng. Và tôi nhận ra đó là bệnh nhân của mình” - BS Trần Nguyên Hà, Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện ung Bướu TPHCM chia sẻ. Đó là một trong những trường hợp “chảy nước mắt” mà bác sĩ Nguyên Hà chứng kiến trong nhiều năm điều trị tại đây. “Có người cầm tờ xét nghiệm mà cứ rơi nước mắt, không nói được gì… vì tủi thân không có tiền điều trị”.

Theo BS Nguyên Hà, ung thư có thể nói là một trong những bệnh nan y có lộ trình điều trị vất vả và tốn kém nhất. Một bệnh nhân bị ung thư, dù có tiền đi nữa thì sau liệu trình điều trị có thể trở nên nghèo đi do chi phí. Có nhiều trường hợp phát hiện bệnh nhưng bỏ điều trị vì lý do kinh tế. Nhiều bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn sớm, đến lúc kiếm đủ tiền điều trị thì bệnh đã bước vào giai đoạn muộn, điều trị càng phức tạp và bi kịch hơn.

BS Nguyên Hà cho rằng, điều trị ung thư thuộc loại điều trị đa mô thức, kết hợp nhiều phương pháp như phẫu trị, hóa trị, xạ trị, liệu pháp nội tiết, liệu pháp sinh học rất tốn kém. Riêng phần thuốc, tùy theo đặc điểm bệnh lý của bệnh nhân, bác sĩ sẽ quyết định phác đồ điều trị. Ví dụ, với bệnh nhân ung thư vú, phát hiện ở giai đoạn sớm có thể áp dụng các phương pháp kết hợp hóa trị và liệu pháp sinh học. Thời gian kéo dài 1 năm. Trong 1 năm đó, người bệnh có thể phải tốn từ 300-500 triệu đồng chưa kể chi phí đi lại và phí xét nghiệm.

Bên cạnh ung thư, các bệnh lý khác như tim mạch, bệnh nội tiết… cũng đang là những bệnh phổ biến khiến nhiều người trở nên nghèo đi vì chi phí điều trị. Ví dụ, một ca phẫu thuật tim tùy độ phức tạp có thể từ vài chục đến hàng trăm triệu. Chi phí thuốc thang thêm vài triệu đồng. Có những người phải đợi hàng chục năm mới để dành đủ tiền mổ tim.

 

Bệnh nhân mua thuốc tại một cửa hàng thuốc tây ở TPHCM. Ảnh: M.P
Bệnh nhân mua thuốc tại một cửa hàng thuốc tây ở TPHCM. Ảnh: M.P

 

Chiêu trò nâng giá thuốc

Trong khi bệnh nhân, người thân phải tiết kiệm, gom góp từng đồng để có tiền điều trị bệnh, không ít các Cty dược đã kê khống giá thuốc để có tiền kê hoa hồng cho bác sĩ. Điển hình như trường hợp của Cty VN Pharma, dàn lãnh đạo đứng trước vành móng ngựa đã khai nâng khống giá thuốc. Việc này nhằm hợp thức hóa tiền chi hoa hồng cho bác sĩ để dễ dàng bán thuốc tại các bệnh viện. Cụ thể, dàn lãnh đạo Cty này cho biết đã chi 7,5 tỷ đồng tiền hoa hồng cho bác sĩ của các bệnh viện để kê đơn các loại thuốc của Cty.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, tiền hoa hồng có thể tác động vào việc kê đơn thuốc của bác sĩ. Bác sĩ kê đơn không phải vì quyền lợi người bệnh mà vì quyền lợi của… bác sĩ. Bên cạnh đó, hoa hồng “đội” chi phí thuốc lên cho bệnh nhân khiến bệnh nhân phải điêu đứng. Hay nói cách khác, hoa hồng của Cty dược là một trong những yếu tố làm tăng giá thuốc.

Đồng quan điểm với PGS Phạm Khánh Phong Lan, BS Võ Xuân Sơn, Giám đốc Phòng khám Quốc tế EXSON cũng cho rằng: “Nói việc nhận hoa hồng của các bác sĩ làm tăng giá thuốc, điều này có phần đúng. Nhưng tôi cho rằng, trách nhiệm chính trong việc này không phải ở phía các bác sĩ, mà ở phía các hãng dược. Nếu các hãng dược dùng chiết khấu như một chính sách chủ yếu để bán hàng, thì nó làm tăng giá thuốc. Còn nếu hãng được dùng nó như chất xúc tác, thì có thể nói phần nào, đó là sự chia sẻ lợi nhuận, hoặc kinh phí phát triển kĩ thuật”.

Nên xem tiền "hoa hồng" là tiền gì?

Có thể nói rằng, hoa hồng không không bình thường, nhưng vì trước giờ nó xảy ra quá nhiều nên chúng ta mặc định nó là bình thường. Chính khoản tiền này lại càng làm cho bệnh nhân khổ hơn vì phải gánh thêm chi phí điều trị. Không ít người trong ngành băn khoăn với câu hỏi, làm sao để chống lại nạn "hoa hồng"?

DS Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM khẳng định: “Bệnh viện có quy định, bác sĩ, dược sĩ không được nhận tiền "hoa hồng" của bất kì Cty dược nào cả. Do vậy, nếu cá nhân bác sĩ, dược sĩ nào nhận khoản tiền "hoa hồng" thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước bệnh viện và pháp luật”. DS Nguyễn Văn Vĩnh cũng cho biết, bệnh viện có quy định cấm bác sĩ và dược sĩ tiếp trình dược viên trong bệnh viện: “Bản thân bệnh viện cũng rất đông bệnh nhân, bác sĩ không có thời gian mà tiếp trình dược viên. Cty nào muốn giới thiệu thuốc thì phải thông qua các hội nghị khoa học, và chỉ chấp nhận cho giới thiệu các loại thuốc đã được cấp giấy đăng ký”.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ: “Với vai trò đại biểu Quốc hội, tôi đã từng đề xuất trong điều chỉnh Luật Dược là phải có biện pháp chế tài việc kê "hoa hồng" cho bác sĩ. Tuy nhiên, ý kiến của tôi không được đưa vào luật. "Hoa hồng" không có trong Luật, vậy phải coi vấn đề này như thế nào? Làm sao bắt được bác sĩ nhận hoa hồng? Nếu bắt được thì sao, phải xử thế nào, tiền "hoa hồng" là tiền gì? Vấn đề bác sĩ nhận hoa hồng chỉ mới được lên án về lương tâm” - bà Phạm Khánh Phong Lan nói. 

Theo PGS Phong Lan, đại biểu Quốc hội, cần có chế tài về việc nhận “hoa hồng” của bác sĩ. Phải coi đó là hành vi không được phép và có biện pháp xử lý theo pháp luật. Bên cạnh đó, không cho phép các Cty, đơn vị kê khống giá thuốc, việc kê khống giá thuốc là giúp các Cty có tiền để chi “hoa hồng” cho bác sĩ. Ở nước ngoài, nhiều nước đã có quy định này, thậm chí, tiền lệ đã có một số Cty phải bồi thường vì lộ ra tiền lót tay cho bác sĩ.

(Theo Lao động và Đời sống)

 


Ý kiến bạn đọc