Nhiều người vẫn quan niệm chết là hết, chết là xóa sạch mọi nợ nần, ân oán trong cuộc đời. Tuy nhiên, quy định pháp luật có cho phép người đã qua đời được xóa sạch mọi nợ nần?
Khi mà lúc còn sống, người đó đã vay mượn hay những khoản tiền, vàng hay tài sản khác mà khi còn sống người đã mất cho người khác vay hay không?
Thân nhân phải trả nợ thay
Ông N khi còn sống là một người đàn ông khá tháo vát và là trụ cột kinh tế trong gia đình. Dù đã trên 70 tuổi nhưng ông vẫn quán xuyến mọi việc trong gia đình. Bà T, vợ ông N, rất tin tưởng chồng nên ít khi nào can thiệp vào chuyện kinh doanh của ông.
Vợ chồng ông N có 3 người con, 1 trai, 2 gái. Cả 3 đã lập gia đình và đều ở riêng. 3 năm trước, vợ chồng ông N có xây lại căn nhà cho khang trang, rộng rãi để đón con cháu về chơi cuối tuần. Vì lúc xây nhà ông N muốn cái gì cũng phải tốt, đẹp nên chi phí xây dựng vượt quá dự tính.
Lúc đầu ông N ước tính chi phí khoảng 3 tỷ đồng, nhưng sau đó phát sinh thêm 500 triệu đồng. Số tiền này, ông N vay của ông S, bạn thân của ông và nghĩ ráng làm chừng một hai năm sẽ có tiền trả cho bạn. Không may, ông N đột ngột qua đời.
Bà T cùng các con kiểm tra đồ đạc của ông N thì thấy ngoài giấy tờ căn nhà đang ở và một miếng đất mà ông bà mua cách đây mấy năm, thì có giấy vay nợ 500 triệu đồng của ông S cùng một giấy xác nhận ông N cho ông B, một người bạn khác của ông N, vay 20 cây vàng.
Do liên quan đến quyền, nghĩa vụ trong việc xử lý khoản cho vay và vay nợ của ông N, nên mẹ con bà T đã nhờ luật sư tư vấn. Do ông N trước khi mất rất còn khoẻ mạnh, minh mẫn, và không lập di chúc, nên theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, di sản của ông để lại được chia thừa kế theo pháp luật.
Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hàng thừa kế thứ nhất gồm có: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Vì cha mẹ của ông N đều mất đã lâu trước khi ông qua đời, nên hàng thừa kế thứ nhất chỉ có bà T và 3 người con.
Về khoản vay 500 triệu đồng mà ông N đã vay của ông S, bà T cùng 3 người con có nghĩa vụ trả nợ theo quy định của Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.
Cụ thể: “1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân”.
Như vậy, về nguyên tắc bà T và 3 người con phải có nghĩa vụ thanh toán những khoản nợ, khoản vay, nghĩa vụ về tài sản do ông N để lại.
Chỉ có nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi di sản để lại
Về 20 cây vàng mà ông N khi còn sống đã cho một người bạn tên B vay, bà T và 3 người con có quyền đòi lại khoản này hay không? Như đã nêu trên, ông N mất không để lại di chúc, do vậy bà T và 3 người con là những người thừa kế theo pháp luật của ông N, nên có quyền hưởng di sản của ông để lại, trong đó có 20 cây vàng mà ông N đã cho ông B vay.
Dựa vào giấy cho vay 20 cây vàng mà ông N đã lập có chữ ký xác nhận của ông B thì bà T và các con có quyền liên hệ với ông B để yêu cầu ông này trả lại số vàng trên. Trường hợp ông B không chịu trả, bà T và các con có quyền khởi kiện để buộc ông B phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Một câu hỏi đặt ra, nếu ông N còn những khoản vay khác thì phải xử lý thế nào? Như đã nêu trên, bà T và các con có nghĩa vụ trả nợ đối với những khoản mà ông N đã vay, nhưng chỉ trong phạm vi di sản do ông N để lại. Nếu vượt quá phạm vi di sản do ông N để lại, thì bà T và các con không có nghĩa vụ trả những khoản nợ vượt quá phạm vi di sản, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Đến đây lại phát sinh thêm câu hỏi, vậy những khoản nào sẽ được ưu tiên chi phí trước liên quan đến di sản của người chết để lại? Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
“1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng 2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu. 3. Chi phí cho việc bảo quản di sản. 4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ. 5. Tiền công lao động. 6. Tiền bồi thường thiệt hại. 7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước. 8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân. 9. Tiền phạt. 10. Các chi phí khác”.
Một điểm rất quan trọng trong tình huống này là ông N có lưu giữ những giấy tờ chứng minh cho việc vay nợ và cho vay của ông. Nếu ông N cho người khác vay tiền mà không có giấy tờ gì và bên vay phủ nhận việc vay, thì vợ con ông sẽ gặp khó khăn, thậm chí là không thể đòi lại tài sản vì không có bằng chứng về việc cho vay tiền của ông N.
(Theo Lao động)
Ý kiến bạn đọc