(VnMedia) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về dự án nhận chìm vật chất ở biển Bình Thuận.
Cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về việc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép nhận chìm ở biển Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý vấn đề trên đúng quy định của pháp luật.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, khẩn trương xem xét, đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm vật chất tại vùng biển tỉnh Bình Thuận theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 7732/VPCP-KGVX ngày 24/7/2017 của Văn phòng Chính phủ.
Trước đó, trong tháng 7/2017, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản 7732/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc nhận chìm vật, chất của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.
Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Ảnh:Internet |
Trong đó, Phó Thủ tướng giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan khoa học chuyên ngành (trường hợp cần thiết, có thể mời các chuyên gia, tổ chức tư vấn nước ngoài tham gia) khẩn trương xem xét, đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm vật, chất nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến cảng chuyên dùng của Công ty TNHH Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tại vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Công việc này bao gồm cả việc rà soát lại các nội dung liên quan của Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Dự án nhận chìm ở biển đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, chấp thuận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Cũng liên quan tới vụ nhận chìm, trước đó, ngày 23/6/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy phép số 1517/GP-BTNMT cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm vật liệu nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận).
Khu vực biển được cấp phép đổ bùn nằm gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau thuộc huyện Tuy Phong, là một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước.
Đây là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô và các rạn ngầm là bãi đẻ của tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh. Đồng thời còn có sự hiện diện của trên 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng và là bãi đẻ của rùa biển, đồi mồi. Vì vậy, dư luận đặt câu hỏi việc cho đổ lượng bùn sau nạo vét xuống vùng biển này có đe dọa trực tiếp đến quần thể san hô và tác động hiệu ứng tràn của biển ở khu vực này hay không.
Trao đổi với báo chí chiều 3/8, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết hiện vẫn có không ít người nhầm lẫn vật chất nạo vét từ khu quanh tàu cảng là chất thải.
Trên thực tế hiện nay về thuật ngữ, Luật Biển quốc tế, Công ước London, luôn quan niệm các vật chất nạo vét từ biển là tài nguyên và khuyến cáo cố gắng xem xét tái sử dụng tài nguyên này.
Trước đó, các hoạt động nhận chìm các vật chất nạo vét ở biển vẫn diễn ra, như quá trình xây dựng cảng Cái Lân, gần đây nhất là xây cảng Lạch Huyện và đều có tính toán đánh giá tác động. Hằng năm, việc nạo vét, duy tu bảo dưỡng các luồng lạch vẫn diễn ra, đây là vấn đề cần làm chặt chẽ hơn dưới góc độ môi trường và đánh giá tác động hệ sinh thái biển theo Luật Biển.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu, quan điểm của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường trước tiên là không đánh đổi môi trường, nhưng quan điểm nữa là trung tâm nhiệt điện đã quy hoạch từ năm 2007, môi trường cũng phải hài hoà với phát triển, để bảo đảm thực hiện quy hoạch bền vững.
Đinh Bách
Ý kiến bạn đọc