Vẫn còn tình trạng lập khống hồ sơ, tuồn thuốc BHYT ra ngoài bán

19:32, 04/08/2017
|

Khẳng định công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm đạt kết quả nhất định, tuy nhiên hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này ngày càng gia tăng, phức tạp.

Sáng ngày 4.8, tại TP.Huế đã diễn ra Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam (giai đoạn 2012 - 2017). Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính kiêm Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cùng đại diện một số bộ ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, thực hiện quy chế phối hợp phòng chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm giữa BHXH với Tổng cục Cảnh sát, 5 năm qua lực lượng cảnh sát kinh tế các địa phương đã phát hiện, điều tra, xử lý 70 vụ việc, trong đó đã khởi tố điều tra 46 vụ, với gần 130 bị can, tổng thiệt hại khoảng 70 tỉ đồng; đã xử lý hành chính 18 vụ.

Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Trần Văn Vệ và Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH VN Nguyễn Thị Minh trong lễ ký kết quy chế phối hợp giữa hai ngành tại Huế sáng 4.8 - Ảnh: Nh.L
Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Trần Văn Vệ và Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH VN Nguyễn Thị Minh trong lễ ký kết quy chế phối hợp giữa hai ngành tại Huế sáng 4.8 - Ảnh: Nh.L

Tuy nhiên, cũng theo Trung tướng Vệ, loại tội phạm về bảo hiểm ngày càng có dấu hiệu gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Ngoài các hành vi né tránh nghĩa vụ trích nộp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế (BHYT), nợ quỹ BHXH tái diễn, còn phát sinh nhiều hiện tượng vi phạm pháp luật khác, như: các doanh nghiệp di chuyển khỏi nơi trú đóng hoặc doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh nhưng không tồn tại đúng với địa chỉ trên giấy phép, tình trạng doanh nghiệp cho người lao động tăng lương đột biến, sau đó lợi dụng các kẽ hở chính sách về BHXH để lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT; các đối tượng còn lợi dụng chính sách khám chữa bệnh BHYT để lập khống hồ sơ khám, chữa bệnh,… để tuồn thuốc trong diện BHYT ra ngoài bán thu lợi bất chính; lập khống hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm thai sản,… để chiếm đoạt tiền của cơ quan BHXH, dẫn đến tình trạng bội chi, mất cân đối quỹ BHXH, BHYT ở nhiều địa phương.

Trung tướng Trần Văn Vệ đề nghị lực lượng cảnh sát kinh tế các cấp cần xác định và nâng cao trách nhiệm trong việc phối hợp với cơ quan bảo hiểm thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, cũng như thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước; tăng cường phổ biến pháp luật; thường xuyên trao đổi với cơ quan bảo hiểm, cung cấp kịp thời các thông tin liên quan đến hành vi vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm…

Tại lễ sơ kết trên, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, đến nay đối tượng tham gia BHXH đã mở rộng đến tất cả lao động của các thành phần kinh tế, riêng đối tượng tham gia BHYT đến nay đã bao phủ 81,8% so với dân số cả nước.

Một điểm tiến bộ khác là từ quy định đơn vị có 10 lao động trở lên mới phải tham gia BHXH thì nay có từ 1 lao động trở lên buộc phải tham gia nên số đối tượng, đơn vị tham gia BHXH ngày càng lớn.

Đến năm 2016, số người tham gia BHXH là 76 triệu người, trong đó: BHXH bắt buộc là 12,9 triệu người, BH thất nghiệp là 11,1 triệu người, BHXH tự nguyện 203 nghìn người; và số người tham gia BHYT là 75,8 triệu người; tổng số thu toàn ngành đạt 257,297 tỉ đồng.

Mặc dù công tác thực hiện chính sách BHXH gần đây đạt nhiều tiến bộ, có kết quả tốt, tuy nhiên một con số đáng báo động cũng được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam dẫn ra sau khi thực hiện đợt khảo sát tại 16 doanh nghiệp (gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp cổ phần, tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn) với 7.891 lao động tại 6 tỉnh vào tháng 2/2017, thì kết quả chỉ có 13% người lao động trong các doanh nghiệp được khảo sát có tham gia BHXH.

Theo Một Thế Giới

 


Ý kiến bạn đọc