Thứ trưởng Bộ Y tế khuyên Hà Nội nên phun kiểu "mù nhiệt" để diệt muỗi trong nhà

07:03, 26/08/2017
|

(VnMedia) - "Phun sương thì những con muỗi trong gầm bàn không làm sao, nhưng phun mù nhiệt thì diệt được. Tôi kêu gọi Hà Nội nên phun mù nhiệt, Singapore họ cũng phun mù nhiệt rất hiệu quả" - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long nói.

Chiều 25/8, tại cuộc họp giữa Bộ Y tế với Sở Y tế Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Thành Long liên tục "truy" đại diện các cơ quan liên quan trước thông tin hóa chất phun diệt muỗi không đạt tiêu chuẩn, chỉ 1- 2 tiếng sau phun thì lại xuất hiện muỗi.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long nêu thẳng vấn đề: "Tôi hỏi, người dân bảo tại sao phun thuốc rồi muỗi vẫn không chết, vậy có phải do thuốc không?”. Trả lời câu hỏi này của Thứ trưởng Long, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, TS Trần Như Dương khẳng định, hóa chất phun đợt này là hóa chất trong danh sách “đầu bảng” được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyên dùng.

TS Trần Như Dương cho biết, Hà Nội dùng thuốc phun Delta Metrin, đây là loại thuốc được WHO khuyến cáo dùng, đứng đầu danh mục các thuốc nên dùng để diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH). Loại thuốc này đã được Bộ Y tế, Hội đồng các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá rất nghiêm ngặt về tính hiệu lực và tính an toàn mới được đưa vào sử dụng.

Cũng theo TS Dương, hàng năm, các Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Sốt rét kỹ sinh trùng đều có đánh giá thực tế. Cụ thể, năm 2017, từ ngày 20/6 - đến 1/7, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã tiến hành bắt muỗi và thử nghiệm thực nghiệm tại phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) thì tỷ lệ muỗi chết là 97,8%. “Theo đánh giá của WHO thì chỉ số này cho thấy thuốc đạt hiệu lực tốt” - TS Dương thông tin.

Dẫn chứng, TS Dương cho biết, từ 14 đến 21/8, có 3 đội cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ phụ trách 3 quận Hoàng Mai, Đống Đa), Hai Bà Trưng đã đánh giá kết quả trước và sau phun thuốc diệt muỗi. Tại quận Hoàng Mai chọn phường Thịnh Liệt, quận Đống Đa chọn phường Khương Thượng, quận Hai Bà Trưng chọn phường Thanh Lương, trước khi phun mật độ muỗi ở cả 3 phường đều rất lớn, nhưng sau phun 24 giờ thì mật độ muỗi trưởng thành bằng 0.

“Kết quả đánh giá phun hóa chất sau 1 ngày cho thấy hiệu quả cao, tại tất cả các điểm phun qua giám sát không còn muỗi trưởng thành. Chỉ số mật độ muỗi tại tất cả các điểm giám sát sau phun đều bằng 0” - ông Dương khẳng định. Lý giải về việc xuất hiện muỗi sau phun, TS Dương cho biết, đó là muỗi mới nở từ bọ gậy còn tồn tại trong các hộ gia đình từ trước đó.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thành Long tiếp tục đặt câu hỏi: Phương pháp phun khác nhau có đem lại hiệu quả khác nhau hay không?”. Trả lời câu hỏi này, TS Trần Như Dương cũng công nhận, đúng là cách phun khác nhau thì hiệu quả khác nhau, và cụ thể là phun tồn lưu thì tốt hơn phun sương.

Lý giải việc hiện Hà Nội đang áp dụng hình thức phun sương (phun trong không gian, chỉ có tác dụng trong 2 tiếng) mà không áp dụng phương pháp phun tồn lưu (phun vào nơi côn trùng ẩn nấp, trú đậu, đẻ trứng và có tác dụng tới vài tháng), là vì theo đặc điểm sinh học thì muỗi vằn là loại muỗi bay, không đậu vào tường.

phun mù nhiệt
Phun thuốc diệt muỗi kiểu mù nhiệt

Đội xung kích diệt bọ gậy hoạt động chưa hiệu quả

Mặc dù khẳng định diệt bọ gậy là phương pháp quan trọng nhất trong phòng dịch SXH, song TS Dương thừa nhận, theo đánh giá tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy ở 3 phường nói trên trước và sau phun có giảm, nhưng không triệt để (Thịnh Liệt: tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy trước phun là 26%, sau phun là 12%; Khương Thượng: Tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy trước phun là 20%, sau phun là 7%; Thanh Lương: Tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy trước phun là 40%, sau phun là 30%).

“Chính những ổ bọ gậy còn sót trong các hộ gia đình nền sau phun những con bọ gậy ngày 3,4 chỉ cần vài giờ lại nở thành muỗi. Do vậy, biện pháp phun hóa chất chỉ là xử lý phần ngọn, biện pháp giải quyết triệt để phải là diệt bọ gậy” - TS Trần Như Dương nhấn mạnh.

Kết luận buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Long nói: “Chúng tôi kêu gọi người dân tham gia vào phòng chống dịch, trước hết là cho bản thân, cho gia đình và cho người xung quanh.

“Ngày hôm qua, theo báo cáo có 50% các hộ chỉ cho phun ở tầng 1, hai tiếng sau muỗi ở tầng trên lại bay xuống. Ngoài ra còn tới 10-15% hộ từ chối phun thuốc” - ông Long nhấn mạnh và thêm rằng, “tất cả các nước trên thế giới đều sử dụng hoá chất đó.”

 Tuy nhiên, Thứ trưởng Long cũng đề nghị Hà Nội tiếp tục duy trì đội xung kích nhưng phải giám sát đội này, bởi các đội xung kích hiện nay hoạt động chưa hiệu quả, không diệt được các ổ bọ gậy.

“Trước thực hiện các giải pháp là 40%, sau thực hiện còn 30% thì không gọi là tốt được” - ông Long nhắc nhở, đồng thời đề nghị Hà Nội phải coi mỗi quận, huyện là một ổ dịch. 

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân nên chấp nhận phun mù nhiệt trong nhà, cố gắng đóng cửa càng lâu càng tốt để hiệu quả tốt hơn.

“Phun sương, muỗi đậu dưới gầm bàn không làm sao, nhưng phun mù nhiệt thì diệt được. Tôi kêu gọi Hà Nội áp dụng phun mù nhiệt, Singgapore họ áp dụng lâu rồi” - Thứ trưởng Long nhấn mạnh.

Đại diện tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra 3 khuyến nghị đối với Bộ Y tế trong việc phòng chống sốt xuất huyết.

Trước hết, đó là sự cần thiết của phối hợp liên ngành, đa ngành. “Singapore rất thành công trong kiểm soát SXH. Bộ Môi trường đã trực tiếp làm và làm thường xuyên, kể cả không có dịch. Trong khi đó, Bộ Xây dựng có những công trình xây dựng và phải vào cuộc, kiểm soát vector trong khuôn viên của mình; Bộ Giáo dục phải nâng cao nhận thức cho học sinh sinh viên về nguồn bệnh và cách phòng bệnh SXH.

Thứ hai là sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng. Các nước thành công cho thấy cộng đồng là cánh tay đắc lực của ngành y tế, trong đó chính quyền địa phương phải làm gương cho cộng đồng tham gia giải quyết muỗi, bọ gậy, loăng quăng, và “làm thường xuyên chứ không phải có dịch mới hô hào.”

Thứ ba, đầu tư có tính chất dài hơi cho dự phòng và kiểm soát SXH cần chuẩn bị năng lực  cho cả nhân viên y tế và cộng đồng, trong đó mạng lưới cộng tác viên là rất quan trọng, giúp giám sát tốt hơn, cảnh báo sớm bệnh dịch, khi bênh dịch xảy ra sẽ kiểm soát tốt hơn. Đại diện tổ chức Y tế Thế giới cũng cho rằng, việc tự bảo vệ của các cá nhân là rất quan trọng như mặc áo dài tay chống muỗi đốt, bôi gel,…

Cuối cùng, tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh:  Việt Nam phải có chiến lược quốc gia về phòng chống SXH vì đây là công việc “rất khó khăn”.

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc