Hà Nội lập lại trật tự vỉa hè "hiệu quả, chắc chắn" hơn TP. Hồ Chí Minh

16:01, 08/08/2017
|
(VnMedia) - Đây là nhận định của Phó Chủ tịch UBATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT) 7 tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm 5 tháng cuối năm trên địa bàn Thành phố Hà Nội, tổ chức sáng 8/8.
vỉa hè
Vỉa hè Hà Nội 
 
Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, từ ngày 16/12/2016 - 15/7/2017, trên địa bàn TP đã xảy ra 807 vụ TNGT đường bộ, đường sắt, làm 319 người chết, 656 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 88 vụ (9,8%), giảm 11 người chết (3,3%), giảm 80 người bị thương (10,9 %). 
 
Một số địa bàn TNGT diễn biến phức tạp, có số người tử vong còn cao như: Sóc Sơn (25 người chết), Chương Mỹ (24 người chết), Long Biên (21 người chết), Ba Vì (19 người chết), Thanh Trì (19 người chết), Thường Tín (19 người chết).
 
Riêng TNGT đường sắt lại có xu hướng gia tăng phức tạp. 7 tháng đầu năm đã xảy ra 14 vụ, làm 13 người chết; so sánh cùng kỳ: tăng 5 vụ, tăng 5 người chết, giảm 1 người bị thương.
 
Bên cạnh đó, TP cũng đã tập trung giải quyết được 6/41 điểm UTGT, đó là các điểm: Lò Đúc - Trần Khát Chân - Kim Ngưu, Trung Văn - Tố Hữu; Bắc Cầu Chương Dương; Trâu Qùy - QL5; điểm Nhà máy sữa Vinamilk - QL5; và điểm Trần Phú - Nguyễn Văn Lộc.
 
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vỉa hè
 
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đánh giá: Hà Nội luôn thực hiện các giải pháp bảo đảm ATGT bài bản, chặt chẽ. “Thực tế thấy rõ, Hà Nội xử lý các vi phạm vỉa hè hiệu quả, chắc chắn hơn TP. HCM. Vỉa hè không phải vấn đề lớn nhưng là hình ảnh về năng lực thực thi pháp luật” - ông Khuất Việt Hùng nói.
 
Ông Khuất Việt Hùng cũng đề nghị Hà Nội mở rộng thí điểm dịch vụ điểm đậu xe thông minh đối với cả xe máy ở một số tuyến phố, sau đó nhân rộng ra toàn thành phố.
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể; chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị cần tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: hạn chế, tiến tới xóa bỏ điểm đen, ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và quản lý hoạt động kinh doanh vận tải; tập trung chấn chỉnh tình trạng sử dụng, lấn chiếm hè phố trái phép; ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác điều hành giao thông vận tải.
 
Ông Chung yêu cầu sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố; các Sở, ban, ngành liên quan; các địa phương phối hợp thực hiện thường xuyên, đồng bộ các giải pháp về tổ chức giao thông, rà soát các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông để đánh giá nguyên nhân, có biện pháp khắc phục kịp thời, không để ùn tắc kéo dài trên 30 phút;
 
Giao Công an Thành phố tiếp tục triển khai kiểm tra, đôn đốc. xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn Thành phố.
 
Chủ tịch Thành phố yêu cầu Sở Giao thông vận tải chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành chức năng triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030" trình UBND Thành phố ban hành. Phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội điều chỉnh lại Đề án "Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025".
 
Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố, các Sở, ban, ngành Thành phố để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội; giải tỏa kinh doanh trái phép, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để họp chợ, mở đường ngang trái phép,... chỉnh trang đô thị và vệ sinh môi trường.
 
Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc