(VnMedia) - Trước thông tin nhiều người dân thắc mắc việc phun thuốc xong mà muỗi vẫn sống, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Nguyễn Nhật Cảm cho biết, thuốc diệt muỗi chỉ có tác dụng trong vòng 2 giờ đồng hồ...
Chiều 24/8, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Giao ban phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 23/8, Hà Nội ghi nhận 19.962 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, 7 người tử vong. Trong đó, các đơn vị có số mắc cộng dồn cao là Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông...
Số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện là 2.304 ca, có xu hướng giảm so với các tuần trước (tuần trước trung bình 2.700 bệnh nhân/ngày, sang tuần này trung bình còn 2.400 bệnh nhân/ngày).
Tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, mặc dù số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị nội trú tại các bệnh viện có xu hướng giảm so với các tuần trước nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp ngoài cộng đồng và chưa có dấu hiệu nào cho thấy thành phố Hà Nội đã kiểm soát được dịch sốt xuất huyết.
Ông Long cũng đánh giá, dù lãnh đạo Thành phố đã vào cuộc rất quyết liệt, nhưng chỉ nóng ở cấp thành phố, cấp quận huyện chưa nóng, cấp phường xã còn “bình chân như vại.”
Thứ trưởng Long cũng cho rằng, việc phun hóa chất và diệt bọ gậy của Hà Nội chưa triệt để. Trong đó có 10% nhà đóng cửa không tiếp cận được vào nhà, 35% các hộ gia đình không chấp nhận phun hết các tầng. Mỗi đội phun chỉ có một người phun là không hợp lý vì khi chống dịch phải leo lên các tầng với thời gian dài nên dẫn đến người phun ngại leo khi đã mệt...
Đánh giá công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố thời gian qua, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, có dư luận cho rằng chất lượng hoá chất phun diệt muỗi không đảm bảo dẫn đến sau khi phun muỗi không chết.
Giải thích về thông tin này, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng thành phố khẳng định, hoá chất thành phố đang dùng để phun diệt muỗi sốt xuất huyết là hoá chất do Việt Nam sản xuất và được Bộ Y tế khuyến cáo dùng.
"Đây là loại hoá chất thế hệ mới nhất, tốt nhất, sẵn có và khi cần có thể huy động được ngay” – ông Cảm khẳng định và thông tin, đánh giá của các cơ quan độc lập cho thấy tỷ lệ diệt muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết của hoá chất trên là khoảng 95%.
Ông Cảm cũng giải thích, hoá chất chỉ diệt muỗi có virus sốt xuất huyết và hai tiếng sau khi phun là không còn tác dụng nên chỉ phun thuốc hôm trước hôm sau lại thấy có muỗi.
Đặt vấn đề: “Những năm trước, mấy ngày sau khi phun thuốc vẫn không có muỗi?”, Chủ tịch Thành phố yêu cầu “Ngành y tế phải kiểm tra thường xuyên xem thuốc có được pha đúng liều lượng không. Thuốc chỉ có giá trị trong một giờ thì cần kiểm tra xem xét lại. Nếu cần thiết thì đổi loại khác”.
Chủ tịch UBND TP đánh giá, với những điểm mới phát sinh ổ dịch, nếu không làm quyết liệt sẽ có nguy cơ lan rộng, nhất là trong diễn biến thời tiết mưa nhiều và khi 1,8 triệu học sinh, sinh viên chuẩn bị vào năm học mới.
Ông Chung yêu cầu, đến 5/9 phải hoàn thành phun thuốc 3 lần ở 2.669 trường học, các nơi cư trú của sinh viên. Cùng với đó, cần chú trọng phun thuốc ở các chợ, bệnh viện, trung tâm thể thao, các điểm công cộng. Các cơ quan đóng trên địa bàn cũng đều phải phun thuốc diệt muỗi.
Trước đó, trao đổi với VnMedia, ông Hà Tấn Dũng, Trưởng Khoa Ký sinh trùng và côn trùng (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) cũng phân tích, thuốc phun muỗi chỉ diệt tức thì con muỗi đang hoạt động. Vài tiếng sau, hơi thuốc phát tán hết, lúc này, nếu đúng thời điểm bọ gậy nở ra muỗi thì nhà lại có muỗi vì thuốc không diệt được trứng hay bọ gậy.
Ngoài ra, ngoài loại muỗi sốt xuất huyết thường hoạt động ban ngày thì còn có một loại muỗi gây bệnh viêm não, sốt rét… lại hoạt động ban đêm. Ban ngày, loại muỗi này bay ra ngoài nên khi phun thuốc, những con muỗi này không chết và sau đó, buổi tối lại bay ngược vào nhà. Đó là lý do mà dù mới phun thuốc nhưng đã lại có muỗi ngay và muỗi đó chưa chắc đã phải là loại muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc