Bạn đã "giúp" người thân trở nên nghiện rượu như thế nào?

06:14, 09/08/2017
|

(VnMedia) - Trong nhiều trường hợp, những nỗ lực “giúp đỡ” người nghiện rượu của gia đình và bạn bè không những không giúp cho người nghiện mà lại khiến họ dễ dàng lún vào hố sâu nghiện ngập hơn.

nghiện rượu
Ảnh minh họa

Thương nhau như thế bằng mười hại nhau

Theo các chuyên gia của tổ chức Fontana, hiện tượng phản tác dụng nói trên được gọi là “tạo điều kiện”, có thể xảy ra theo nhiều cách thức khác nhau, nhưng mang lại cùng một tác động - đó là cho phép người nghiện rượu né tránh hậu quả gây ra bởi những hành động của anh ta.

"Điều này đồng nghĩa với việc cho phép anh ta tiếp tục hưởng thụ thói quen uống rượu, trong tiềm thức biết chắc rằng bất kể anh ta gây rắc rối đến mức nào thì sẽ luôn có ai đó ở bên cạnh giải cứu anh ta khỏi những sai lầm đó." - Fatana khẳng định.

Với định nghĩa: "Tạo điều kiện tức là là tạo ra một môi trường mà người uống rượu có thể thoải mái tiếp tục những hành vi không thể chấp nhận được của họ", thì bạn có phải là một người tạo điều kiện?

Dưới đây là một số câu hỏi có thể giúp bạn xác định sự khác biệt giữa việc giúp đỡ và tạo điều kiện cho người nghiện rượu:

1. Bạn đã từng gọi điện đến cơ quan anh ấy để báo ốm và xin nghỉ hay nói với người xung quanh là anh ấy “bị ốm”, nói dối về các triệu chứng của anh ấy chưa?

2. Bạn đã từng gánh chịu một phần trách cứ do các lỗi lầm gây ra bởi việc uống rượu hoặc cách hành xử của anh ấy (hoặc cô ấy) chưa?

3. Bạn đã từng tránh nói về chuyện uống rượu của anh ấy do lo sợ với sự phản ứng của anh ấy chưa?

4. Bạn đã từng bảo lãnh cho anh ấy ra khỏi tù hoặc trả bất cứ một chi phí nào liên quan tới pháp lý cho anh ấy chưa?

5. Bạn đã từng giúp anh ấy trả các hóa đơn mà đáng lẽ anh ấy mới là người phải thanh toán chưa?

6. Bạn đã từng cho anh ấy vay tiền?

7. Bạn đã từng thử uống rượu cùng anh ấy với hy vọng thắt chặt mối quan hệ?

8. Bạn đã từng cho anh ấy “một cơ hội nữa” rồi lại thêm một cơ hội khác và rồi lại một cơ hội khác nữa?

9. Bạn có từng dọa sẽ bỏ đi nhưng sau đó lại không làm như vậy?

10. Bạn đã từng làm thay một công việc hay một dự án mà đáng nhẽ ra anh ấy mới là người phải hoàn thành nhưng anh ta lại không thể vì say rượu? 

Tất nhiên, nếu bạn trả lời "có" cho bất kỳ câu hỏi nào ở trên thì ở một mức độ nào đó bạn đã tạo điều kiện cho người nghiện rượu trốn tránh việc chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình. Thay vì “giúp đỡ” họ, thì bạn lại giúp họ càng trở nên tồi tệ hơn.

Còn trong trường hợp câu trả lời là “có” cho hầu hết hoặc toàn bộ 10 câu hỏi ở trên, thì bạn không chỉ tạo điều kiện cho người nghiện rượu, bạn có lẽ đã trở thành nhân tố chính góp phần khiến vấn đề ngày càng trở nên trầm trọng và tiếp diễn, và bạn có nguy cơ chịu những ảnh hưởng xấu do việc uống rượu của người nghiện.

Phải để người nghiện rượu đối mặt với những vấn đề của mình

Các chuyên gia của Fontana nhận định, cho đến khi nào mà người nghiện rượu vẫn còn được tạo điều kiện, thì sẽ luôn dễ dàng cho anh ta tiếp tục phủ nhận vấn đề của bản thân – vì hầu hết vấn đề của anh ta đã được “giải quyết” ổn thỏa bởi những người xung quanh.

"Chỉ đến khi bị ép buộc phải đối mặt với hậu quả gây ra bởi chính hành động của mình, thì anh ta cuối cùng mới có thể nhận ra vấn đề của mình đã trở nên trầm trọng đến mức nào." - Fontana nhấn mạnh.

Một vài trong số những lựa chọn này không hề dễ dàng cho bạn bè và gia đình của những người nghiện rượu. Nhưng nếu người nghiện nướng hết số tiền lẽ ra được dùng cho chi phí sinh hoạt của gia đình vào bia rượu, anh ta đâu phải là người duy nhất sẽ phải sống trong bóng tối, sự lạnh lẽo hay một ngôi nhà tồi tàn? Những người còn lại trong gia đình sẽ cùng phải chịu đựng cảnh khốn cùng ấy.

Điều này sẽ khiến cho việc phải giữ lấy tiền để chi trả cho chi phí sinh hoạt thay vì trợ giúp anh ta đắm chìm trong men rượu, và cũng bởi không ai muốn sống trong cảnh thiếu thốn cả, dường như là sự lựa chọn duy nhất của gia đình.

Nhưng theo Fontana, đó thực sự không phải là cách lựa chọn duy nhất.

Các chuyên gia của Fontana khuyên rằng, hãy mang những đứa trẻ gửi tạm ở chỗ bạn bè hoặc người thân, hay thậm chí một nơi trung tâm tạm lánh nào đó, và để người nghiện rượu trở về nhà cảm nhận sự cô đơn trong ngôi nhà tối tăm. Đó cũng là một cách để bảo vệ gia đình và ép người nghiện rượu phải đối mặt với những vấn đề của chính anh ta.

Phải thực hiện những lựa chọn trên thực sự rất khó khăn. Việc này đòi hỏi các thành viên trong gia đình phải “tách ra trong tình yêu thương”. Nhưng đó mới thực sự là tình yêu!

"Trừ khi người nghiện rượu được cho phép đối mặt với hậu quả do chính hành động của mình gây ra, nếu không anh ta sẽ không bao nhận ra được thực tế là việc uống rượu của anh ta đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đến thế nào – đối với chính bản thân anh ta cũng như với những người thân xung quanh." - Các chuyên gia của Fontana tiếp tục nhấn mạnh.

Hoàng Hải (theo Fontana)


Ý kiến bạn đọc