(VnMedia) - Liên quan đến thông tin được người dân và dư luận quan tâm trong thời gian qua về việc nhận chìm gần 1 triệu m3 vật, chất tại khu vực biển Vĩnh Tân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã vừa chủ trì cuộc họp giữa các bên có liên quan, cho ý kiến về phương án không nhận chìm, mà sử dụng vật, chất nạo vét để san lấp mặt bằng lấn biển theo quy hoạch của Cảng tổng hợp Vĩnh Tân.
Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Phương án này trước đó đã được Bộ TN&MT và UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo Thủ tướng Chính phủ từ ngày 31 tháng 7. Trong đó, đề xuất trước mắt cho phép sử dụng vật, chất từ hoạt động nào vét cảng chuyên dùng của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 để san lấp mặt bằng khu vực lấn biển của Cảng tổng hợp nhằm đảm bảo tiến độ của dự án theo thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam với nhà đầu tư và bảo đảm được vấn đề an ninh năng lượng cho khu vực phía Nam.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bên liên quan chỉ đạo chủ đầu tư Vĩnh Tân 1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, chủ đầu tư của Vĩnh Tân 4, Công ty Đại Dương (chủ đầu tư Cảng tổng hợp Vĩnh Tân) thống nhất phương án để tạo điều kiện cho Vĩnh Tân 1 nạo vét sớm nhất có thể.
Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các Dự án có liên quan theo quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức thực hiện việc đánh giá tác động môi trường, thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện theo quy định của pháp luật.
Ưu tiên tái sử dụng vật, chất nạo vét như một loại tài nguyên
Trong thời gian tới, khi Quy hoạch khai thác sử dụng biển Việt Nam được Quốc hội phê duyệt, cùng với việc áp dụng theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Việt Nam năm 2015 và Luật Bảo vệ môi trường 2014 thì mọi hoạt động tương tự của Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân và các doanh nghiệp khác trong cả nước sẽ được thực hiện theo tinh thần ưu tiên tái sử dụng vật, chất nạo vét như một loại tài nguyên cho lấn biển, chống xói lở, nhận chìm thực hiện theo quy hoạch, chương trình, dự án và phải đảm bảo an toàn cho tuyệt đối cho môi trường.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục nghiên cứu quy hoạch các vị trí nhận chìm vật, chất ở biển và các khu vực cần sử dụng vật, chất nạo vét để san nền, lấn biển, chống xói lở bờ biển đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các địa phương có biển tiếp tục nghiên cứu, quy hoạch các vị trí có thể nhận chìm ở biển đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường khẩn trương có văn bản hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện việc điều chỉnh nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án có liên quan theo quy định của pháp luật.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc