Tự "chấm điểm" để biết mình có nghiện facebook hay không

07:35, 22/07/2017
|

(VnMedia) - Các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần đã gặp nhiều trường hợp có các triệu chứng hoang tưởng, ảo thanh, trầm cảm… sau một thời gian truy cập mạng xã hội quá nhiều.

Đây là thông tin được các bác sĩ ở Viện sức khỏe tâm thần (bệnh viện Bạch Mai) trao đổi với báo chí chiều 21/7.

Dừng facebook đột ngột, một trẻ lên cơn co giật

Chia sẻ tại Hội thảo, TS – BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, một cháu bé sống tại Hà Nội, 14 tuổi được cha mẹ đưa vào viện với biểu hiện co giật. Bố mẹ cháu bé cho biết, cháu sử dụng facebook quá nhiều, suốt ngày đóng cửa phòng lên mạng, ai gọi cũng không trả lời, không thích giao tiếp với mọi người. Mỗi ngày, cháu lên mạng khoảng 10 tiếng trở lên.

Thấy vậy, cha mẹ cháu đã quyết định tịch thu lại máy tính thì cháu bé bắt đầu có biểu hiện lên cơn co giật.

Các bác sĩ khi thăm khám phát hiện cháu bé có biểu hiện hoang tưởng, với triệu chứng là thường xuyên nghe thấy giọng nói “mày phải lên mạng đi, phải chơi facebook, chơi game đi…” Thời gian xuất hiện tiếng nói thường là vào lúc chạng vạng tối.

Theo Thạc sĩ Lê Thu Hà (Viện Sức khỏe tâm thần), đây là biểu hiện của bệnh tâm thần phân liệt, bệnh “ảo thanh”. Sau khi được các bác sĩ cho uống thuốc và sử dụng phương pháp ám thị thì bệnh của cháu đã khỏi theo kiểu “cắt cơn.”

Tuy nhiên, các bác sĩ đã phải khuyên gia đình là không nên cấm đột ngột, tuyệt đối chuyện sử dụng facebook, mạng xã hội hay chơi game mà phải dần dần. Lúc đầu, phải giảm bớt thời gian, quản lý lịch sử dụng máy tính hợp lý với những mục đích rõ rang, có ích…, Sau đó hướng cháu vào những hoạt động thay thế lành mạnh khác.

Trường hợp khác là một thanh niên. Anh này được người thân phát hiện cứ sau 5 giờ chiều là ngồi thu mình đóng kín cửa không giao tiếp với bất cứ ai. Cho là người này bị trầm cảm, gia đình liền đưa anh ta đến Viện Sức khỏe tâm thần để khám bệnh.

Tại đây, các bác sĩ được biết, bệnh nhân vốn là một sinh viên đại học. Kể từ khi đỗ đại học và lên Hà Nội học, bạn này được gia đình trang bị cho một máy tính xách tay. Và cứ sau mỗi buổi học, từ lúc 5 giờ chiều đến đêm, anh ta liên tục ngồi ôm máy tính để vào facebook, mạng xã hội…, quên ăn quên ngủ. Dần dà, chuyện học hành cũng bị lơ là, kết quả đặc biệt giảm sút, thậm chí sinh viên này đã bỏ quá nhiều buổi học nên nhà trường đã buộc thôi học.

Trở về quê, không có công ăn việc làm, buồn chán, cứ đến 5 giờ chiều, giờ mà khi còn đi học anh ta thường vào mạng nhiều nhất thì bệnh nhân xuất hiện hiện tượng thu mình, không giao tiếp với ai.

Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân này có biểu hiện trầm cảm nhẹ. Ngoài việc dùng thuốc thì các bác sĩ đã tư vấn cho gia đình là không nên để bệnh nhân nhàn rỗi mà cần phải tham gia các hoạt động, các công việc khác như làm đồng ruộng…, Vào thời gian cuối buổi chiều, nên để bệnh nhân làm việc nhà như nấu ăn…, để bệnh nhân quên dần cảm giác muốn vào facebook.

Thạc sĩ Lê Thu Hà
Thạc sĩ Lê Thu Hà (đứng sau) và Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần, TS - BS Nguyễn Doãn Phương - ảnh: Hoàng Hải

Nghiện Facebook không phân biệt lứa tuổi, giới tính

Theo thạc sĩ Lê Thu Hà, nghiện facebook không phân biệt giới tính, lứa tuổi. Tuy nhiên, Thạc sĩ Hà đặc biệt lưu ý đến đối tượng là sinh viên, bởi các bạn sau khi đỗ đại học đã ít bị sự quản lý của gia đình, được chủ động về thời gian. Việc sử dụng facebook nhiều lâu dần sẽ ảnh hưởng đến nhịp sống cũng như thái độ sống. Các bạn sẽ chỉ quan tâm đến môi trường sống ảo, không quan tâm đến những người và hoạt động thật, không quan tâm đến sức khỏe bản thân, sinh hoạt bị đảo lộn, đêm lên mạng nhiều, ngày ngủ dẫn đến bỏ học…

Còn với trẻ học phổ thông, thạc sĩ Lê Thu Hà cho biết, dù chưa có cháu nào vào viện để khám điều trị nghiện facebook, game mà thường đến viện vì các biểu hiện hoang tưởng, ảo thanh…, nhưng khi thăm khám thì phát hiện có hiện tượng sử dụng facebook, vào mạng… với thời gian quá nhiều.

Thạc sĩ Hà cũng nhấn mạnh, nghiện facebook làm phát sinh những rối loạn tâm thần đã tiềm tàng như lo âu, trầm cảm... Hiện chưa có tài liệu nào nói về thuốc để điều trị bệnh nghiện Facebook. Việc điều trị bằng chỉ là chữa những triệu chứng rối loạn đó. Để “cai nghiện” facebook, Thạc sĩ Hà tư vấn cần phải có biện pháp theo dõi và quản lý thời gian vào facebook như ghi lại nhật ký thời gian sử dụng facebook, mạng xã hội… để theo dõi xem mình có giảm được không. “Còn ngừng hẳn thì roòi vẫn có thể sử dụng lại, đóng facebook rồi lại mở ra…” - Thạc sĩ  Hà lưu ý.

Nghiện Facebook có nghĩa là dành quá nhiều thời gian để sử dụng mạng xã hội, làm ảnh hưởng đến các hoạt động quan trọng trong cuộc sống như làm việc, học tập hoặc duy trì mối quan hệ trong gia đình và ngoài đời. Người dùng Facebook có mục đích rõ ràng thì không được xem là nghiện (kinh doanh online, tìm thông tin phục vụ cho công việc…)

Để kiểm tra bản thân có bị nghiện, lệ thuộc Facebook hay không, thạc sĩ Hà khuyến nghị có thể dùng thang đo nghiện được phát triển bởi các nhà nghiên cứu Na Uy.

- Bạn dành nhiều thời gian suy nghĩ về Facebook hoặc lên kế hoạch sử dụng nó?

- Bạn cảm thấy một sự thúc giục sử dụng Facebook càng ngày càng nhiều.

- Bạn sử dụng Facebook để quên đi các vấn đề cá nhân.

- Bạn đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng Facebook mà không thành công.

- Bạn trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bạn bị cấm sử dụng Facebook.

- Bạn sử dụng Facebook rất nhiều đến nỗi mà nó đã có một tác động tiêu cực đến công việc/học tập của bạn.

Người trả lời mỗi câu hỏi trong thang từ 1-5 điểm: rất hiếm khi, hiếm khi, thỉnh thoảng, thường xuyên, và rất thường xuyên. Điểm số từ 24 điểm trở lên được xem là nghiện.

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc