Trẻ mắc bệnh sùi mào gà có thể bị ung thư, ảnh hưởng khả năng sinh sản

06:39, 19/07/2017
|

(VnMedia) - Trẻ mắc bệnh sùi mào gà có thể chữa khỏi được, nhưng nếu không được chữa trị đúng phác đồ, bệnh sẽ tái phát, đặc biệt có thể tiến triển sang ung thư và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.

Một bé trai ở Hưng Yên bị bệnh sùi mào gà
Một bé trai ở Hưng Yên bị bệnh sùi mào gà

Đây là thông tin được các bác sĩ bệnh viện Da liễu Trung ương khẳng định nhân vụ việc hàng chục trẻ nhỏ bị mắc bệnh sùi mào gà sau khi được cắt bao quy đầu tại một cơ sở tư nhân ở Hưng Yên.

Theo PGS. TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh Sùi mào gà do HPV (virus Human Papilloma) là một loại virus DNA sợi kép gây nên. Hiện nay đã tìm ra hơn 130 type. Sùi mào gà ở người lớn thường do HPV type 6 và 11 gây ra, tron gkhi đó type HPV gây biểu hiện Sùi mào gà của trẻ em rất đa dạng. Type HPV hay gây tổn thương hạt cơm ở da (type 1-4, đặc biệt là type 2 và 3) thường được phát hiện ở trẻ em.

Biểu hiện của bệnh là tổn thương ở da hoặc niêm mạc là sản mềm màu da, hồng hoặc màu nâu, đường kính khoảng một vài mm. Sau vài tuần đến vài tháng, các tổn thương có thể hợp lại thành mảng lớn hơn (giống hình súp lơ).

Ở trẻ nam, sùi mào gà thường gặp ở vị trí thân dương vật và quanh hậu môn. Ở trẻ gái, bệnh có thể gặp ở âm hộ, phía ngoài âm đạo, quanh nỗ liệu đạo và quanh hậu môn. Một vài trường hợp có thể gặp ở bên trong niêm mạc âm đạo và trực tràng. Tuy nhiên, bệnh thường gặp ở trẻ nam hơn.

Đường lây bệnh sùi mào gà ở người lớn đa phần là do lây truyền qua con đường tình dục, còn trẻ thường mắc bệnh khi lây từ người chăm sóc trực tiếp, nhiều trường hợp được phát hiện lây trực tiếp từ bố mẹ.

Đặc biệt, trẻ có thể mắc sùi mào gà do lây nhiễm từ đồ dùng như khăn, đồ lót bị nhiễm HPV, hoặc can thiệp y tế (như nong, phẫu thuật chít hẹp bao quy đầu) không đảm bảo điều kiện vô trùng.

Về mối nguy hiểm bệnh sùi mào gà ở trẻ, TS Doanh nhấn mạnh, nếu được chữa trị dứt điểm sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như tình dục sau này. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị đúng phác đồ, bệnh sẽ tái phát, đặc biệt có thể tiến triển sang ung thư cũng như ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.

Do vậy, các TS Lê Hữu Doanh khuyến cáo, điều trị bệnh sùi mào gà bắt buộc phải tới cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị.

“Tuỳ theo mức độ tổn thương, tuổi của người mắc mà có phương pháp điều trị khác nhau như bôi thuốc, xịt hoặc áp nitơ, sử dụng laser, đốt điện hoặc phẫu thuật cắt bỏ tổn thương” - TS. BS Lê Hữu Doanh nhấn mạnh.

Trao đổi thêm với VnMedia về việc điều trị bệnh này, BS Lê Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật - Tạo hình mỹ thuật nhấn mạnh, đã đi khám chữa bệnh thì phải đến cơ sở y tế chính thống. Đông y hay các bài thuốc gia truyền... cũng rất hiệu quả nhưng phải được cấp phép của cơ quan chức năng. 

Với những bệnh nhi đã từng được cha mẹ cho đến làm thủ thuật tại cơ sở của bà Hiền trong thời gian gần đây nhưng hiện nay chưa phát bệnh, BS Sơn cho rằng nên đến bệnh viện để kiểm tra, làm các xét nghiệm với quan điểm "phòng bệnh hơn chữa bệnh".

"Nếu các bé đã có tiền sử phơi nhiễm, tiếp xúc như vậy thì nên kiểm tra. Với những tổn thương quá rõ thì gia đình chắc chắn sẽ đưa con đi khám, nhưng với những tổn thương nhỏ, đại đa số các gia đình đã bỏ qua. Về nguyên tắc, càng phát hiện sớm thì càng điều trị đơn giản. Đại đa số các trẻ trước đây đều làm ngoại trú vì khi phát hiện chỉ 1-2 nốt nhỏ, sau khi làm thủ thuật xong sẽ được cho về nhà chăm sóc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Một số trẻ để nặng quá như đợt này thì phải có những biện pháp chăm sóc tích cực hơn" - BS Sơn nói.

Về thời gian ủ bệnh của bệnh nhân, BS Sơn cho biết, sớm nhất có thể chỉ là một vài ngày, còn trung bình là một vài tuần. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ủ bệnh lâu hơn hoặc nhiễm virus mà không phát bệnh.

"Việc phòng bệnh hữu hiệu nhất hiện nay là vaccin phòng ung thư cổ tử cung dành cho phụ nữ trước lứa tuổi sinh hoạt tình dục và cũng chỉ phòng được các chủng virus hay gây ung thư chứ không phải là tất cả" - BS Sơn cho biết.

Có một điều khá may mắn là virus gây bệnh sùi mào gà chỉ phát triển tại chỗ nên các bác sĩ chỉ đặt vấn đề điều trị khi có tổn thương với mục đích là để loại bỏ tổn thương.

"Do hầu hết virus chỉ tập trung ở chỗ tổn thương nên khi loại bỏ tổn thương đó, đồng nghĩa với việc loại bỏ virus" - BS Sơn giải thích thêm.

Trao đổi với VnMedia về loại bệnh này ở trẻ nhỏ, bác sỹ Lê Anh Dũng - Trưởng khoa Tiết niệu - Bệnh viện Nhi Trung ương hết sức ngạc nhiên về vụ việc và cho biết, trong 19 năm công tác tại viện Nhi Trung ương, ông chưa từng gặp trường hợp nào trẻ em bị mắc sùi mào gà. 

Tuy nhiên, theo báo cáo của bệnh viện Da liễu Trung ương, việc trẻ em mắc bệnh sùi mào gà không phải là hiếm gặp. Theo đó, chỉ tính riêng từ ngày 1/5 đến 30/6/2017, ngoài những ca bệnh đến từ Hưng Yên thì bệnh viện đã tiếp nhận 6 trường hợp là bệnh nhi đến từ Hà Nội và 12 bệnh nhi đến từ các tỉnh khác.

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc