Lần đầu tiên lãnh đạo quận huyện Hà Nội trả lời chất vấn

10:09, 05/07/2017
|

(VnMedia) - Hôm nay (5/7), HĐND thành phố Hà Nội đã tiến hành phiên chất vấn trực tiếp đối với các vấn đề nóng của Thành phố. Đây cũng là lần đầu tiên, các chủ tịch quận, huyện phải trực tiếp trả lời các câu hỏi chất vấn và tái chất vấn.

Chủ tịch huyện Mê Linh

Ông Phạm Văn Châm, Chủ tịch huyện Đông Anhm trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND TP Hà Nội

Mở đầu phiên chất vấn, một phóng sự phản ánh về vấn đề quản lý đất công, đặc biệt là hiện tượng sai phạm khi xây dựng các công trình kiên cố, nhà xưởng, thậm chí cả biệt thự trên đất nông nghiệp đã được trình chiếu gây ấn tượng đặc biệt cho các đại biểu. Theo đó, hàng loạt công trình vi phạm cũ đã được phản ánh từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn tồn tại, không bị xử lý. Hơn thế, số các trình sai phạm lại gia tăng hơn rất nhiều.

Tiếp đó, là người chất vấn trực tiếp đầu tiên, đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng cũng nêu một thực trạng vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều địa phương. Đơn cử như tại huyện Mê Linh, Thanh Trì, Đông Anh đều gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2017.

“Vậy trách nhiệm của giám đốc Sở Xây dưng và chính quyền các thị trấn, quận, huyện khi xảy ra các vi phạm này?” - đại biểu Hằng đặt câu hỏi.

Bà Hằng cũng nêu vấn đề nâng tầng đã khiến tăng mật độ dân cư, làm cho hệ thống hạ tầng xã hội không đáp ứng được nhu cầu dân cư tại khu đô thị.

“Đề nghị UBND TP cho biết các biện pháp để tổ chức khắc phục những tồn tại trong thời gian qua và biện pháp ngăn chặn trong thời gian tới như thế nào?".

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam thì nêu việc vi phạm trật tự xây dựng tại các khu đô thị, tình trạng xây dựng sai mật độ, chuyển đổi công năng thành nhà ở đã diễn biến phức tạp nhưng chưa được khắc phục, chấn chỉnh.

“Cử tri, người dân bức xúc trước thực trạng này. Vậy trách nhiệm của UBND TP, trách nhiệm của Sở Xây dưng, Sở Quy hoạch Kiến trúc ở đâu?” – ông Nam hỏi.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết, việc dồn điền đổi thửa đã có việc biến tướng các trang trại sinh thái thành các công trình biệt thự, các lô biệt thự để sang nhượng. “Vậy các đồng chí có biết không?” – ông Nam nhấn mạnh.

Là người đầu tiên trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Phạm Văn Châm, Chủ tịch huyện Đông Anh thừa nhận, việc xảy ra vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn là do cán bộ yếu kém, thiếu trách nhiệm. Trong thời gian qua huyện Đông Anh đã tiến hành kỷ luật một số cán bộ vi phạm, thậm chí có trường hợp còn bị xử lý hình sự. Ông Châm khẳng định, đến cuối năm 2017, tất cả vi phạm về trật tự xây dựng sẽ được xử lý cơ bản.

Theo ông Châm, lãnh đạo xã yếu kém dẫn đến vi phạm đất đai tăng. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về chuyên môn, chính quyền cơ sở lơ là, không xử lý ngay từ đầu. Ngoài ra, trách nhiệm còn thuộc về cán bộ cơ quan cấp huyện.

Về vụ việc cụ thể, ông Châm cho biết, tại khu vực xã Hải Bối, đầu cầu Thăng Long, mức độ đô thị hóa ngày càng tăng. Việc canh tác nông nghiệp ở đây khó khăn cộng với việc công tác quản lý kém dẫn đến. 3 khóa liền có cán bộ bị xử lý, thậm chí là xử lý hình sự từ Bí thư đến Chủ tịch xã và việc xử lý sai phạm sẽ được tiếp tục tiến hành trong 6 tháng cuối năm.

"Sai phạm tại khu vực xã Nguyên Khê, chúng tôi chỉ đạo UBND xã xử lý triệt để các công trình nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được. Đây là khu vực giáp ranh với Phù Lỗ (Đông Anh) nên rất khó xử lý. Chủ tịch xã Nguyên Khê đã hứa với UBND huyện sẽ xử lý các công trình xưởng vi phạm đất đai trước ngày 15/7" - ông Châm thông tin.

Nguyễn Thanh Mai nêu, những vấn đề tái diễn sai phạm trong trật tự xây dựng không chỉ xay ra ở cơ sở, cá nhân, hộ gia đình mà còn tái diễn ở các tổ chức xây dựng phát triển nhà ở. Trong kỳ họp thứ 3 đã nêu việc các tòa nhà chung cư xây dựng sai so với giấy phép, đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra một số vụ việc nghiêm trọng của một số tổ chức.

“Đối với một số vụ việc đã chuyển cho công an, tiến độ xử lý và công khai kết quả điều tra cũng như nếu cần thiết phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can đã làm đến đâu. Theo tiến độ thì sẽ trả lời cử tri như thế nào vì mức độ vi phạm của các vụ án là đặc biệt nghiêm trọng?" - bà Mai đặt câu hỏi.

Về trông giữ xe và giá trông giữ xe, đại biểu Mai cũng nêu hiện tượng tái diễn nhiều bãi đỗ xe  trông xe không phép, sai phép, quá giá quy định vi phạm nhiều lần… nhưng giải pháp, hiệu quả thấp.

“Xin hỏi, giám đốc sở GTVT đã trả lời cuối năm 2016 về bến bãi đỗ xe, vậy đã triển khai quy hoạch bến bãi đỗ xe đã quy hoạch như thế nào, nhiều dự án chậm triển khai chưa triển khai đúng tiến độ, kèm theo đó là quản lý trật tự đô thị như thế nào?" - đại biểu Nguyễn Thanh Mai chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Huy Được nêu, trên địa bàn các huyện, mặc dù diện tích xây dựng sai phạm rất lớn nhưng chủ yếu là nhà mái tôn, kết cấu thép, tiến hành nhanh… nhưng vi phạm trật tự trong vùng quận nội đô, cụ thể là khu vực Đầm Trị ở quận Tây Hồ, không chỉ là nhà tạm mà là các biệt thự, không thể xây dựng nhanh, diễn biến trong một thời gian ngắn mà là cả một quá trình. 
 
“Vậy trách nhiệm của chính quyền sở tại nằm ở đâu? Chùm biệt thự xây dựng ở Đầm Trị trên 11.500m2, trên tổng diện tích 67.000m2 của khu vực Đầm Trị, đây là vi phạm hết sức không nhỏ. Vậy trách nhiệm đương nhiên là chính quyền cơ sở, nhưng hướng xử lý thế nào, sự quyết liệt trong quá trình xử lý ra làm sao cần phải được báo cáo để HĐND và cử tri được biết” - đại biểu Nguyễn Huy Được nhấn mạnh.
 
Đại biểu Đoàn Việt Cường (tổ Mê Linh) hỏi Giám đốc sở QHKT: Trên địa bàn TP có một số dự án như: Dự án hỗn hợp tại Lô C, OD4, khu đô thị mới Cầu Giấy, công trình xây dựng văn phòng, dịch vụ và nhà ở phường Liên Hòa Cầu Giấy, bãi đỗ xe tĩnh Mai Linh Đông Đô tại phường Mễ Trì quận Nam Từ Liêm, đã vi phạm trật tự sai phép so với quy hoạch phương án kiến trúc được duyệt, nhưng vẫn được chấp thuận điều chỉnh quy hoạch kiến trúc. Chủ tọa Kỳ họp thứ 3 HĐND TP đã kết luận, không thực hiện điều chỉnh quy hoạch đối với các dự án có vi phạm trật tự xây dựng, tránh tình trạng sai phạm trước, hợp thức hóa sai phạm sau. Vậy việc điều chỉnh như vậy đúng hay sai?
 
Tuần sau, khởi tố doanh nghiệp Mường Thanh
 
Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội Đoàn Duy Khương cho biết: Vi phạm về trật tự xây dựng trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2016, Thanh tra Thành phố đã chuyển sang cho công an Thành phố để điều tra, làm rõ vi phạm pháp luật của một số đơn vị, trong đó điển hình là doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên và công ty cổ phần do ông Thản làm Chủ tịch. 
 
“Đây là đơn vị triển khai rất nhiều dự án trên địa bàn Thành phố (12 dự án), qua điều tra đều thấy các dự án có dấu hiệu trốn thuế, Thứ hai là vi phạm về vấn đề quản lý nhà ở theo điều 273 của Bộ luật hình sự. Chúng tôi nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP  tiếp nhận kết luận của Thanh tra TP. Nhưng Bộ Công an cũng nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm của đơn vị này tại 21 tỉnh thành trên toàn quốc. Vì vậy trong quá trình điều tra chúng tôi cũng phải phối hợp với Bộ Công an", Giám đốc Công an Thành phố Đoàn Duy Khương nói.
 
“Việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, chúng tôi đang chờ ý kiến quyết định của Bộ Công an. Nếu để cho cơ quan điều tra của cơ quan Công an TP Hà Nội khởi tố bị án, khởi tố bị can liên quan đến vụ việc vi phạm trên địa bàn Thành phố thì chắc sang tuần, sau khi có ý kiến của lãnh đạo Bộ thì sẽ khởi tố vụ án và tiến hành hình sự hóa các hành vi vi phạm của cá nhân để khởi tố bị can. Nếu Bộ quyết định để Cục C46 khởi tố chung với 21 địa phương vi phạm thì chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ tài liệu mà chúng tôi đã điều tra chuyển cho Bộ để Bộ giải quyết” - ông Khương giải thích rõ.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc