(VnMedia) - Thanh tra Chính phủ vừa công bố Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quá trình thực hiện một số dự án theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn TP Hà Nội.
Hàng loạt dự án sai phạm
Theo đó, bên cạnh một số ưu điểm như một số công trình kết cấu hạ tầng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ lợi ích của người dân như tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, tuyến tục phía Bắc Hà Đông, Bảo tang Hà Nội…, thì kết luận đã chỉ ra hàng loạt khuyết điểm, vi phạm.
Theo đó, UBND Thành phố chưa thực hiện đúng quy định về việc lâp, phê duyệt, công bố danh mục dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT lĩnh vực giao thông và môi trường, trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012 gây ảnh hưởng đến việc lựa chọn Nhà đầu tư để thực hiện chủ trương đầu trư, làm giảm hiệu lực hiệu quả đầu tư.
Cụ thể, đến thời điểm thanh tra, trong 15 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường thì chỉ có 1 dự án được lựa chọn Nhà đầu tư thông qua đấu thầu (có sơ tuyển), 14 dự án còn lại, việc lựa chọn Nhà đầu tư được chỉ định thầu.
Thanh tra Chính phủ cũng kết luận, Hà Nội đã không thực hiện đúng quy trình lựa chọn Nhà đầu tư, thẩm định, đánh giá năng lực đối với một số nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ; lựa chọn ký hợp đồng để thực hiện dự án đối với một số Nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo quy định.
Theo đó, các dự án được kiểm tra khi trình xin chủ trương lựa chọn Nhà đầu tư bằng hình thức chỉ định thầu đều có lý do cơ bản là do tính cấp bách, cấp thiết. Tuy nhiên, UBND thành phố đã không thực hiện đúng quy trình, quy địnhh và không có tài liệu chứng minh, làm rõ thực trạng, mức độ chính xác của việc cấp bách, cấp thiết khi chỉ định Nhà đầu tư thực hiện các dự án này.
Một số Nhà đầu tư tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án trong khi năng lực về tài chính hạn chế, không đảm bảo năng lực. Cụ thể: Công ty CP Tasco đối với Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương; Công ty Bitexco đối với dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra, một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán của một số dự án BT đã được UBND TP. Hà Nội và các cơ quan trực thuộc thẩm định, phê duyệt chưa chính xác, chưa đúng chế độ quy định làm sai tăng tổng vốn đầu tư dự án, ảnh hưởng đến việc tính toán, sắp xếp các phương án giao đất đối ứng để xác định tiền sử dụng đất…
Theo đó, dự án Nhà máy nước Yên Sở được khởi công khi chưa có kết quả thẩm tra thiết kế, dự toán phải điều chỉnh nhiều lần…; dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương (tính toán khối lượng không đúng làm tang giá trị hợp đồng BT là trên 19,5 tỷ đồng), dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An (làm sai tăng số tiền gần 16 tỷ đồng); dự án nút giao thông Long Biên (làm tăng giá trị trên gần hơn 50 tỷ đồng); Dự án đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên (làm sai tang giá trị tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng); dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ (sai tăng 920 tỷ đồng);
Dự án Nhà máy nước Yên Sở có giá trị thực hiện nạo vét và đề nghị quyết toán vào giá trị dự án theo báo cáo của Nhà đầu tư là hơn 9,8 triệu USD nhưng không có hồ sơ, tài liệu được cơ quan có thẩm quyền thẩm tra, thẩm định và phê duyệt…; việc nạo vét kéo dài thời gian hoàn thành dự án làm tăng chi phí phát sinh ngoài hợp đồng, giá trị sau kiểm toán trên 11,5 triệu USD;
Dự án đường Lê Văn Lương kéo dài phát sinh hơn gần 8 tỷ đồng và còn hơn 7,7 tỷ đồng chưa được xác nhận theo quy định, chưa đủ điều kiện để quyết toán.
Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, ngoài ký hợp đồng sai tang 920 tỷ đồng thì UBND TP Hà Nội, Sở Tài chính, Sở GTVT và Nhà đầu tư đã để nhà đầu tư chiếm dụng ngân sách nhà nước trong thời gian dài với số tiền 510 tỷ đồng (năm 2008);
Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương tính sai tăng chi phí là hơn 11,2 tỷ đồng.
Dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên có trên 18,7 tỷ đồng tiền trả lãi vay của các khoản vay để đảo nợ không dược dung vào mục đích đầu tư dự án BT, không đủ cơ sở để tính vào giá trị quyết toán công trình…
Dự án nút giao thông Long Biên phải tính lại chi phí vận chuyển theo thực tế, giá trị giảm hơn 2 tỷ đồng…
Xử lý trách nhiệm lãnh đạo Hà Nội liên quan
Trước hàng loạt sai phạm, vi phạm trong các dự án BT, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu để ban hành văn bản về cơ chế quản lý, giám sát đối với các dự án BT; xử lý về kinh tế khoản tiền hơn 1.600 tỉ đồng, gần 38 triệu USD.
"Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hà Nội căn cứ vào kết quả thanh tra, thực hiện việc xử lý trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP Hà Nội liên quan đến khuyết điểm, vi phạm trong việc lựa chọn nhà đầu tư; đôn đốc, chỉ đạo, giám sát các đơn vị cấp dưới triển khai, thực hiện hợp đồng BT và các dự án đối ứng..."- kết luận của TTCP nêu rõ.
TTCP còn kiến nghị xử lý Bộ Kế hoạch và Đầu tư do chậm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đường Hà Nội - Hưng Yên.
Liên quan đến ngân sách nhà nước, TTCP yêu cầu Cienco 5 nộp ngay vào ngân sách nhà nước 1.428 tỉ đồng dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ. Trong đó, 902 tỉ đồng chi phí lãi vay và 510 tỉ đồng tiền chênh lệch giữa tiền giá trị sử dụng đất và công trình BT.
Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương cần tính thêm giá trị tiền sử dụng đất để nộp vào ngân sách nhà nước hơn 11,2 tỉ đồng do áp sai suất vốn đầu tư. Dự án này còn 37 tỉ đồng tiền sử dụng đất tăng thêm cần rà soát xác định lại để khi thanh toán hợp đồng BT chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
Đối với dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, các cá nhân liên quan sẽ bị xử lý trách nhiệm khi để thất thoát ngân sách nhà nước 15 tỉ đồng lãi vay ngân hàng do chậm thanh toán.
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu khi quyết toán dự án BT phải giảm trừ các khoản đội vốn. Cụ thể, kiến nghị giảm trừ quyết toán 1,339 triệu USD (30 tỷ đồng) đối với phát sinh lãi vay sau ngày 8-11-2012 tại dự án Nhà máy nước thải Yên Sở. Giảm trừ khi quyết toán hơn 612 ngàn USD (14 tỉ đồng) do tính toán trùng lắp các hạng mục đầu tư dự án này và giảm trừ chi phí bồi thường đất trùng lắp 64 ngàn USD (1,5 tỉ đồng).
Đối với dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Nam Từ Liêm và nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tasco giảm trừ tổng mức đầu tư hơn 19,5 tỉ đồng.
Với dự án bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An, số tiền cần giảm trừ giá trị tổng mức đầu tư là 12 tỉ đồng và loại khỏi thanh toán 6,2 tỉ đồng do sai phạm về khi phê duyệt thiết kế.
Dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên cần giảm trừ 10,5 tỉ đồng và tính toán lại gần 4 tỉ đồng do chênh lệch giá các nguyên vật liệu. Số tiền trả lãi vay ngân hàng 15 tỉ đồng, TTCP yêu cầu không tính vào giá trị quyết toán công trình.
Dự án nút giao thông trung tâm quận Long Biên được yêu cầu giảm trừ 34 tỉ đồng vốn sai quy định.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc