(VnMedia) - Hiện nay, hồ Hòa Bình hiện đang mở 2 cửa xả lũ và phát điện tối đa 6/6 tổ máy với tổng lưu lượng xả lớn nhất khoảng 5.600m3/s. Tùy theo diễn biến của mưa lũ thượng nguồn, có thể tiếp tục mở thêm các cửa xả đáy...
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, mưa lớn liên tục trong tháng 6 vừa qua và ảnh hưởng từ cơn bão số 2 khiến mực nước trên các hồ thủy điện miền Bắc ở mức cao.
Lúc 10 giờ sáng ngày 18/7, mực nước ở hồ Hòa Bình ở cao trình 105,84 mét, trong khi đó, lưu lượng nước đổ về hồ là 3 nghìn 060 mét khối/giây.
Theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã lệnh Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình mở 2 cửa xả đáy ở hồ thủy điện Hòa Bình.
Cụ thể, 18 giờ chiều 18/7, hồ thủy điện Hòa Bình mở cửa xả thứ nhất và cho đến 6 giờ sáng nay (19/7) đã mở thêm cửa xả đáy thứ hai.
Hiện nay, hồ Hòa Bình hiện đang mở 2 cửa xả lũ và phát điện tối đa 6/6 tổ máy với tổng lưu lượng xả lớn nhất khoảng 5.600m3/s. Tùy theo diễn biến của mưa lũ thượng nguồn, có thể tiếp tục mở thêm các cửa xả đáy.
Ngay trong trưa 18/7, lệnh mở cửa xả lũ ở Thủy điện Hòa Bình đã được thông báo đến Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương gồm: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương và Hải Phòng, để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình vùng hạ du.
Cũng liên quan đến việc xả lũ, hiện nay, xuất hiện tình trạng một số người dân hiếu kỳ tiến hành chụp ảnh và tổ chức một số hoạt động ở khu vực gần chân đập tràn và ven sông hạ lưu đập Hòa Bình.
Để đảm bảo an toàn cho người, tài sản và tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai vừa có đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình tăng cường tuyên truyền, phổ biến và bố trí lực lượng hướng dẫn, cảnh báo người dân không tiến hành các hoạt động tại những khu vực nguy hiểm ở chân đập tràn và hạ lưu đập; kiên quyết ngăn chặn những trường hợp cố ý có thể gây mất an toàn và trật tự nơi công cộng.
Đảm bảo an toàn cho người dân Thủ đô khi xả lũ
Chiều 18/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra công tác bảo vệ các trọng điểm, xung yếu đê điều trên địa bàn thành phố.
Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm cho biết, cửa Đuống (ngã ba sông Hồng - sông Đuống, thuộc địa bàn xã Xuân Canh) dài gần 2km là một trong những trọng điểm đê điều của huyện. Để bảo đảm an toàn khi các hồ thượng nguồn hệ thống sông Hồng xả lũ, huyện đã ban hành văn bản và thành lập các đoàn kiểm tra hiện trường, tuyên truyền cho nhân dân 8 xã ven đê sẵn sàng phương án di dời người và tài sản khi mực nước lên cao, đê sông xảy ra sự cố…
Trong khi đó, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, tại cầu Đuống, đoạn phường Giang Biên (quận Long Biên) và thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm), do lòng dẫn thu hẹp bởi các mố cầu nên khi mực nước dâng cao tạo dòng chảy xiết, thúc vào bờ tả có thể gây ra sự cố đê điều và nguy hiểm cho các tàu thuyền lưu thông…
Trước diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường, hơn nữa do đê khô, nhiều năm chưa được thử thách với lũ lớn…, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện liên quan phải tăng cường tuyên truyền thông tin về việc mở cửa xả đáy của các hồ chứa; thông báo cho nhân dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng, tránh; tăng cường kiểm tra, kiên quyết sơ tán nhân dân ở những khu vực có nguy cơ bị sạt lở, khu vực bãi nổi giữa sông đến nơi an toàn;
Bí thư cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc phương án “4 tại chỗ” để xử lý kịp thời các sự cố đê điều, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão, nhất là khi hồ chứa thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là…
Lịch sử các đợt xả lũ hồ Hòa Bình: - Năm 2012 xả 01 đợt kéo dài từ ngày 29/7 đến ngày 19/8/2017, trong đó các ngày 31/7 và 01/8 đã vận hành 03 cửa xả với tổng lưu lượng về hạ du lớn nhất (bao gồm cả phát điện) là 7.243m3/s. - Năm 2013 xả 5 đợt, cụ thể: Đợt 1: từ ngày 31/7 đến 06/8, trong đó các ngày 03/8 và 04/8 vận hành lớn nhất 02 cửa xả đáy với tổng lưu lượng về hạ du lớn nhất (bao gồm cả phát điện) là 5.600 m3/s. Đợt 2: từ ngày 10/9 đến 15/8 vận hành 01 cửa xả với tổng lưu lượng về hạ du lớn nhất (bao gồm cả phát điện) là 3.980 m3/s. Đợt 3: từ ngày 05/9 đến 06/9 vận hành 02 cửa xả với tổng lưu lượng về hạ du lớn nhất (bao gồm cả phát điện) là 5.690 m3/s. Đợt 4: từ ngày 12/9 đến 14/9 vận hành 01 cửa xả với tổng lưu lượng về hạ du lớn nhất (bao gồm cả phát điện) là 3.980 m3/s. Đợt 5: từ ngày 20/9 đến 21/9 vận hành 01 cửa xả với tổng lưu lượng về hạ du lớn nhất (bao gồm cả phát điện) là 3.980 m3/s. - Năm 2014 xả 1 đợt từ ngày 13-14/8/2014 vận hành 01 cửa xả với tổng lưu lượng xả về hạ du lớn nhất (bao gồm cả phát điện) là 3.980 m3/s. - Năm 2011, 2015, 2016: Hồ Hòa Bình không vận hành xả lũ đợt nào. |
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc