Xử lý hẹp bao quy đầu cho trẻ không phụ thuộc vào tuổi

06:41, 19/07/2017
|

(VnMedia) - Việc chỉ định làm các thủ thuật hoặc phẫu thuật với bao quy đầu của trẻ nam không phụ thuộc vào độ tuổi mà phụ thuộc vào mức độ hẹp của bao quy đầu cũng như hậu quả biến chứng của việc hẹp gây ra.

Bao quy đầu
Việc thực hiện các thủ thuật hoặc phẫu thuật đối với hiện tượng hẹp bao quy đầu không phụ thuộc vào độ tuổi

Đây là lời khuyên của bác sĩ Lê Anh Dũng, trưởng khoa tiết niệu, bệnh viện Nhi Trung ương đối với các bệnh nhi bị hẹp bao quy đầu.

Nhứng ngày gần đây, vụ việc hàng chục bé trai ở Hải Dương đã bị lây nhiễm bệnh Sùi mào gà -  một loại bệnh nguy hiểm do virus HPV gây ra đã khiến nhiều phụ huynh hết sức lo lắng. Điều đáng nó, trong số trẻ bị nhiễm bệnh có cả những bé mới vài tháng tuổi. Ngoài việc chọn các cơ sở y tế đảm bảo để đưa con đi điều trị thì thời điểm đưa trẻ đi làm thủ thuật hoặc phẫu thuật bao quy đầu cũng là một vấn đề mà các bậc phụ huynh quan tâm.

VnMedia đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Lê Anh Dũng, Trưởng khoa tiết niệu bệnh viện Nhi Trung ương về vấn đề này.

- Thưa bác sĩ, thời điểm nào là thời điểm thích hợp để đưa trẻ đi làm các thủ thuật liên quan đến bao quy đầu?

Hẹp bao quy đầu là hiện tượng sinh lý sau khi sinh chứ không phải là bệnh lý. Việc can thiệp vào thời điểm nào không phụ thuộc vào độ tuổi mà tùy vào mức độ hẹp của bao quy đầu cũng như hậu quả biến chứng của việc hẹp bao quy đầu gây ra.

Với những trẻ mới đẻ mà bao quy đầu đã đủ rộng, tự lộn được (dù số này không nhiều) thì sẽ không phải làm gì.

Còn nếu bao quy đầu hẹp quá khiến cho việc đi tiểu khó khăn, bao quy đầu bị phồng, hoặc khi đi tiểu trẻ phải rặn hay có hiện tượng nhiễm khuẩn tiết niệu do ứ đọng nước tiểu ở bao quy đầu thì mới phải can thiệp sớm, tức là có thể khi trẻ mới được vài tuần hoặc vài tháng

Bác sĩ Lê Anh Dũng
Bác sĩ Lê Anh Dũng trong buổi trả lời phỏng vấn VnMedia

- Đối với hiện tượng hẹp bao quy đầu, mức độ can thiệp phụ thuộc vào điều gì, thưa bác sĩ?

Việc can thiệp bằng phương pháp nào cũng phụ thuộc vào mức độ hẹp của bao quy đầu. Nếu hẹp nhẹ thì chỉ cần hướng dẫn cho gia đình trẻ nam tự làm thủ thuật, tức là khi vệ sinh hoặc tắm cho trẻ thì kéo dần da của bao quy đầu ngược về phía bụng thì vòng da hẹp sẽ giãn dần ra. Thời gian thực hiện phương pháp này sẽ kéo dài cho khi nào nhìn thấy toàn bộ lỗ tiểu lộ ra.

Nếu làm giãn ngay một lúc thì thường trẻ sợ và đau, hoặc có thể làm xước bề mặt niêm mạc bao quy đầu, như vậy, những lần sau gia đình làm thì trẻ sẽ không hợp tác, gây khó khăn. Tốt nhất, gia đình nên làm từ từ, bao giờ được thì thôi. Nếu quá khó khan và không có kết quả thì mới phải tìm phương pháp khác. Nhưng theo tôi quan sát thì đa phần các bé sử dụng phương pháp này đều có kết quả.

Về phương pháp can thiệp, nếu gia đình không tự làm được như hướng dẫn ở trên thì các bác sĩ sẽ phải nong rộng vòng bao quy đầu Việc nong này chỉ định cho các trường hợp phần da bao quy đầu vẫn còn mềm mại, chưa bị chai, không quá dài. Các trường hợp này đa phần là nong có kết quả. Hoặc với một số trường hợp đặc biệt, gia đình ở xa và có khó khăn trong việc giúp trẻ tự nong thì bác sĩ có thể làm thủ thuật nong lần đầu, sau đó sẽ hướng dẫn gia đình về nong tiếp.

Còn nếu nong mà vẫn thất bại, lúc đó sẽ có chỉ định phẫu thuật. Đối cho các trường hợp bị chít hẹp dẫn đến sơ chai, không giãn ra được; hoặc không sơ chai nhưng bao quy đầu quá dài, thừa nhiều quá, lộn khó khăn, nong thường không có kết quả thì sẽ chỉ định phẫu thuật tuyệt đối.

Còn chỉ định phẫu thuật tương đối sẽ dành cho các trường hợp nong rồi nhưng bao quy đầu vẫn còn quá dài, gia đình muốn cắt bớt để vệ sinh cho dễ dàng.

- Theo quy định thì người trình độ như thế nào sẽ được phép thực hiện các phẫu thuật, thưa bác sĩ?

Đương nhiên người chỉ định làm thủ thuật hay phẫu thuật phải là các bác sĩ. Và người thực hiện các thủ thuật hay phẫu thuật đó cũng phải là các bác sĩ.

- Điều kiện vệ sinh khi làm các thủ thuật hay phẫu thuật là như thế nào?

Đối với thủ thuật thì điều kiện vô trùng chỉ là tương đối, ví dụ như sát trùng bằng dung dịch sát khuẩn, thuốc tê, nước muối sinh lý... vì không phải cắt, khâu, Còn nếu phẫu thuật thì chắc chắn phải thực hiện ở phòng mổ, có gây mê toàn thân và thực hiện như mọi phẫu thuật thông thường.  

- Quá trình điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ đã bao giờ gặp trường hợp trẻ bị Sùi mào gà chưa?

Tôi đã công tác ở viện Nhi 19 năm nhưng chưa bao giờ gặp trường hợp bệnh nhi nào mắc Sùi mào gà. Tuy nhiên, có thể nếu có thì gia đình sẽ đưa các cháu đến viện Da liễu vì ở đó chuyên hơn, còn ở đây thì không có.

- Vâng. Cảm ơn bác sĩ về những tư vấn hữu ích này.

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc