Đồng Kỵ muốn thành "làng nghề khởi nghiệp" đầu tiên trên cả nước

06:30, 24/07/2017
|

(VnMedia) - Bắc Ninh đã từng là vùng đất khởi nghiệp nổi tiếng với sự phát triển của làng nghề truyền thống từ những năm đầu đổi mới. Và bây giờ, làng nghề Đồng Kỵ - làng nghề nổi tiếng với nghề gỗ truyền thống, đang được xây dựng thành “làng nghề khởi nghiệp” đầu tiên trên cả nước.

Làng nghề Đồng Kỵ
Sản xuất đồ gỗ tại Đồng Kỵ - ảnh: Xuân Hưng

Làng gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ đã tồn tại từ rất lâu và là cái nôi của nghề mộc Việt Nam. Đồng Kỵ đã trở thành thương hiệu đồ gỗ nổi tiếng trên cả nước và ra cả nước ngoài.

Làng nghề Đồng Kỵ nằm trong tỉnh Bắc Ninh, nơi có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp nổi tiêng như: Doanh nhân Nguyễn Thị Hưởng (sinh năm 1985), Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất đầu tư thương mại quốc tế Minh Phú - Top 10 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc Việt Nam 2017; Doanh nhân Nguyễn Hữu Thành - Công ty TNHH Thương mại An Huy Vina theo mô hình chuỗi trang trại nông nghiệp sạch chuyên cung ứng suất ăn công nghiệp ở địa phương từ nguồn thực phẩm từ trang trại của mình; Doan nhân Nguyễn Thị Trâm, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong, người đầu tiên đưa cây măng tây xanh VietGAP về Lương Tài; Ông Lý Hoàng Phong - Giám đốc Công ty Sunwon khởi nghiệp với máy bán hàng tự động và kinh doanh siêu thị mini…

Tuy nhiên, Đồng Kỵ với trên 2.000 hộ sản xuất/chế biến chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún, phụ thuộc rất lớn và thị trường Trung Quốc. Năng lực cạnh tranh sản phẩm đồ gỗ Đồng Kỵ thấp, sản phẩm đồ gỗ Đồng Kỵ phải cạnh tranh gay gắt với các làng nghề gỗ khác.

Bên cạnh đó, mối lo ngại nghề truyền thống mai một, việc giữ được làng nghề hơn lúc nào hết càng trở nên cấp bách.

Đáng quan ngại hơn, theo Chủ tịch Hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ - ông Vũ Quốc Vương, các hộ sản xuất gỗ tại Đồng Kỵ đều có một mô hình chung là nhà ở cũng là nơi sản xuất. Đây chính là lý do gây ô nhiễm môi trường chung cho khu vực vì không có khu xử lý nước thải tập trung, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính các gia đình làm nghề.

Vũ Quốc Vương - Chủ tịch Hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ
Ông Vũ Quốc Vương - Chủ tịch Hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ - ảnh: Xuân Hưng

Đứng trước thực tế đó, Hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, đại diện là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển gỗ Đồng Kỵ đã thực hiện xây dựng đề án “Làng nghề khởi nghiệp Đồng Kỵ”, với quy mô 50 ha tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Đề án xây dựng với kỳ vọng phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn phường nhằm chuyển dần cơ cấu kinh tế của địa phương, đưa tiểu thủ công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, tận dụng tài nguyên lao động trong nhân dân và cải thiện điều kiện kinh tế của người dân trong vùng.

Đề án cũng đặt mục tiêu giúp các hộ gia đình và thanh niên khởi nghiệp với nghề truyền thống; giúp phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu lao động ở nông thôn, mà còn góp phần gìn giữ những nét văn hóa của làng nghề Đồng Kỵ đồng thời giúp thanh niên làng nghề khởi nghiệp với nghề truyền thống là một hướng đi cần thiết để vực dậy sự hưng thịnh của các làng nghề.

Ngoài yếu tố bảo tồn nghề truyền thống, đề án còn mong muốn làm tăng nguồn thu cho doanh nghiệp cũng như địa phương khi tăng sản lượng và mở rộng thị trường đến các nước phát triển như Châu Âu, Nhật Bản

Đề án Làng nghề khởi nghiệp là đề án đầu tiên góp phần thúc đẩy sản xuất của các cơ sở kinh doanh gỗ nhỏ lẻ trên địa bàn phường Đồng Kỵ quy tụ thành khu tập trung; góp phần giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cùng với định hướng phát triển tại các thị trường xuất khẩu khác như khu vực Đông Nam Á…, cũng như cải tiến mẫu mã để hướng tới các thị trường xuất khẩu khác ổn định và giữ vững thị phần trong nước.

Tạo mặt bằng sản xuất cho các hộ gia đình trong làng nghề với diện tích hiện có tận dụng từ nhà ở kết hợp với làm xưởng sản xuất có diện tích từ 100-150m2 sang diện tích quy mô lớn hơn, góp phần tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi có đủ diện tích để đầu tư máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất.

Ngoài đem lại cho doanh nghiệp và địa phương về mặt kinh tế, Đề án còn giải quyết vấn đề môi trường, như việc các xưởng sản xuất hiện tại sản xuất ngay tại nhà ở, bụi gỗ làm ảnh hưởng đến đời sống của chính những người sản xuất lẫn những người xung quanh.

Một vấn đề cũng rất đáng lưu ý, theo Chủ tịch Hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, đó là Việt Nam sắp hoàn tất ký kết hiệp định FLEGT, yêu cầu xuất xứ nguồn gốc gỗ. Khi thành lập “làng nghề khởi nghiệp”, sản xuất tập trung, Hội sẽ có trách nhiệm về đảm bảo nguồn gốc xuất xứ gỗ đầu vào rõ ràng.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc