Dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp

11:13, 20/07/2017
|

Chiều ngày 19/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về công tác phòng chống và điều trị bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay số ca bệnh SXH tại TP.HCM đang tăng cao và dự báo, dịch bệnh năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp.

Số ca bệnh SXH tại TPHCM chiếm 1/5 của cả nước

Trước buổi làm việc, đoàn công tác Bộ Y tế đã giám sát tại một số địa bàn, bệnh viện tại TP.HCM. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, so với cùng kỳ năm 2016, số ca SXH tại bệnh viện bị bệnh nặng nhiều hơn, đặc biệt, bệnh bắt đầu tăng nhanh vào khoảng tháng 5, mỗi tuần tăng từ 100 - 150 ca.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, bệnh viện đã tiếp nhận 4.328 ca SXH đến khám và điều trị, trong đó có 4 trường hợp đã tử vong.

Tại các bệnh viện nhi của TP.HCM, số ca phải nhập viện do SXH đang tăng cao, trong đó có nhiều ca bệnh nặng.

Aaa
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM

Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 Trịnh Hữu Tùng cho biết, tính riêng trong tháng 6, số ca SXH điều trị ngoại trú tại bệnh viện là 479 trường hợp, tăng 64,3% so với cùng kỳ năm 2016 và số ca điều trị nội trú là 273 ca, tăng 116% so với cùng kỳ năm 2016.

Từ đầu tháng 7 đến nay, số ca SXH điều trị nội trú và ngoại trú tại bệnh viện tiếp tục tăng, lúc nào cũng có 50 - 70 bệnh nhi nằm điều trị do bệnh SXH.

Theo Sở Y tế TP.HCM, số ca mắc SXH trên địa bàn Thành phố từ đầu năm 2017 đến nay là hơn 10.150 ca, tăng 18% so với cùng kỳ 2016, trong đó có 3 ca tử vong, tăng 2 ca so với cùng kỳ năm 2016.

Các quận, huyện có số ca mắc tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2016 là quận 12, Bình Tân, huyện Hóc Môn, huyện Cần Giờ.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết thêm, quận Bình Tân là địa phương có số ca mắc và tỷ lệ mắc cao nhất; còn các quận, huyện có số ca bệnh tăng nhanh từ giữa tháng 6 là quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình và huyện Hóc Môn.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, TP.HCM có số ca SXH cao nhất cả nước, chiếm 1/5 số ca bệnh của cả nước và có tỷ lệ người mắc SXH/100.000 dân đứng thứ 4 cả nước.

Huy động người dân tham gia phòng, chống dịch bệnh

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho rằng, để ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm, ngành y tế Thành phố triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó Thành phố thực hiện mở rộng ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để xác định vị trí ca bệnh và thời gian xuất hiện ca bệnh; xây dựng công cụ kết nối phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm với phần mềm GIS để từ đó giám sát, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm từ bệnh viện đến cộng đồng.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó có bệnh SXH tại TP.HCM. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý, dịch bệnh SXH năm nay có diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm đã tăng. Thêm vào đó, mùa mưa đến sớm và mùa hè có thể kéo dài hơn các năm và có nhiều yếu tố phức tạp hơn những năm trước. Để làm tốt công tác phòng, chống SXH, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị TP.HCM phải triển khai quyết liệt các biện pháp diệt muỗi và lăng quăng, trong đó tiếp tục tổ chức các chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy hàng tuần với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. TP.HCM cũng cần lập lại hệ thống cộng tác viên phòng, chống dịch bệnh; đồng thời trang bị các thiết bị phòng, chống dịch cho các quận, huyện.

Một trong những biện pháp quan trọng được Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị TP.HCM là thực hiện tốt công tác phân tuyến điều trị bệnh SXH cho các bệnh viện, cũng như quyết liệt hơn việc xử phạt các trường hợp cố tình không thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

(theo thanhuytphcm)


Ý kiến bạn đọc