Sự cố chạy thận: Người sống sót khóc nhớ người đã khuất

14:50, 08/06/2017
|

(VnMedia) - Người chạy thận 2,3 năm, có người đã chạy thận tới 7 năm. Họ cùng nhau vượt qua khó khăn, chia sẻ tình cảm như những người thân trong cùng một gia đình. Bây giờ, người còn người mất. “Cháu đau lắm, cháu nhớ họ lắm” - một cô gái trẻ, bệnh nhân vừa may mắn thoát khỏi lưỡi hái của tử thần vừa khóc vừa nói.

10 giờ sáng nay (8/6), Bệnh viện (BV) Bạch Mai tổ chức lễ ra viện cho 10 bệnh nhân đã bình phục sức khỏe sau sự cố y khoa lọc máu chu kỳ tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.

chạy thận 4
Các giáo sư, bác sĩ chụp ảnh lưu niệm cùng các bệnh nhân trong ngày ra viện

TS Dương Đức Hùng, Trưởng Khoa Kế hoạch Tổng hợp (BV Bạch Mai) chia sẻ, sau thời gian tiếp nhận, cấp cứu và điều trị cho 10 bệnh nhân, đến nay Hội đồng chuyên môn đánh giá tình trạng bệnh nhân ổn định như trước khi có biến cố và đủ điều kiện xuất viện.

Nụ cười hạnh phúc và ánh  nhìn biết ơn của bệnh nhân ngày xuất viện
Nụ cười hạnh phúc và ánh nhìn biết ơn của bệnh nhân ngày xuất viện

Chia sẻ thêm về những nỗ lực của các bác sĩ tại BV, TS Hùng cho biết, lúc cao điểm nhất, có tới 6 kíp cấp cứu các chuyên khoa lên Hòa Bình để cùng các đồng nghiệp cứu chữa cho một bệnh nhân nặng nằm lại Hoà Bình. Tất cả các các phương tiện nặng như máy siêu lọc, máy mô, máy lọc thận được điều lên với các kíp chuyên gia để vận hành máy đó. Các thuốc men cần thiết duy trì cho chạy thận đều được tăng cường.

“Có những giai đoạn chúng tôi hy vọng là tình trạng bệnh nhân cải thiện, hy vọng có phép màu với bệnh nhân. Tuy nhiên, đây là bệnh nhân chạy thận chu kỳ lâu, chức năng thận mất hoàn toàn, thể trạng không khỏe, đã gặp biến cố nặng nhiều lần ngừng tim, suy tới 6 tạng và theo thang điểm đánh giá 6 chức năng sống còn thì tỷ lệ mất bệnh nhân cao. Mặc dù không cứu được bệnh nhân nhưng đó cũng là kỳ tích của y học Việt Nam khi kéo dài được sự sống của bệnh nhân thêm 6-7 ngày” - TS Hùng cho hay.

Tới đây, Khoa Thận Nhân tạo (BV Bạch Mai) sẽ cùng với Khoa thận tại BV đa khoa Hòa Bình tái thiết lại việc chạy thận ở đây, để làm tốt nhiệm vụ tiếp đón các bệnh nhân và điều trị cho bệnh nhân.

Tại buổi xuất viện cho 10 bệnh nhân, Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê bày tỏ “Trong cuộc đời công tác của mình, quyết định tối hôm 29/4 với bốn quyết định cùng các thầy ở BV Bạch Mai cực kỳ khó khăn trong đời công tác của tôi. Đầu tiên là quyết định dừng toàn bộ quá trình chạy máu lọc thận; sàng lọc 12 bệnh nhân còn sống và quyết định chuyển 10 bệnh nhân về Bạch Mai; điều chuyển hơn 100 bệnh nhân phải chuyển xuống Hà Nội để tiếp tục lọc thận theo đúng chu kỳ và cuối cùng là quyết định đề nghị BV đa khoa Hòa Bình trấn an tâm lý cho 1.000 bệnh nhân đang nằm viện điều trị tại đây”.

chạy thận 3
Các bác sĩ, nhân viên y tế tiễn bệnh nhân ra tận xe ô tô về Hòa Bình

Người may mắn sống sót khóc nhớ người đã khuất

Trong niềm vui của ngày được ra viện, các bệnh nhân đều xúc động nói lời cảm ơn với các giáo sư, bác sĩ, các nhân viên y tế đã hết lòng chăm sóc, tận tình cứu chữa để họ qua được cơn hiểm nghèo. Nụ cười hạnh phúc đan xen với nước mắt xót thương, nhung nhớ người đã mất.

Khi chia sẻ với phóng viên VnMedia, các bệnh nhân cho biết, đến giờ họ vẫn bàng hoàng về sự cố.

chạy thận 2
Sau phút mừng vui vì sự tính mạng của bản thân đã được an toàn, Linh bât khóc khi  nói về những người bệnh cùng phòng đã không may mắn như cô: "Cháu nhớ họ lắm!"

Bệnh nhân T. (33 tuổi) chia sẻ, giờ này nghĩ lại vẫn thấy bàng hoàng, ám ảnh trước cảnh những bệnh nhân cùng phòng trong cơn sốc tập thể hôm 30/5. "Lúc đó cũng có lo lắng cho bản thân, nhưng nhìn những người khác bị co giật rồi ra đi trước mắt mình, cho đến giờ, tôi vẫn cảm thấy rất ám ảnh. Họ đều là những người đã trở nên thân thiết với tôi như những người trong cùng một gia đình. Bây giờ, mình may mắn sống sót, tai qua nạn khỏi, nhưng 8 người khác đã không còn. Đau xót lắm!" - anh T. nói.

Trong khi đó, cô gái tên Lê Thị Thùy Linh vừa phút trước tươi cười ôm bó hoa cảm ơn các bác sỹ bệnh viện Bạch Mai đã ngày đêm chăm sóc, điều trị cho mình để đến hôm nay được an toàn ra viện, thì phút sau đã nức nở, nghẹn ngào khi nhớ về những người bạn, người cô, người bác đã ra đi trong sự cố thảm khốc đó.

Linh kể "Cháu chạy thận đã 7 năm, từ lúc mới 16 tuổi. Suốt những năm qua, những người cùng phòng, cùng chạy thận với cháu đã trở thành những người thân của nhau. Hôm đó, khi chạy thận thì cháu ngủ nên không biết gì. Đến lúc các y tá gọi cháu dậy để kết thúc chu trình lọc thì cháu mới biết.

Rồi cô gái trẻ bật khóc nức nở: "Cháu nhớ họ lắm. Cháu không chỉ buồn mà đau lắm".

Linh cũng chia sẻ, cô rất thương các y tá, bác sĩ. "7 năm qua, họ đã chăm sóc cháu như người thân trong gia đình. Bây giờ xảy ra sự cố như thế này, cháu thấy rất thương họ. Cháu không biết nguyên nhân của sự cố này là gì, nhưng cháu nghĩ, đó đều là những người tốt, những người có lương tâm" - Linh nói.

Cũng như bệnh nhân Linh, nhiều bệnh nhân khác đều khẳng định, họ rất tin tưởng vào trình độ chuyên môn cũng như thái độ phục vụ của các y, bác sĩ của bệnh viện đa khoa Hoà Bình. Tuy nhiên, nếu sự cố xảy ra là do sự tắc trách, thậm chí là sự tham lam của ai đó thì "cần phải nghiêm trị đúng theo quy định của pháp luật".

GS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế):

 “Bản thân tôi đã tìm hiểu kỹ, nghiên cứu, đánh giá và tham khảo các nhà khoa học, sau đó đã loại trừ đã một số nguyên nhân và cũng nghĩ nhiều đến nguyên nhân hệ thống nước lọc nước tại bệnh viện đa khoa Hòa Bình chưa đảm bảo.

Theo báo cáo của bệnh viện đa khoa Hòa Bình và qua việc kiểm tra tại bệnh viện này thì thấy Công ty Thiên Sơn những năm trước đã thực hiện bảo hành, sửa chữa hệ thống lọc nước, nhưng từ năm nay lại phối hợp với đơn vị khác thực hiện việc bảo dưỡng, sữa chữa hệ thống lọc nước.

Để phục vụ công tác điều tra, ngay sau khi xảy ra sự cố tại bệnh viện đa khoa Hòa Bình, tôi đã chỉ đạo tạm dừng ngay hoạt động của khoa Thận nhân tạo của bệnh viện này để phục vụ điều tra”.

Hoàng Hải


Ý kiến bạn đọc