(VnMedia) - Dự án Luật Cảnh vệ vừa được Quốc hội thông qua chiều nay, 20/6, với một nội dung quan trọng là cán bộ cảnh vệ phải tuyệt đối giữ bí mật công tác; nghiêm cấm việc làm lộ thông tin, bí mật liên quan đến đối tượng cảnh vệ.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt cho biết, ngày 6/6/2017, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cảnh vệ.
Ngay sau phiên thảo luận tại Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Nhất trí cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cảnh vệ với 455/462 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,67% trong tổng số đại biểu Quốc hội.
Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt nhắc lại ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng cảnh vệ là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao vì cho rằng, Chánh án là người đứng đầu cơ quan tư pháp, được Quốc hội bầu, đồng thời bảo đảm tương xứng với vị trí quan trọng của cơ quan lập pháp và hành pháp; Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng cảnh vệ là một số lãnh đạo chủ chốt cấp bộ, ngành, cấp tỉnh được áp dụng biện pháp cảnh vệ.
Tuy nhiên, theo ông Võ Trọng Việt, việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ cần xem xét trên các nội dung, tiêu chí cụ thể, đó phải là người có vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến an ninh chính trị, lợi ích quốc gia, dân tộc, cần có chế độ bảo vệ đặc biệt.
Ngoài ra, cần phân biệt rõ giữa “hoạt động cảnh vệ” với “hoạt động bảo vệ” để phát huy hiệu quả và phù hợp với tính chất hoạt động của từng lĩnh vực công tác, tránh chồng chéo, tăng biên chế, tổ chức. Hơn nữa, nếu bổ sung các chức danh cần có chế độ bảo vệ đặc biệt này thì cũng cần bổ sung các chức vụ khác tương đương…
Trong trường hợp thật sự cần thiết, Chính phủ sẽ trình UB Thường vụ Quốc hội bổ sung đối tượng cảnh vệ (theo quy định tại khoản 5 Điều 10).
Do đó, 18 nhóm các chức danh được áp dụng chế độ cảnh vệ được giữ nguyên như dự thảo Luật.
Với bố cục gồm 6 chương, 33 điều, Luật Cảnh vệ quy định về đối tượng cảnh vệ, nguyên tắc, công tác cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng Cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; chế độ, chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác cảnh vệ. Đối tượng áp dụng của Luật là đối tượng cảnh vệ, lực lượng Cảnh vệ, cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên quan đến hoạt động cảnh vệ.
Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có quy định nghiêm cấm sử dụng vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc sinh học, chất độc hóa học và chất phóng xạ, công cụ hỗ trợ hoặc yếu tố khác gây nguy hiểm, đe dọa xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ; chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng Cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ; tụ tập đông người trái pháp luật gây mất an ninh, trật tự tại khu vực, mục tiêu cảnh vệ; làm lộ thông tin bí mật liên quan đến đối tượng cảnh vệ, công tác cảnh vệ; làm giả, mua bán, sử dụng trái phép các loại giấy tờ, tài liệu liên quan đến công tác cảnh vệ; lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ hoặc lợi dụng việc tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phân biệt đối xử về giới trong công tác cảnh vệ…
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc