(VnMedia) - “Trừ khi các dự án đầu tư phát triển không làm cách gì tránh được thì phải di dời, chứ còn giờ giữ được một cái cây là quý lắm, cả trăm năm mới được như thế…” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói.
Sáng 5/6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, việc di dời 1.300 cây xanh, Thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến.
“Đường đấy không chỉ là đường bộ phía dưới mà còn có đường trên cao như đường vành đai 3 - nối đến tận cầu Thăng Long. Về ý kiến giữ lại hàng cây đó, ai cũng muốn giữ, nhưng chạy đường trên cao thì không giữ nổi. Thành phố sẽ bàn với Bộ Giao thông về vấn đề này. Tôi đã chỉ đạo, sau khi lấy kiến nhân dân thì phải có trả lời rõ ràng.
Thực tế, các dự án đầu tư xây dựng khi làm phương án giải phóng mặt bằng đều lấy ý kiến người dân hết. Bây giờ chặt cây đi ai cũng tiếc, vì mình đang trồng chả được. Nhưng trong quá trình phát triển, chỗ nào cần di dời cây thì bắt buộc phải làm thôi, chẳng lẽ dừng lại không làm gì? Trong phương án quy hoạch đầu tư xây dựng cũng tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước. Hôm trước cũng có ông nào đề xuất lấp hồ nước đi đấy, đào lên không được lại lấp đi, đề xuất thì cứ đề xuất thôi chứ ai đồng ý.
Về chi phí thì Nhà nước hay doanh nghiệp, đâu cũng là chi phí. Khi di dời thì sẽ phân loại cây ra, cây nào di dời, bảo tồn được, cây nào không thể làm hoặc làm không có hiệu quả vì cây rất khác nhau. Còn những cây to như vậy, mình cắt mình cũng tiếc chứ.
- Khi làm đường sắt Hà Đông - Cát Linh thì có những cây có thể giữ được nhưng làm hơi quá, cắt luôn một vệt. Lần này thì như thế nào, thưa ông?
Phương án theo thiết kế đường trên cao và đường thấp thì phải phối hợp với nhau, xem tính toán đã tối ưu nhất chưa. Các nhà kỹ thuật và các nhà quản lý phải ngồi với nhau để xem xét. Việc cũng phải quản lý chặt, người dân cũng giám sát chặt.
- Được biết hiện nay Sở Xây dựng đang lấy ý kiến thay thế dần 4.000 cây xà cừ mà đây đều là các cây to, xin Bí thư cho biết ý kiến về vấn đề này?
Hiện họ đang lấy ý kiến thì cứ để họ lấy ý kiến, còn làm cái đó đâu có thể thay đơn giản được. Ở đây, họ đang tổ chức hội thảo để lấy ý kiến xem cây xà cừ có phù hợp với cây đô thị không để sau này trồng mới sẽ không trồng cây này nữa. Cây trồng rồi, to đùng thì cứ để đấy, cần gì phải thay. Còn trừ khi các dự án đầu tư phát triển không làm cách gì tránh được thì phải di dời, chứ còn giờ giữ được một cái cây là quý lắm, cả trăm năm mới được như thế.
- Cá nhân ông và Thành ủy có nhận được ý kiến gì về việc nên dừng di chuyển hơn 1.000 cây xanh ở đường Phạm Văn Đồng chưa?
Chưa, đó mới chỉ là ý kiến trên báo chí thôi. Chẳng có ý kiến gì bảo dừng cả, người dân cũng yêu cầu làm cái gì phải hợp lý, đúng, thực sự cần cần thiết thì người ta đồng ý, nhưng anh phải chứng minh là làm được, tránh lạm dụng.
- Bao giờ mình xin ý kiến xong và triển khai di chuyển cây xanh, thưa Bí thư?
Tiến độ cụ thể thì bây giờ thành đường gom rồi, thì cái chính anh phải làm theo trình tự.
- Như vậy là bắt buộc phải chặt hạ cây xanh?
Theo như phương án thiết kế của họ là như vậy, còn bây giờ mình làm phải thì phải lấy ý kiến tìm xem có cách nào, phương án gì khác không.
- Nếu người dân phản đối việc chặt hạ cây xanh thì sao?
Nếu mình chứng minh được việc ấy là cần thiết, bắt buộc phải làm thì phải di dời, bảo tồn tối đa, còn không thì thôi.
- Xin cảm ơn Bí thư về cuộc trao đổi
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc