(VnMedia) - Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Công an tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện trước hàng loạt vụ việc hành hung bác sĩ, bệnh nhân liên tiếp xảy ra…
Hàng loạt vụ tấn công bác sĩ, bệnh nhân
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc người nhà người bệnh và đối tượng bên ngoài hành hung, truy sát, gây rối, uy hiếp người bệnh và nhân viên y tế tại các bệnh viện.
Trước thực trạng đó, ngày 7/4/2017 Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an (Tổng Cục Cảnh sát làm đầu mối), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế. Hội nghị đã tập trung đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, đề ra các nhóm giải pháp tiếp tục tăng cường phối hợp, bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện.
Tuy nhiên, ngay sau hội nghị trên, tại các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục xảy ra khá nhiều các vụ việc người nhà người bệnh, đối tượng bên ngoài hành hung nhân viên y tế, người bệnh, làm mất trật tự, an ninh, an toàn bệnh viện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh, đe dọa tinh thần, tính mạng của nhân viên y tế và người bệnh.
Điển hình một số vụ việc như:
Tối ngày 8/4/2017, tại Bệnh viện đa khoa Cái Nước, Cà Mau một nhóm thanh niên đã mang theo dao, mã tấu, ống sắt,… đánh người bệnh là anh Nguyễn Hoàng Linh gây thương tích ở đầu và đánh nhân viên bảo vệ bệnh viện là anh Đỗ Hoàng Dũng gây chấn thương ở má trái.
Đêm ngày 16/4/2017 tại Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất, Hà Nội anh Cấn Ngọc Giang là bố của người bệnh Cấn Ngọc Thanh đã dùng cốc ném vào đầu bác sĩ Lê Quang Dương khiến bác sĩ Dương ngất tại chỗ, đầu có 2 vết thương, phải khâu 7 mũi và theo dõi chấn thương sọ não.
Tối 29/4/2017 tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, trong khi đang chuẩn bị vận chuyển người bệnh đi chiếu chụp phim, sinh viên y khoa Phạm Lê Tùng đã bị người thân của người bệnh Bùi Thế Sơn chửi, dọa dẫm và tát liên tiếp.
Rạng sáng ngày 7/5/2017 tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, 3 thanh niên mang hung khí vào bệnh viện khống chế bảo vệ và nhân viên y tế và xông vào khoa cấp cứu đâm chém người bệnh là anh Đinh Giang Nam đang trong lúc được bác sĩ cấp cứu, xử trí vết thương trước đó cho người bệnh và gây nhiều thương tích trong đó có vết thương ở cổ chém đứt khí quản. (Gửi kèm theo chi tiết báo cáo của 4 vụ việc trên).
Để đảm bảo an toàn cho các bác sĩ và bệnh nhân, các bệnh viện đã phải thực hiện nhiều biện pháp, trong đó bệnh viện Việt Đức bố trí riêng phòng cấp cứu ban đêm 7 bảo vệ, với 7 dùi cui. Toàn bệnh viện có 15 dùi cui điện, 2 súng bắn đạn cay, 30 gậy cao su. Ngoài ra, còn lắp đặt chuông báo động tại quầy bàn đón tiếp bệnh nhân cấp cứu...
Tuy nhiên, không phải bệnh viện cũng có điều kiện để trang bị như bệnh viện Việt Đức.
Đề nghị Bộ Công an chỉ đạo xác minh, truy tố hình sự
Để tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị công an địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.
Cụ thể, điều tra xác minh làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong bệnh viện đối với các vụ việc nêu trên, truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có phạm tội), xử lý nghiêm minh các đối tượng hành hung người bệnh và nhân viên y tế, công khai kết luận điều tra, xét xử để công luận, người dân biết, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa.
Tiếp tục chỉ đạo công an địa phương thực hiện nội dung Quy chế số 03/QC-BCA-BYT ngày 26 tháng 9 năm 2017 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về việc phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế.
Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự khu vực xung quanh bệnh viện như các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phục vụ người dân khi đến khám chữa bệnh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước các cổng bệnh viện.
Hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn trang bị các thiết bị kỹ thuật bảo đảm an ninh, bảo vệ tại bệnh viện; phối hợp tập huấn, nâng cao trình độ bảo vệ, phản ứng nhanh với các tình huống gây rối, đánh nhau, hành hung tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Xây dựng và thử nghiệm, triển khai mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh trật tự tại các bệnh viện.
Cắt cử cán bộ tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện lớn, có lượng người đến đông và năng lực chuyên môn của các nhân viên bảo vệ còn hạn chế.
Thiết lập mạng lưới đường dây nóng của lực lượng Cảnh sát cơ động và cơ quan công an gần nhất cho Bệnh viện và điểm nóng hay xảy ra mất an ninh trật tự bệnh viện trên địa bàn để kịp thời gọi và hỗ trợ khẩn cấp trước các tình huống nguy cơ mất an ninh, trật tự.
Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc