Khiếu kiện đất đai: Dân không sung sướng gì mà ra đường phản đối

13:52, 15/05/2017
|

(VnMedia) - “Dân mình vất vả đấy, không sung sướng gì mà ra đường để kêu gào, chống đối chính quyền đâu. Đây là vấn đề đáng suy nghĩ về trách nhiệm của chúng ta” - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói về vụ việc Đồng Tâm.

Mới đầu năm đã giải cứu mấy lần là quá nhiều

Sáng nay (15/5), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Nêu ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ghi nhận Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua đã rất xông xáo, chỉ đạo tận nơi, đến tận các địa phương, dân rất đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, theo ông Tỵ, cần phải làm rõ nguyên nhân tại sao trong 13 chỉ tiêu của năm 2016, có 11 chỉ tiêu đạt, chỉ có 2 chỉ tiêu không đạt nhưng GDP lại đạt thấp.

“Số liệu GDP cho thấy kinh tế xã hội còn khó khăn, quý I/2017 đạt thấp nhất so với các năm và là vấn đề báo động. Phải nghiên cứu, nhận định khách quan mọi khía cạnh xem nguyên nhân là gì mà Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhiều biện pháp, chương trình hành động như vậy nhưng hiệu quả lại chưa cao” - Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đặt vấn đề.

Ông Tỵ cũng lưu ý đến việc số lượng doanh nghiệp thành lập nhiều tuy nhiên hiệu quả chưa cao, trong đó doanh nghiệp FDI xuất khẩu lớn nhưng đóng góp cho ngân sách còn hạn chế. “Trong đó có lý do ta ưu đãi đối tượng này nhiều, trong khi các doanh nghiệp trong nước khó khăn, khó tiếp cận nguồn ưu đãi. Cần đánh giá kỹ hơn, chứ nếu không, trong những tháng còn lại, doanh nghiệp trong nước sẽ còn khó khăn” - ông Tỵ nói.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, nông nghiệp hiện vẫn là ngành mũi nhọn, nhưng những năm vừa qua xảy ra nhiều vấn đề phải giải cứu.

“Việc giải cứu là đương nhiên để giúp dân vượt qua khó khăn, Chính phủ không thể làm ngơ. Nhưng nếu nhiều vấn đề phải xử lý không đúng tầm thì phải xem lại tầm vĩ mô quản lý đã đúng chưa, khâu dự báo đã làm tốt chưa? Tôi nghĩ nếu dự báo tốt chưa chắc phải giải cứu thế này” -  ông Tỵ nêu vấn đề và cho rằng, nếu dưa hấu và thịt lợn có các chuyên môn đánh giá, dự báo tình hình thì sẽ không xảy ra câu chuyện như vừa qua.

“Chỉ trong vòng vài tháng đầu năm 2017 mà diễn ra vài cuộc giải cứu như thế là quá nhiều. Vì thế, phải đánh giá lại đầu tư, chỉ đạo vĩ mô dài hơi hơn, chủ động hơn để dân đỡ khổ. Nếu tính toán, dự báo tốt sẽ hạn chế thiệt hại cho dân. Giải cứu phải do những tình huống lớn, liên quan đến tình hình thế giới, khu vực, liên quan chiến tranh hay thiên tai, chứ thông thường thế này vẫn cần giải cứu thì cần xem lại” - ông Tỵ nhấn mạnh lại.

Khiếu kiện đất đai: Dân không sung sướng gì mà ra đường phản đối

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề bức xúc về đất đai của người dân, cần xem lại công tác quản lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng

“Qua vụ Đồng Tâm cho thấy quản lý đất đai có vấn đề, phải rà soát để đảm bảo chặt chẽ đúng nguyên tắc, chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở, để dân thấy chính sách của chúng ta là có trách nhiệm” - ông Đỗ Bá Tỵ nói và nhấn manh, những vụ việc căng như vậy, đối thoại chậm là bất lợi, nếu kéo dài sẽ là cơ hội để các thế lực châm chọc gây bất lợi.

Cùng quan điểm với Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao những hành động của Thủ tướng hướng về cơ sở, bàn những vấn đề cụ thể tháo gỡ khó khăn, nhất là đối với những vùng, những lĩnh vực khó khăn.

Bà Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, cần nhận định thêm về các lĩnh vực xã hội, y tế, giáo dục vì còn nhiều mặt hạn chế yếu kém, dân chưa hài lòng.

“Trong báo cáo, trong thẩm tra của các uỷ ban mà không nói đến các vấn đề xã hội là có thiếu sót trước nhân dân” - bà Tòng Thị Phóng nhấn mạnh và nêu lên một loạt vấn đề liên quan đến dân sinh như an toàn trật tự xã hội, an toàn thực phẩm, môi trường…

Bà Phóng nhấn mạnh về trật tự xã hội và việc chấp hành kỷ cương của nhà nước, đảm bảo an ninh xã hội, phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm mới diễn biến phức tạp, tội phạm có tổ chức, nguy hiểm.

Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý, cần đánh giá rõ vấn đề người dân tập trung phản đối chính quyền thời gian qua. Tại sao để những việc vừa qua lại để nặng nề như vậy? Việc đất đai chỉ là điều kiện chứ không phải tại đất đai. Nếu được giải trình, thuyết phục thì đã không như thời gian vừa rồi.

Đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức chức đã không giải quyết tốt, giải trình thuyết phục cho người dân, bà Phóng nói: “Tổ chức nào của chúng ta cũng có cả, được trang bị đầy đủ các điều kiện để hoạt động nhưng sao lại để dân phản đối như vậy? Dân mình vất vả đấy chứ không sung sướng gì khi ra đường phản đối chính quyền. Vai trò, trách nhiệm với quần chúng là vấn đề rất cần bàn ở Quốc hội, không bàn hôm nay thì ra trước Quốc hội các đại biểu cũng đặt câu hỏi. Tôi tin chắc đây là vấn đề rất nóng”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, Trưởng ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đưa ra số liệu đáng báo động về vấn đề đất đai. Cụ thể qua giám sát ở các địa phương những năm trước chỉ có 60-70% khiếu nại, tố cáo là liên quan đến đất đai, nhưng đến nay đã lên tới 80%.

“Tôi đồng ý với Phó Chủ tịch Quốc hội thường trực là pháp luật của chúng ta đầy đủ, tuy nhiên việc triển khai là không đúng. Ví dụ việc thông báo, triển khai thu hồi, đền bù đất đai không minh bạch, không đúng luật. Có khiếu nại, tố cáo thì không giải quyết đúng. Khi kiểm tra, thanh tra thì cán bộ làm sai không bị xử lý…”, bà Hải dẫn chứng và cho cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến vấn đề bức xúc về đất đai của người dân ngày một nóng.

Cũng theo bà Hải, hiện tại công tác tiếp dân cũng rất đáng báo động vì nhiều địa phương không làm đúng. Cụ thể qua giám sát của Ban dân nguyện cho thấy, nhiều Chủ tịch UBND tỉnh chỉ tiếp dân 3 lần/ năm trong khi quy định là 12 lần trên/năm, các buổi khác đều giao cho cấp phó. Tình trạng này càng vi phạm nhiều hơn ở cấp huyện, cấp xã. Thậm chí có xã giao việc tiếp dân cho người không có thẩm quyền thực hiện.

“Nếu việc tiếp dân, đối thoại tốt thì không bao giờ dẫn tới điểm nóng. Vì thế cần đưa giải pháp phải tiếp dân tốt, tăng cường xử lý thanh tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân thì việc lớn, hoá việc nhỏ”, bà Hải nói.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc