Hơn 1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng giá kịch khung bắt đầu từ 1/6 tới. 20% dân số chưa có thẻ BHYT sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Bộ Y tế kêu gọi mọi người dân tham gia BHYT để bớt gánh lo khi khung giá mới được áp dụng. Đây là nội dung tại hội nghị triển khai thông tư 02/2017- BYT do Bộ Y tế tổ chức chiều ngày 19/5.
Tăng kịch khung
Theo Thông tư 02/2017 - BYT, nhiều dịch vụ y tế sẽ có giá rất cao, tăng từ 20 - 30%. Đơn cử, dịch vụ thay van tim có giá hơn 16 triệu đồng, phẫu thuật cắt khối tá tụy hơn 10 triệu đồng, chụp PET/CT hơn 20 triệu đồng, chụp và can thiệp tim mạch 6,6 triệu đồng, chụp mạch máu số hóa xóa nền 5,5 triệu đồng. Ngoài ra, giá tiền khám tối đa (bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương) ở bệnh viện (BV) hạng đặc biệt và hạng 1 sẽ tăng từ 20.000 đồng/lượt hiện nay lên 39.000 đồng/lượt, ở BV hạng II tăng từ 15.000 - 35.000 đồng/lượt, BV hạng III tăng từ 10.000 - 31.000 đồng/lượt, BV hạng IV tăng từ 7.000 - 29.000 đồng/lượt. Giá dịch vụ ngày/giường hồi sức tích cực/ghép tạng/ghép tủy... tại các BV hạng đặc biệt cũng tăng từ 354.000 lên 677.000 đồng/người, BV hạng II tăng từ 350.000 - 569.000 đồng. Giường giường bệnh các khoa xương khớp, da liễu, tai mũi họng, tai biến... tăng từ 89.000 - 192.000 đồng/người/ngày.
Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán (Bộ Y tế), Thông tư 02 có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, nhưng Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các BV thuộc Bộ Y tế, BV hạng đặc biệt, hạng I thuộc các bộ, ngành quản lý. Đối với các địa phương, UBND tỉnh, TP trình HĐND quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các BV địa phương quản lý và các BV do các bộ, ngành khác quản lý từ hạng II trở xuống. “Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ theo lộ trình từng bước, thận trọng, không thực hiện điều chỉnh đồng loạt mà có phân chia tiến độ điều chỉnh giữa các đơn vị, địa phương cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, tỷ lệ tham gia BHYT và thu nhập của người dân nhằm kiềm chế lạm phát” - ông Nam Liên nhấn mạnh.
Nỗi lo không nhỏ
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Lê Tuấn chỉ rõ, bệnh nhân có thẻ BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả từ 80 - 100% chi phí, tùy theo từng đối tượng thụ hưởng. Còn bệnh nhân không có BHYT sẽ phải chi trả 100% toàn bộ chi phí khám chữa bệnh. Theo khung giá viện phí mới, khoản tiền người khám chữa bệnh không có BHYT phải trả thêm so với mức giá hiện hành sẽ là con số không nhỏ. Đặc biệt, những bệnh nhân cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, thì mức chi 100% từ tiền túi rất lớn, ví dụ như chụp PET/CT chi phí tối đa đã lên tới hơn 20 triệu đồng; chi phí PET/CT mô phỏng xạ trị gần 21 triệu đồng... Thậm chí, những dịch vụ mổ nội soi bằng robot có mức giá mỗi lần mổ từ 80 - 90 triệu đồng.
Vậy nên, thẻ BHYT đã thực sự trở thành “phao cứu sinh” cho người bệnh, nhất là những bệnh nhân bị mắc bệnh hiểm nghèo, mắc bệnh mạn tính... Thực tế, tại các BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BHYT đã chi trả cho nhiều bệnh nhân có số tiền thanh toán lên đến 1 tỷ đồng. GS.TS Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai, tại khoa thường xuyên có hàng chục bệnh nhân “thập tử nhất sinh”. Ước tính, ở Khoa Hồi sức tích cực trung bình còn khoảng 25% bệnh nhân không có thẻ BHYT, trong đó, rất nhiều người ở ranh giới giữa nghèo và cận nghèo, gia đình không có tiền tích lũy, chỉ cần một người ốm nặng sẽ khiến cả nhà “xuống dốc không phanh”, nghèo hóa vì bệnh tật.
Trước tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế mong muốn, mọi người dân vì lợi ích của chính mình, lợi ích của cộng động, hãy tham gia BHYT để giảm gánh nặng khi phải nằm viện. Thứ trưởng cam kết, sẽ từng bước nâng cao chất lượng BV để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Ông Lê Văn Phúc - Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam:
Tăng rất “trễ” so với Luật BHYT
Lộ trình tăng giá này đã có độ “trễ” rất nhiều theo Luật BHYT, bởi sau một năm giá dịch vụ y tế dành cho khoảng gần 20% dân số chưa có thẻ BHYT này mới đuổi kịp giá của những người đang khám chữa bệnh BHYT. Hiện nay, người chưa tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh vẫn đang trả mức giá thấp hơn nhóm dân số có thẻ BHYT, bởi giá dịch vụ y tế dành cho người chưa có thẻ BHYT chỉ mới kết cấu 3 yếu tố chi phí trực tiếp: Chi phí thuốc, dịch truyền, hoá chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế phục vụ khám chữa bệnh; chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ.
Ông Trần Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế
Giảm phiền hà cho người bệnh
Song song với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt quy tắc ứng xử để giảm phiền hà cho người bệnh, tăng cường giáo dục y đức… Bộ Y tế và các địa phương đã và đang thực hiện đề án giảm tải BV, đề án BV vệ tinh, ban hành Thông tư quản lý chất lượng BV với 83 tiêu chí, sửa đổi phân hạng BV trên nguyên tắc hạng BV gắn với chất lượng, trình độ chuyên môn…
|
(Theo kinh tế đô thị)
Ý kiến bạn đọc