(VnMedia) - Đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các cấp Hội phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện thành lập Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cấp tỉnh và tương đương, đồng thời phổ biến Quy chế làm việc của Hội đồng, hoàn thành trong quý 2/2017.
Nội dung trên được Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu tại Hội nghị học tập, quán triệt, thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam và tập huấn công tác kiểm tra năm 2017, được Hội Nhà báo VN tổ chức sáng ngày 21/4, tại Đà Lạt (Lâm Đồng) .
Đây là hội nghị nằm trong chuỗi các hoạt động tổng kết công tác Hội và thi đua, khen thưởng năm 2016; phương hướng,nhiệm vụ năm 2017, được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức từ ngày 21-23/4/2017 tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng).
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cùng hơn 500 đại biểu đại diện cho 307 chi hội, Liên chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tới dự.
Hội nghị tập trung vào 3 nội dung chính, gồm: Đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí phân tích những điều cần lưu ý trong Luật Báo chí 2016, các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện; tình hình hoạt động báo chí và việc vi phạm hiện nay.
Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam triển khai và hướng dẫn thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Đại diện Ban Kiểm tra triển khai nhiệm vụ công tác kiểm tra theo Điều lệ Hội và hướng dẫn thành lập Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo ở cấp tỉnh và tương đương.
Cũng tại hội nghị, đại diện Hội Nhà báo VN đã công bố quyết định thành lập Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (gồm 23 đồng chí).
Đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá, trong đội ngũ những người làm báo Việt Nam, có rất nhiều tấm gương tiêu biểu, phẩm chất đạo đức trong sáng, vững vàng nghề nghiệp, giàu tinh thần cống hiến, không ngại khó khăn gian khổ, luôn nỗ lực lao động cần cù, sáng tạo vì lợi ích của đất nước và nhân dân.
Bên cạnh những đóng góp to lớn và những tấm gương đáng tự hào đó, có một thực tế là hiện nay các biểu hiện, hành vi tiêu cực trong hoạt động báo chí ngày càng phức tạp và rất đáng lo ngại. Đó là: việc thông tin sai sự thật, thổi phồng hoặc bóp méo sự thật, tô hồng hoặc bôi đen vì những mục đích không trong sáng. Tình trạng báo chí bị thương mại hóa không những không bị ngăn chặn đẩy lùi mà có xu hướng nghiêm trọng hơn bằng việc đăng tải thông tin, hình ảnh giật gân, câu khách, thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục. Tình trạng cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền, cửa quyền, lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi và làm trái pháp luật, trái truyền thống đạo lý ngày càng gia tăng.
“Tình hình này cho thấy sự tha hóa, suy thoái về đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận những người làm báo Việt Nam đã đến mức báo động, gây ảnh hưởng xấu đến vai trò, uy tín của báo chí đối với xã hội, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí, làm tổn hại đến lợi ích của đất nước và cộng đồng, làm mai một hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Đạo đức báo chí đang trở thành một vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đ/c Thuận Hữu nói.
Đồng chí Thuận Hữu đề nghị các cấp Hội phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện thật tốt một số nội dung quan trọng. Cụ thể:
Tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn ở các cấp Hội và các cơ quan báo chí. Chú trọng phân tích, thảo luận làm rõ những điểm mới, những nội dung thường gặp, những nội dung dễ mắc sai phạm trong tác nghiệp báo chí.
Thành lập Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cấp tỉnh và tương đương, đồng thời phổ biến Quy chế làm việc của Hội đồng, hoàn thành trong quý 2/2017. Đây là công việc quan trọng và có tính chất quyết định, yêu cầu các cấp Hội thực hiện nghiêm túc, giúp cho việc thực hiện tốt Luật Báo chí và Quy định đạo đức nghề nghiệp.
Ngay sau Hội nghị này, từng cơ quan báo chí, từng tổ chức Hội trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của mình, tiếp tục bổ sung, xây dựng và thực hiện Nội quy, Quy chế, Quy ước riêng nhằm cụ thể hóa việc thực hiện 10 Quy định chung về đạo đức nghề nghiệp. Các tổ chức Hội cần chủ động báo cáo cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội nhằm tạo sự ủng hộ và giúp đỡ; cần có hình thức phù hợp tranh thủ đồng thuận từ công chúng báo chí vv…
Cùng với việc thành lập Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, tổ chức Hội cần chú ý kiện toàn và đưa công tác kiểm tra của Hội vào nền nếp, đạt hiệu quả, chất lượng; tiến hành tập huấn nghiệp vụ thường xuyên và nắm vững 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam để hướng dẫn, ngăn chặn và xử lý sai phạm nghiêm túc, chính xác.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đề cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác 2017 và cả nhiệm kỳ 2015-2020.
Đinh Bách
Ý kiến bạn đọc