(VnMedia) - Phòng ngừa tai nạn lao động, chăm sóc sức khỏe cho nhân viên cũng là cách bảo vệ tài sản quý giá của chính doanh nghiệp, bởi nếu TNLĐ xảy ra, doanh nghiệp vừa tốn chi phí chăm sóc cho NLĐ, vừa mất đi nguồn nhân lực có kinh nghiệm, vừa mất thời gian tìm và đào tạo nhân lực mới...
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Góc nhìn Pháp lý và Thực tiễn cho Doanh nghiệp về Chăm sóc Sức khỏe & An toàn nghề nghiệp cho nhân viên” tổ chức ngày 25/4 bởi Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với sự tư vấn từ Quỹ tài trợ International SOS.
Như VnMedia trước đó đã đưa tin, năm 2016, năm 2016 trên toàn quốc đã xảy ra 7.981 vụ tai nạn lao động làm 8.251 người bị nạn. Trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 799 vụ, số vụ tai nạn lao động có hai người bị nạn trở lên là 106 vụ, số người chết là 862 người, số người bị thương nặng là 1.952 người, nạn nhân là lao động nữ là 2.371 người.
Có thể kể đến một số vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra trong năm 2016 như: Vụ tai nạn ngạt khí xảy ra vào ngày 1/1/2016 tại lò vôi khu vực núi đá Yên Thái, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa làm 8 người chết và 1 người bị thương nặng; vụ tai nạn sạt lở vách đá tại mỏ đá của doanh nghiệp TNHH Tuấn Hùng, xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa làm 8 người chết; vụ tai nạn sập mái công trường xây dựng xảy ra vào ngày 4/4/2016 tại Công trình thi công nhà văn hóa xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng làm 9 người bị thương; vụ tai nạn nổ đường ống dẫn dầu của máy ép thủy lực xảy ra ngày 18/4/2016 tại Công ty cổ phần thế giới gỗ Việt Nam, khu công nghiệp Nam Cấm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An làm 11 người bị thương; Vụ nổ nồi hơi ngày 30/10 tại cơ sở chế biến Don Lan Anh (Thái Thụy, Thái Bình) làm 4 người chết và 11 người bị thương; vụ nổ lò hơi chiều ngày 10/11 tại Công ty Cổ phần xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Thái Nguyên làm 2 người chết và 6 người bị thương…
Đáng chú ý, đây là con số, vụ việc được dư luận đặc biệt quan tâm, chưa phải là bức tranh đầy đủ về tình trạng tai nạn lao động, còn trong thực tế, số vụ và số nạn nhân TNLĐ chắc chắn sẽ cao hơn nhiều.
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, các vụ tai nạn lao động chết người có nguyên nhân từ người sử dụng lao động chiếm 42,1%. Lý do là người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động; người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động.
Văn hóa ATLĐ nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp
Như vậy, để phòng ngừa TNLĐ, vai trò của các chủ sử dụng lao động là rất lớn.
“Trách nhiệm chung của người sử dụng lao động là đảm bảo sự quan tâm đúng mực thông qua các biện pháp phù hợp với luật pháp, nhằm ngăn ngừa bất kỳ chấn thương nào có thể xảy ra thiệt hại vật chất, tinh thần và tài chính cho người lao động” - đại diện VCCI nhấn mạnh và cho rằng, doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc để phòng ngừa TNLĐ.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhận định, “Điều này cũng giúp cho doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội trong vấn đề lao động, nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp”.
Theo các chuyên gia lao động, trước hết, người sử dụng lao động phải thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về ATLĐ và đề ra các biện pháp bảo đảm ATLĐ hợp lý, hiệu quả.
Tuy nhiên, bản thân người lao động phải có ý thức với việc chủ động và yêu cầu được đảm bảo ATLĐ. Một số ý kiến tại buổi hội thảo cho rằng, mặc dù người sử dụng lao động đã có quan tâm đầu tư cũng như tập huấn nhưng trong nhiều trường hợp, NLĐ không có ý thức tự bảo vệ mình, không tuân thủ những quy định về ATLĐ nên đã để xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Đến lúc đó, chủ sử dụng lao động lại phải gánh chịu hậu quả, vừa tốn chi phí chăm lo cho NLĐ, vừa mất nhân lực, mất thời gian…
Theo các chuyên gia về ATLĐ, để nhận thức được ý nghĩa của việc xây dựng “văn hóa an toàn tại nơi làm việc”, doanh nghiệp có thể cân nhắc giữa chi phí phòng ngừa TNLĐ và chi phí chi trả, thiệt hại cụ thể (bằng tiền) khi có TNLĐ.
Ước tính của SOS quốc tế, chi phí khắc phục thiệt hại do người lao động sẽ thường cao gấp 2 thậm chí 3 lần chi phí để phòng ngừa TNLĐ, phòng ngừa rủi ro cho NLĐ khi đi công tác nước ngoài.
Theo bà Trần Thị Lan Anh – Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI), trong việc bảo đảm đời sống và ATLĐ cho người lao động, doanh nghiệp không chỉ cần tuân thủ pháp luật mà nên tuân thủ “tốt hơn luật” để “giữ chân” NLĐ trong điều kiện chuyển dịch lao động ngày càng mạnh mẽ.
Dự báo của SOS quốc tế, năm 2020, tỷ lệ dịch chuyển lao động thể đạt đến 60-80%. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ tránh được những chế tài xử phạt về tài chính nếu vi phạm quy định pháp luật về ATVSLĐ. Bà Lan Anh cảnh báo, “dù chỉ là một số tiền nhưng có thể ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp”.
Tại Hội thảo, ý kiến của doanh nghiệp cũng như các chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm về việc đầu tư trang thiết bị cũng như cách thức tổ chức các hoạt động tập huấn cho người lao động để phòng ngừa TNLĐ.
Ngoài ra, Hội thảo cũng chia sẻ những kinh nghiệm cũng như sự cần thiết trong việc chăm sóc sức khỏe của NLĐ.
Theo ông Francis Chong, Tổng Giám đốc của International SOS Việt Nam, “Trách nhiệm chăm sóc không chỉ là trách nhiệm pháp lý, mà còn là một yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Cách thức chăm sóc nhân viên và NLĐ sẽ phản ánh việc người sử dụng lao động đã bảo vệ những tài sản quý giá nhất của mình như các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp”.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc