(VnMedia) - Cùng với bàn tay vàng và những tấm lòng nhân ái, các bác sĩ bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đã khiến cho giới y học trong khu vực và trên thế giới phải nể phục bởi sự khéo léo và tinh tế. Họ đã và đang phẫu thuật miễn phí cho tất cả những ai tìm đến...
Có rất, rất nhiều những bà mẹ bị sốc khi biết mình mang thai đứa con có dị tật khe hở môi (sứt môi), hở vòm miệng, và rồi họ đã quyết định từ bỏ quyền làm mẹ, cũng là tước đi quyền sống của sinh linh bé bỏng mặc dù lúc đó thai nhi đã ở tuần thứ 20.
Còn nếu được sinh ra, phần lớn những đứa trẻ đó không thể bú mẹ, luôn nôn trớ, sặc và rồi bị gầy yếu suy dinh dưỡng, không đủ cân nặng để được mổ lúc 6 tháng tuổi.
Ngay cả khi được mổ xong, đến tuổi đi học, những đứa trẻ đó cũng không thể hoà đồng với bạn bè vì không thể phát âm bình thường.
Đến khi trưởng thành, họ sẽ không có người yêu. Và, dù có vượt qua mặc cảm, sự dè bỉu của bạn bè, dù bao nhiêu nỗ lực để đi học đại học, thậm chí có bằng thạc sĩ, kỹ sư, họ vẫn không thể xin được công việc mà mà mình yêu thích nếu nó liên quan đến giao tiếp.
Và rồi, họ cũng không thể lập gia đình, sẽ không có những đám cưới lung linh lãng mạn…
Nhưng những bà mẹ đó sẽ tự tin giữ lại và sinh đứa con nếu họ biết được rằng, cho dù họ ở bất kỳ đâu trên đất nước Việt Nam này, vào bất cứ thời gian nào trong năm, có một địa chỉ duy nhất ở Việt Nam mà họ có thể tìm đến để được tư vấn, được giúp đỡ, được đồng hành trong cả một quá trình điều trị lâu dài, để những đứa con của họ có thể trở thành những đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác.
Rồi chúng cũng sẽ lớn lên, sẽ đi học, sẽ có công ăn việc làm, sẽ lấy chồng lấy lấy vợ…
Tôi chỉ biết những điều này khi được gặp gỡ, nghe những chia sẻ từ các bác sĩ của bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (40 Tràng Thi, Hà Nội), nơi đã và đang mang đi những nỗi đau, mang đến những nụ cười hạnh phúc cho các bé bị dị tật hở môi – vòm miệng và gia đình của chúng.
Câu chuyện về những bà mẹ bất hạnh, về những đứa trẻ thiệt thòi, về nỗi đau của những chàng trai cô gái tật nguyện, và cả những niềm hạnh phúc cũng đã được các bác sĩ ở đây chia sẻ với một sự xúc động, một nỗi khắc khoải canh cánh cho những số phận không may mắn.
GS-TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết, mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng 2.000-3.000 trường hợp trẻ sinh ra bị dị tật khe hở vòm môi – vòm miệng. Bất hạnh lại thường xảy ra ở những gia đình khó khăn.
“Nhiều cháu sinh ra khiến các bà mẹ đau đớn, suy nghĩ, day dứt bởi ngoài hình thức bất thường thì có nhiều người còn cho rằng cháu bé bị như vậy do cha mẹ, ông bà ăn ở thất đức…, tâm lý rất nặng nề, phức tạp” - GS Hải chia sẻ.
“Khi được thông báo rằng đứa con mà mình chờ đợi trong niềm hạnh phúc bị dị tật khe hở môi – vòm miệng, tất cả các bà mẹ đều bị sốc. Và, có rất, rất nhiều bà mẹ đã đành nuốt nước mắt phá bỏ thai nhi vì không muốn phải chứng kiến nỗi đau dai dẳng cả đời của nó” - BS, TS Hoàng Oanh, chuyên gia hàng đầu Việt Nam về trị liệu, phục hồi ngữ âm chia sẻ thêm.
“Nhưng đó là một điều hoàn toàn sai lầm, bởi nếu được tư vấn, được chăm sóc và điều trị đúng cách ngay từ khi sinh ra, em bé đó hoàn toàn có thể trở thành một đứa trẻ bình thường như bao đứa trẻ khác” - BS Oanh nhấn mạnh.
Những tấm lòng và những bàn tay vàng
Theo Giám đốc bệnh viện Trịnh Đình Hải, từ cách đây 20 năm, bệnh viện đã có hợp tác với các nước, với các tổ chức ngước ngoài có những đợt mổ nhân đạo, nhưng mỗi năm chỉ một vài đợt, mỗi đợt chỉ từ 1 tuần đến 10 ngày. Khi đó, mỗi trường hợp thường chỉ được tài trợ khoảng 50 đô la nên chỉ mổ vá kín phần sứt lại, hoặc đóng kín vòm miệng nếu bị hở khiến trẻ bị sặc chứ chưa phải là chăm sóc toàn diện.
Còn hiện nay, bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương là viện duy nhất trên cả nước đã xin được nguồn tại trợ để có thể thực hiện tư vấn và phẫu thuật miễn phí quanh năm cho cả trẻ em và người lớn bị dị tật khe hở môi - vòm miệng. Ngoài ra, các bệnh nhi còn được hỗ trợ trong thời gian đầu luyện tập phát âm, chữa nói ngọng...
“Lâu nay, nhiều người cứ nghĩ rằng, việc mổ đóng khe hở môi – vòm miệng vào là xong, nhưng thực tế, đây mới là sự khởi đầu của cả một giai đoạn dài bởi vì khe hở chỉ là những điều mà mắt chúng ta nhìn thấy, còn sau đó là chỉnh răng, chỉnh hình mặt, khe hở hàm và đặc biệt là giọng nói bị ảnh hưởng rất nhiều” - BS Oanh cho biết.
“Ngày xưa, nói ngọng thì có thể không sao nhưng bây giờ, nói ngọng sẽ không thể xin được vào vị trí việc làm mà người ta mong muốn. Tôi đã gặp nhiều bệnh nhân tuổi 25-30 tâm sự rằng, họ không thể xin được việc dù đã có bằng thạc sĩ. Đi đến đâu họ cũng loại chỉ vì giọng nói không chuẩn. Cuối cùng, họ phải làm những công việc ít tiếp xúc với người khác, mặc dù tính cách và mong muốn được làm những công việc có giao tiếp, hoạt động cộng đồng.
"Nguyên nhân là do bố mẹ của những bệnh nhân này không biết nên sau khi mổ đã không cho con đi tập phát âm, và khi đã lớn tuổi thì việc tập luyện rất khó khăn - BS Oanh nói và mong muốn, những bà mẹ có con bị dị tật khe hở môi - vòm miệng kịp thời đưa con đi khám để được tư vấn chăm sóc đúng cách, phẫu thuật đúng thời điểm và luyện tập phục hồi giọng nói đúng phương pháp, không để ảnh hưởng đến tương lai của các bé.
GS.TS. Trịnh Đình Hải nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ mong mọi người biết được rằng, tại bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương này, hiện nay trong suốt 365 ngày của năm, bất kỳ lúc nào, bất kỳ ai, ở đâu trên đất nước Việt Nam này, chỉ cần gọi điện đến đây đăng ký là có thể được các bác sĩ tư vấn từ lúc người mẹ mang thai cho đến khi bé sinh ra được thăm khám, phẫu thuật khe hở môi – hở vòm miệng. Tất cả những việc đó đều hoàn toàn miễn phí. Kể cả những người đã trưởng thành, chúng tôi vẫn có những giải pháp phù hợp giúp họ khắc phục phần nào khuyết tật".
Không thể không nói đến một điều hết sức quan trọng, đó là tay nghề của các bác sĩ bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương trong việc phẫu thuật dị tật này hiện được đánh giá là đứng hàng đầu thế giới. Với hàng chục năm kinh nghiệm, mỗi năm mổ đến 500 ca, các bác sĩ đã khiến cho giới y học trong khu vực và trên thế giới phải nể phục bởi sự khéo léo và tinh tế.
Nhưng trên hết, vẫn là tấm lòng của những người thầy thuốc đối với thế hệ tương lai của đất nước.
Trăn trở, day dứt vì có nhiều bà mẹ đã quyết định bỏ thai, nhiều bà mẹ bị sang chấn tâm lý khi lần đầu nhìn thấy đứa con bị dị tật, chứng kiến nhiều em bé bị bỏ lỡ cơ hội được chăm sóc, phẫu thuật kịp thời, nhiều đứa trẻ không dám mỉm cười khi đến lớp, nhiều cô gái không có người yêu, không lập gia đình vì tự ti…, thầy thuốc nhân dân Trịnh Đình Hải và các y bác sĩ bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương mong muốn trong tương lai sẽ phát triển Khoa phục hình hàm mặt trở thành một trung tâm, với đầy đủ chức năng và nguồn lực để có thể chăm sóc toàn diện cho các bệnh nhi không may mắc loại dị tật này.
Tuệ Khanh (Bài, ảnh)
Bài tiếp: Điều trị toàn diện trẻ dị tật khe hở môi – vòm miệng
Ý kiến bạn đọc