(VnMedia) - Ngược lại với những đề xuất đình đám như là đặt mô hình Kong, xây tượng rùa vàng, làm đại lộ danh vọng, xây trung tâm văn hóa đã bị dư luận phản đối thì có những đề xuất có giá trị cả về kiến trúc và ý nghĩa xã hội lại bị rơi vào im lặng...
Hồ Gươm, trước hết là biểu tượng của ký ức ngàn năm đô thị. Nó chứng kiến và lưu dấu ấn của cả thời tiền Thăng Long, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Pháp thuộc, cách mạng tháng 8 và toàn bộ lịch sử hiện đại của một thành phố Thủ đô. Trong suốt chiều dài lịch sử đó, nó luôn là một không gian trọng yếu. (1 - Nguyễn Xuân Anh - VIUP)
Cũng có lẽ chính vì hồ Gươm có ý nghĩ quan trọng đến như vậy nên đã, đang và sẽ có rất nhiều ý tưởng được đưa ra, đều với mục đích là làm đẹp, tôn thêm giá trị cho khu vực này.
Tuy nhiên, dù là những ý tưởng đều được xây dựng bằng tình yêu Hà Nội, và thậm chí, xuất phát từ những “tên tuổi lớn” nhưng không phải ý tưởng nào cũng phù hợp, được người người dân Thủ đô đón nhận.
Bằng chứng là chúng ta đã chứng kiến việc đề xuất lát đá xanh quanh hồ dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, với kinh phí dự kiến là khoảng 40 tỷ. Nhưng khi Thành phố vừa thí điểm lát một đoạn thì đã bị dư luận phản ứng gay gắt. Chính Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo lúc bấy giờ đã phải vội vàng lệnh cho dừng lại. “Trước đề xuất của quận, thành phố cho lát thí điểm một đoạn để xem ý kiến người dân như thế nào. Nhưng tôi có chỉ đạo là dừng lại ngay, thử đến thế thôi, còn tất cả phải giữ nguyên”, ông Thảo nói.
Cuối năm 2016, trong số những ý tưởng cho việc chỉnh trang lại khu vực hồ Hoàn Kiếm có ý tưởng “Tuyến đường ghi danh: Tháp Hoà Phòng-Đền Ngọc Sơn”. Theo đề xuất, đường kéo dài từ tháp Hoà Phong đến đền Bà Kiệu, lát bằng đá tự nhiên trên đó khắc tên những nghệ sĩ, danh nhân, nhà khoa học, nhà nghiên cứu… có đóng góp lớn cho sự phát triển của Hà Nội, tương tự như “đại lộ danh vọng” của nước Mỹ. Ý tưởng này ngay lập tức vấp phải sự quan ngại của dư luận và đã được “cất ngăn kéo”, bởi mỗi cuối tuần sẽ có hàng vạn người xéo chân lên tên của các danh nhân được vinh danh kiểu này.
“UBND quận Hoàn Kiếm thấy rằng nội dung đề xuất ý tưởng này chưa thật sự phù hợp và đã chỉ đạo đơn vị tư vấn loại bỏ nội dung này trong phương án thiết kế đầu tư” – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết.
Còn riêng trong tháng 3 này, người dân chứng kiến 2 đề xuất “hoành tráng”, đó là đặt tượng con King Kong ở khu vực tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc Quyết sinh và ý tưởng đúc tượng rùa khổng lồ bằng vàng đặt cạnh hồ Gươm, trong đó đề xuất King Kong đã bị bác bỏ và đề xuất tượng rùa vàng cũng đang gặp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia và người dân.
Đó là không kể những đề xuất, dù gặp phải nhiều ý kiến phản đối nhưng rồi vẫn được phê duyệt và bây giờ đang hiện hữu, như tòa nhà Hàm cá mập, Trung tâm văn hóa Hồ Gươm cùng hàng loạt các cao ốc, khách sạn…
Tuy nhiên, với “hòn ngọc lục bảo” hồ Gươm, cũng đã có những đề xuất rất đáng được trân trọng và xem xét, cân nhắc thì trên thực tế đã bị cho vào quên lãng, thậm chí từ chối thẳng thừng.
Một trong những đề xuất như vậy, phải kể đến là việc làm cầu trượt hình con rùa.
Câu chuyện về Judith và cầu trượt hình con rùa
Judith Hansen là một phụ nữ người Mỹ sống ở Los Angeles, California. Bà rất thích chụp ảnh sân chơi trên tất cả những vùng đất mà bà đã đi qua. Đối với bà, sân chơi là không gian cộng đồng rất có ý nghĩa, nơi trẻ em được vận động, giao lưu, nơi người lớn cùng ngồi lại và chia sẻ với nhau câu chuyện về các đứa trẻ, về gia đình. Judith có bộ ảnh rất nhiều sân chơi tại Berlin, nơi bà thường xuyên tới sống vài tháng trong năm, và Bungarie.
Năm 2013 Judith lần đầu tiên đến Hà Nội và rất yêu mến thành phố. Bà rất thích câu chuyện về hồ Gươm và chuyện Rùa trả gươm cho nhà vua. Đối với Judith câu chuyện thể hiện một phần đặc trưng văn hoá của thành phố. Hơn thế nữa đối với người Mỹ, Việt Nam nằm ở một vị trí đặc biệt. thời trẻ Judith cũng từng tham gia vào các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam ở Mỹ.
Đi dạo vòng quanh hồ Gươm, Judith nhận thấy khu vực này không có sân chơi nào. Trẻ em thường trèo lên tháp bút lởm chởm đầy đá để nghịch. Judith tìm kiếm các sân chơi cộng đồng trong trung tâm thành phố, người ta chỉ cho bà một số chỗ, nhưng bà nói đó không phải sân chơi. Một số nơi chỉ là các nền trống không như khu vực tượng đài Lê Nin, tượng đài Lý Thái Tổ, nơi trẻ em phải mang theo patin hoặc xe đạp, không có gì cho chúng leo trèo, đu, chạy nhảy xung quanh.
Judith tìm đến Cung văn hoá thiếu nhi, bà chắc rằng mọi cung văn hoá thiếu nhi đều có sân chơi công cộng như bà đã từng thấy ở nhiều nơi, nhưng ngay cả ở đây, bà cũng chỉ thấy một Amusement park (công viên giải trí), nơi phụ huynh phải trả tiền cho con mình chơi trên các hệ thống điện tử rung lắc hoặc phát tiếng nhạc ầm ĩ.
Hiểu ra rằng khái niệm sân chơi công cộng dường như rất ít có ở đây, Judith nghĩ ra ý tưởng tặng cho thành phố Hà Nội một sân chơi. Và bà nghĩ đến câu chuyện về con rùa ở hồ Gươm. Judith tìm kiếm những người địa phương có thể giúp bà.
Judith tìm được chị chị Kim Đức (sau này là sáng lập viên nhóm Think Playground) và Ban Ga, hoạ sĩ. Bà dễ dàng thuyết phục được họ vì ý tưởng tuyệt vời này. Họ đã giúp Judith lập một dự án xây dựng sân chơi cầu trượt con rùa ở hồ Gươm.
Hoạ sĩ Ban Ga đã làm một mô hình thạch cao và Kim Đức thiết kế không gian xung quanh cho con rùa.
Rồi Judith tiếp tục tìm đến những người có thể giúp bà kết nối với Thành phố và họ đã đặt được cuộc hẹn với Giám đốc Sở Văn Hoá, Thể Thao và du lịch Hà Nội.
“Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở nói rất cảm kích với tấm lòng của bà Judith, nhưng nói rằng Thành phố thiếu rất nhiều thứ chứ không chỉ có sân chơi. Ông có gợi ý có thể tổ chức cho bà một cuộc hội thảo, nhưng nhấn mạnh việc đặt gì vào Hồ Gươm cũng rất khó, vì Hồ Gươm là di tích cấp quốc gia được bảo vệ” – Kim Đức kể lại.
Mặc dù bà Judith có nhắc đến việc quanh Hồ Gươm có quán cà phê, và rất nhiều biển quảng cáo, nên nếu có thêm một sân chơi thì chắc cũng không ảnh hưởng gì, nhưng cuộc gặp kết thúc mà không có kết quả gì.
Nơi mà bà Judith đề xuất đặt cầu trượt hình con rùa, lúc đó là một mảnh đất trống, được quây rào bỏ không nhiều năm. Cuối cùng, nơi đó đã được xây lên một tòa nhà gọi là Trung tâm Văn hóa Hồ Gươm, dù gặp rất nhiều sự phản đối từ dư luận. Hầu hết những ý kiến phản đối đều cho rằng, nơi đó nên làm một vườn hoa công cộng nhỏ, và là chỗ chơi cho trẻ em.
Hay tại Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc – văn hóa lịch sử hồ Hoàn Kiếm”, tổ chức hồi tháng 10/2014, KTS Nguyễn Xuân Anh đã đề xuất cải tạo nhà hàng Hàm cá mập, hiện đang sử dụng vị trí đắc địa vì là điểm kết nối không gian hồ Gươm vào khu phố cổ, nhưng có chất lượng thẩm mỹ quá thấp, phong cách kiến trúc lạc lõng, hoạt động công trình thuần túy mang tính thương mại tầm thường, không hỗ trợ gì cho việc phát triển chất lượng thưởng ngoạn văn hóa của khu vực đặc biệt quan trọng này.
Vì vậy, ông đề xuất cảo tạo vỏ công trình, nâng cấp nội thất và tính chất hoạt động trong công trình. Theo đó, có thể đề xuất kết hợp nhà hàng cà phê với hoạt động triển lãm tranh về Hà Nội, hoặc hoạt động văn hóa cộng đồng như các diễn đàn văn hóa Hà Nội. Đặc biệt, KTS Nguyễn Xuân Anh đề xuất tạo một hành lang nội bộ trong suốt theo đúng hướng từ phố Đinh Liệt ra Hồ thông qua một phần công trình này nhằm mục đích kết nối không gian hồ Gươm vào khu phố cổ. Tuy nhiên, đề xuất này cũng vẫn chỉ nằm trên giấy.
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc