Bây giờ đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (tại 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, vì không gian văn hoá đặc trưng của bảo tàng trước đây gần như đã không còn. Thay vào đó là sự nhộn nhịp của tiệc cưới, tiếng chúc tụng trong hệ thống nhà hàng, quán nhậu rộng cả nghìn m2 vây kín khuôn viên bảo tàng…
Tiệc cưới át khu trưng bày lịch sử
Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam có hai cơ sở ở số 1 Tràng Tiền và 25 Tông Đản. Cả hai đều bị “bủa vây” bởi nhà hàng, quán nhậu dày đặc. Ngày 4/4, tại cơ sở 2 của bảo tàng tại phố Tông Đản có 2 nhà hàng, cà phê ngay bên cạnh cổng vào. Phía bên trong, đập vào mắt khách đến tham quan là biển giới thiệu khá hoành tráng của trung tâm tiệc cưới Thúy Cải.
Trong vai hai khách hàng đến tìm hiểu địa điểm để thuê tổ chức đám cưới, người phụ trách trung tâm tiệc cưới khá niềm nở dẫn đi tham quan. Người này cho biết, thuê địa điểm này được khoảng gần 2 năm, có thể tổ chức đám cưới phục vụ hàng trăm thực khách.
Theo quan sát, trung tâm tiệc cưới nằm trên tầng 2 của khu nhà Pháp cổ gắn với khu trưng bày là một phòng khá rộng lên tới hàng trăm m2, đặt được khoảng 70 mâm cỗ là nơi tổ chức chính và một phòng tách biệt khác, rộng đặt được khoảng 20 mâm cỗ.
Người đại diện trung tâm này giới thiệu, do địa điểm tách biệt nên có truyền hình trực tiếp nếu tổ chức lễ cưới. Bên cạnh cầu thang phía dưới tầng 1 được làm thành khu chế biến đồ ăn và nhà vệ sinh.
Khi nhóm PV có mặt tại đây, trung tâm tiệc đang rục rịch chuẩn bị cho một đám cưới vào buổi chiều. Phông, bạt, hoa trang trí được bê lên từng đợt. Một vài thợ cơ khí đang sửa chữa, hàn xì trên phông chính của đám cưới.
Trước khi ra về, phóng viên còn được người này đưa cho thực đơn giới thiệu và một loạt thông tin liên quan trung tâm tổ chức tiệc cưới. Ngay cạnh cổng vào trung tâm tiệc cưới Thúy Cải ở tầng 1, khoảng hơn 20 mét là phòng trưng bày các hiện vật của thời kỳ đổi mới. Khu vực này nối thông với các phòng trưng bày khác ở các gian nhà liền kề.
Không chỉ cho thuê địa điểm làm trung tâm tiệc cưới, phía mặt đường Tràng Tiền của Bảo tàng cũng được “chuyển đổi” thành quán bia Lan Chín. Lúc phóng viên có mặt, nhà hàng khá ồn ào, thực khách lũ lượt kéo vào quán. Ngoài cổng, quán này còn tự tin quảng cáo: Bảo tàng Quốc gia Việt Nam – Khu dịch vụ phục vụ khách tham quan – Nhà hàng Lan Chín số 2 Tràng Tiền.
Chưa hết, tại cơ sở 1 của bảo tàng cũng dày đặc các quán cà phê, quán ăn Nhật Bản, hải sản…kéo dài dọc phố Phạm Ngũ Lão và rộng lên tới cả nghìn m2. Phóng viên tham khảo sơ đồ công khai tại bảo tàng thì toàn bộ khu vực cửa hàng đều được ghi là: Khu dịch vụ, café, nhà hàng… Riêng khu vực tiệc cưới Thúy Cải và quán bia Lan Chín không ghi trong sơ đồ mà đây vẫn là khu làm việc của bảo tàng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (ngõ số 1 Tràng Tiền) cho hay, các quán ăn ở đây đã có hàng chục năm tuổi. Có thể sang nhượng các quán khác nhau nhưng hầu như lúc nào cũng có mấy nhà hàng bia hơi.
“Bảo tàng xây dựng để trưng bày tài liệu lịch sử, cần có sự trang nghiêm nhất định. Thế nhưng, những quán bia lộm nhộm đã phá bỏ sự trang nghiêm, khiến cho người dân, du khách đều bức xúc”, ông Tuấn nói.
Sử dụng tiền cho thuê nhà hàng ra sao?
Ông Mai Xuân Vinh, Trưởng phòng Quản lý Công Sản, Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, theo quy định về quản lý tài sản nhà nước thì bảo tàng là các đơn vị sự nghiệp, phải sử dụng nhà đất đúng mục đích.
“Nếu giao theo quy hoạch là làm bảo tàng, phần còn lại làm phần phụ trợ để phục vụ bảo tàng thì nếu mang cho thuê phải có phương án được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phê duyệt. Còn nếu lãnh đạo bảo tàng tự ý cho thuê mà không được các cấp có thẩm quyền phê duyệt thì đó là làm trái quy định”, ông Vinh khẳng định.
Cũng theo ông Mai Xuân Vinh, những phần phụ trợ như trong sơ đồ công bố thì chỉ bảo tàng được phép kinh doanh, làm căng tin bán hàng phục vụ du khách, không được cho thuê lại.
“Nếu cho thuê làm tiệc cưới thì đương nhiên là sử dụng sai mục đích. Người ta giao cho công trình sự nghiệp để làm bảo tàng chứ có phải làm tiệc cưới đâu. Nếu muốn được liên doanh, liên kết thì phải được cấp có thẩm quyền có ý kiến, Bộ Tài chính ý kiến, Bộ Văn hóa phê duyệt”, ông Vinh nói thêm.
Ông Vinh cho hay, theo quy định thì toàn bộ phần sử dụng sai mục đích, vi phạm thì phải chấm dứt hợp đồng cho thuê hay liên doanh, liên kết không đúng quy định.
“Hai là tất cả các phần cho thuê sẽ phải xử lý theo Luật Ngân sách. Ví dụ, hằng năm bảo tàng được cấp ngân sách là 10 tỷ đồng thì do đã thu được khoảng 2 tỷ đồng từ cho thuê nhà hàng và chi tiêu rồi thì ngân sách chỉ cấp cho 8 tỷ nữa thôi. Hoặc là phải nộp hết 2 tỷ đó vào ngân sách”, ông Vinh nói.
Vắng bóng khách tham quan
Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong lúc 11h trưa ngày 4/4, tại cơ sở Bảo tàng Lịch sử quốc gia số 25 Tông Đản khá vắng vẻ. Những người trông xe ở cổng bảo tàng vẫn say sưa chơi cờ. Khu trưng bày cạnh trung tâm tiệc cưới Thúy Cải dưới tầng 1 có chủ đề về đổi mới, cải cách cửa đóng im ỉm. Trong phòng, không một bóng du khách. Những hiện vật được trưng bày gồm nhiều vật dụng thời kỳ đổi mới, từ xe máy, các sản phẩm nông sản, quần áo xuất khẩu cùng các tác phẩm văn học, báo chí thời kỳ này. Đi dọc 3 – 4 phòng không có bóng dáng khách. Gần chỗ bán hàng lưu niệm và bán vé, mới thấy khoảng gần chục du khách nước ngoài đang xem các vật trưng bày và chụp ảnh. Những người bán hàng lưu niệm đang ngồi chuyện gẫu với nhau.
Chiều 4/4, sân bảo tàng có khoảng 25 - 20 người, cả Việt Nam và nước ngoài tất bật treo đèn lồng, sắp xếp bát đĩa, đồ uống và bếp nướng. Hỏi chuyện một người phục vụ tại đây, được biết, chiều tối 4/4 có một bữa tiệc được tổ chức.
Trường Phong/Tiền Phong
Ý kiến bạn đọc