42% vụ tai nạn chết người là do lỗi của chủ sử dụng lao động

13:49, 25/04/2017
|

(VnMedia) - Năm 2016 trên toàn quốc đã xảy ra 7.981 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.251 người bị nạn; Trong đó, 42% vụ tai nạn lao động chết người là do lỗi của chủ sử dụng lao động.

Tai nạn lao động
42% các vụ tai nạn lao động chết người là do lỗi của chủ sử dụng lao động

Đó là thông tin được Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng (Bộ LĐ-TBXH) đưa ra tại buổi họp báo Tháng Hành động về An toàn – Vệ sinh lao động lần thứ I, diễn ra ngày 24/4/2017.

Báo cáo tình hình tai nạn lao động năm do Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng trình bày cho biết, theo số liệu tổng hợp báo cáo, năm 2016 trên toàn quốc đã xảy ra 7.981 vụ TNLĐ làm 8.251 người bị nạn.

Trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 799 vụ, số vụ TNLĐ có hai người bị nạn trở lên là 106 vụ, số người chết là 862 người, số người bị thương nặng là 1.952 người, nạn nhân là lao động nữ là 2.371 người.

Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2016 bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, Quảng Nam, Thái Bình và Quảng Trị. Các địa phương trên có tống số người chết vì tai nạn lao động là 504 người, chiếm 59,2% tổng số người chết vì TNLĐ trên toàn quốc.

Xét theo loại hình doanh nghiệp, công ty TNHH có tỷ lệ xảy ra tai nạn lao động cao nhất, chiếm 37,1% số vụ tai nạn chết người và 37% số người chết. Kế tiếp là loại hình công ty cổ phần, chiếm 34,2% số vụ tai nạn chết người và 34,3% số người chết.  Doanh nghiệp nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp chiếm 20,8% số vụ tai nạn chết và doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thế chiếm 3,5% số vụ tai nạn.

Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là xây dựng, khai thác khoảng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo, dịch vụ… Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất là ngã từ trên cao, điện giật, vật rơi, đổ sập, máy thiết bị cán, kẹp…

Theo báo cáo, các vụ tai nạn lao động chết người có nguyên nhân từ người sử dụng lao động chiếm 42,1%. Lý do là người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động; người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động.

So với năm 2015, năm 2016 trong khu vực có quan hệ lao động số vụ TNLĐ giảm 0,42% nhưng tổng số nạn nhân tăng 0,27%, số người chết tăng 6,75%, số người bị thương nặng tăng 8,86%.

Bên cạnh số liệu về tai nạn lao động, báo cáo cũng đưa ra những thông tin về tình hình sức khoẻ lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo báo cáo của 43 tỉnh, thành phố, hiện nay mới quản lý được 49.592 cơ sở lao động, trong đó số cơ sở lao động có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại là hơng 20.000 cơ sở (chiếm 46,1%). Tuy nhiên, mới chỉ có hơn 8.000 cơ sở đã thực hiện lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động (chiếm 17,3%), trong đó có hơn 4.000 cơ sở lao động có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại (chiếm 55,2%).

Liên quan đến tính xác thực của số liệu các vụ tai nạn lao động, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng hiện còn có độ vênh so với thực tế bởi có nhiều trường hợp, người chủ sử dụng lao động thoả thuận bồi thường với phía gia đình người bị nạn để không khiếu kiện hoặc thông báo với cơ quan chức năng.

Khó xử lý doanh nghiệp vi phạm

Đối với việc quản lý, thanh kiểm tra về an toàn lao động, ông Nguyễn Tiến Tùng – Chánh Thanh tra Bộ cho biết, năm 2016, Bộ LĐ-TBXH đã thực hiện thanh tra an toàn lao động tại hơn 1.000 công trình xây dựng trong cả nước, qua đó góp phần giảm số vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng từ 35 % năm 2015 xuống còn 22%.

Theo Chánh Thanh tra, trước năm 2014, số tiền xử phạt các vi phạm an toàn lao động chỉ khoảng 4 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, từ năm 2015, việc thanh tra và xử phạt được chấp hành nghiêm hơn. Chỉ riêng năm 2016, Bộ đã xử phạt tới 16 tỉ đồng. Việc xử phạt chỉ mang tính chất răn đe vì thực tế khi thanh tra có doanh nghiệp phát hiện đến 28 lỗi. Nếu đem xử phạt hết thì doanh nghiệp khó tồn tại và có thể ảnh hưởng tới việc làm của người lao động.

Cũng liên quan đến vấn đề này, tại Hội thảo tổng kết tình hình thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động tổ chức hôm 27/2, các đại biểu đã chỉ ra, việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSLĐ  vẫn còn một số khó khăn như: Một số hành vi vi phạm có mức xử phạt còn thấp, không đủ tính răn đe và không tương xứng với mức độ vi phạm; Thẩm quyền xử phạt của Chánh thanh tra Sở thấp, thời hạn kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính đến ngày ra quyết định xử phạt ngắn dẫn đến khó khăn cho đối tượng vi phạm khắc phục và thực hiện việc giải trình;

Vẫn còn đối tượng vi phạm chưa chấp hành đúng thời hạn nộp phạt; Thanh tra Sở vẫn phải tiến hành kiểm tra, đôn đốc và nhắc nhở thì đối tượng mới thực hiện nộp phạt; một số đơn vị sau khi nhận được văn bản nhắc nhở việc nộp phạt nhưng vẫn không chấp hành theo quy định do cố tình chây ì không chấp hành hoặc có một số trường hợp do khó khăn về tài chính...

Các đại biểu cũng đã chỉ ra các bất cập trong việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSLĐ như: khó xử phạt đối với các doanh nghiệp không xây dựng kế hoạch thực hiện công tác ATVSLĐ hoặc có xây dựng kế hoạch nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ; Các doanh nghiệp cũng không tổ chức khám sức khỏe cho người lao động; tổ chức khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp nhưng không đủ nội dung đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động, người lao động nhận công việc về nhà làm...

Qua đó, các đại biểu đưa ra các kiến nghị để sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 88 cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc