Tốc độ tăng năng suất lao động Việt Nam đã thấp hơn Lào

15:30, 19/03/2017
|

Trong phân tích chi tiết về năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam giai đoạn 1996 - 2016, các chuyên gia kinh tế của Đại học Kinh tế Quốc dân (KTQD) đã đưa ra những bằng chứng về giới hạn tăng NSLĐ của Việt Nam, so sánh với các quốc gia khu vực và cảnh báo tương lai "rơi vào bẫy thu nhập trung bình" của nền kinh tế Việt Nam.

Báo cáo dày hơn 60 trang về NSLĐ của PGS. TS Vũ Hoàng Ngân, TS Nguyễn Thị Cẩm Vân, Đại học KTQD khái quát: Những thành tựu tăng trưởng kinh tế đã đưa Việt Nam từ một nước nông nghiệp lạc hậu có thu nhập thấp trở thành một nước có mức thu nhập trung bình.

Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới với thu nhập bình quân đầu người dưới 100 USD (1986), năm 2008 thu nhập bình quân đạt con số 1.165 USD và năm 2015 là 2.111 USD. Thành tích lớn song gia tăng NSLĐ của Việt Nam thời gian qua chủ yếu do chuyển dịch kinh tế bắt đầu bằng khai thác các tài nguyên tự nhiên, gia công, trong khi đó, nguồn năng con người và giá trị sáng tạo chưa được khai thông.

năng suất lao động, Việt Nam, người Việt, việc làm, thua Lào, người lao động

Năng suất lao động Việt Nam có tăng nhưng tốc độ chậm so với các nước trong khu vực và đang bị một số nước đi sau vượt qua (ảnh minh hoạ)

Các chuyên gia viện dẫn thông tin của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey cho rằng, 2/3 mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2005-2010 có đóng góp từ sự chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp chế tạo - chế biến và dịch vụ. 1/3 còn lại là kết quả của việc cải thiện NSLĐ trong các ngành kinh tế.

Tuy nhiên, sự gia tăng lực lượng lao động và sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp sẽ tiếp tục có đóng góp cho tăng trưởng, nhưng không còn là động lực cốt lõi dẫn dắt tăng trưởng trong chặng đường phía trước. Và để thay thế những nguồn tăng trưởng đang trở nên cạn kiệt, vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam là phải biến NSLĐ trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế.

So với các quốc gia trong khu vực, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 1995 – 2000 là 5,4%; tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam bình quân cả thời kỳ 2000 - 2014 là 4,4%, cao hơn trung bình của khối ASEAN (3,3%), nhưng vẫn thấp hơn Lào.

Dù đến năm 2010, Lào vẫn đứng sau Việt Nam trong bảng xếp hạng về năng suất, nhưng với tốc độ tăng năng suất ngày càng lớn, Lào đã dần thu hẹp khoảng cách, nhanh chóng bắt kịp NSLĐ của Việt Nam vào năm 2012, và sau đó Việt Nam đã bị tụt lại phía sau.

Về năng suất lao động Việt Nam nói chung thời kỳ 2000 - 2014, so với một số quốc gia thuộc khối ASEAN, mức NSLĐ của Việt Nam còn rất khiêm tốn. So sánh với Singapore (nước có mức NSLĐ cao nhất Châu Á), NSLĐ của Việt Nam chỉ bằng 1/20 năm 2000, và bằng 1/14 năm 2014.

Với một số quốc gia khác trong khối, NSLĐ của Việt Nam năm 2000, bằng 1/8 Malaysia, 1/4 Thái Lan, 1/3 Indonesia, 1/2 Philippines, và so với trung bình của khối ASEAN bằng khoảng 1/3. Năm 2010, bằng 1/6 Malaysia, 1/3 Thái Lan, 1/2 Philippines, và gần bằng một nửa NSLĐ của khối ASEAN; năm 2014, khoảng cách giữa NSLĐ của Việt Nam và các nền kinh tế khác trong khối ASEAN không những không được rút ngắn so với 2010 mà còn có dấu hiệu bị bỏ lại xa hơn.

Mặc dù có những cải thiện tích cực, song không thể phủ nhận thực tế là khoảng cách về NSLĐ của Việt Nam so với nền kinh tế thành công dẫn đầu trong khu vực ngày một xa hơn trong trong quá trình cố gắng thực hiện những nỗ lực “bắt kịp”. Các nước đi sau chúng ta như Lào, Campuchia, Myanma đã và đang thu hẹp khoảng cách với Việt Nam nhờ vào gia tăng NSLĐ nhờ vào thu hút đầu tư nước ngoài, môi trường kinh doanh thông thoáng hơn.

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù có tốc độ tăng cao hơn trung bình ASEAN nhưng NSLĐ của Việt Nam thời kỳ từ năm 1996 - 2000 chủ yếu là chuyển dịch giữa ngành có giá trị gia tăng thấp, sang ngành có giá trị gia tăng cao, chuyển dịch cơ cấu ngành từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ. Sau năm 2000 đến 2010, tăng NSLĐ dựa vào chủ yếu gia tăng các ngành khai khoáng, quá trình công nghiệp hoá, gia công lắp ráp và xuất khẩu nguyên liệu thô sơ.

Từ năm 2010 đến nay, tăng trưởng của NSLĐ dựa vào sự chuyển dịch tĩnh tiếp theo của quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Cuộc dịch chuyển lao động, cơ cấu ngành thứ 2 đã và đang khiến gia tăng NSLĐ tiếp theo.

Tuy nhiên, theo đánh giá thì các cuộc chuyển dịch lao động mới chỉ theo chiều rộng, chiều ngang chứ chưa theo chiều sâu. Năng suất lao động vẫn chủ yếu dựa vào gia tăng khai khoáng, gia công chưa gia tăng giá trị sáng tạo, hàm lượng chất xám, công nghệ... Việt Nam đã và đang đứng trước nguy cơ tốc độ tăng trưởng NSLĐ thấp, hẹp và không gia tăng được so với các thời kỳ trước do mô hình tăng trưởng vẫn dựa vào tài nguyên, lao động và thâm dụng vốn FDI.

(Theo Dân trí)


Ý kiến bạn đọc