Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Không vì khó khăn mà lùi thông tuyến"

17:50, 01/03/2017
|

(VnMedia) - Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Y tế và TGĐ Bảo hiểm Việt Nam nêu những khó khăn trong việc thực hiện khám chữa bệnh thông tuyến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Có khó khăn nhưng không phải không làm được.”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Sáng 1/3, Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể Uỷ ban lần thứ 5 nghe Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các cơ quan có liên quan giải trình về việc thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

“Thông tuyến” là cách gọi đơn giản, dễ hiểu về việc người tham gia BHYT có thể đến khám chữa bệnh ngoài nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu (trừ trường hợp cấp cứu) mà không cần giấy giới thiệu chuyển viện.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Tổng Giám đốc Bảo hiểm Việt Nam Nguyễn Thị Minh đều nêu quan điểm rằng, thông tuyến bảo hiểm y tế mang lại nhiều lợi ích cho người dân như việc tiếp cận với các dịch vụ Khám chữa bệnh BHYT, đặc biệt thuận lợi đối với các trường hợp người lao động khi phải di chuyển công việc từ địa phương này sang địa phương khác hoặc người về hưu thay đổi nơi cư trú.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Đối với người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; sống ở xã đảo, huyện đảo được khám chữa bệnh (KCB) nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương mà không cần giấy chuyển viện. Người có thẻ BHYT được hưởng các dịch vụ khám, chữa bệnh tốt hơn nhờ sự cạch tranh về chất lượng giữa các cơ sở KCB để thu hút người bệnh…

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều bất cập khi thực hiện cơ chế thông tuyến, như không kiểm soát được người có thẻ BHYT tự ý đi khám chữa bệnh ở cơ sở khác; chưa kiểm soát được tình trạng người tham gia BHYT lợi dụng chính sách thông tuyến để đi khám chữa bệnh nhiều lần, nhiều nơi mà không phải vì nhu cầu khám chữa bệnh.

Người có thẻ BHYT sử dụng dịch vụ y tế tại TYT đã giảm hẳn (năm 2016 giảm 14,1% so với năm 2015). Việc giảm số lượt người KCB tại các trạm y tế xã không chỉ ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước là hướng về y tế cơ sở mà còn làm gia tăng chi phí KCB (do tăng số lượt KCB ở tuyến trên, trong khi chi phí tại tuyến xã không giảm), làm lãng phí về nguồn lực của xã hội.  

Một số cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng KCB khi có số lượng lớn bệnh nhân đến KCB…

Ngoài ra, cũng xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các cơ sở KCB, nhất là các cơ sở KCB tư nhân như khuyến mại, thu hút người bệnh bằng quà tặng, chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật... tạo nhu cầu khám, chữa bệnh tăng “ảo” làm gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT.

Đặc biệt, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT gia tăng từ phía cơ sở KCB như tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X quang, thuốc...; người bệnh BHYT đi khám chữa bệnh nhiều lần trong ngày, tuần, tháng để “lấy” thuốc. Có trường hợp trong quý IV/2016 đi KCB 160 lần tại 20 cơ sở khác nhau...

Nhận xét về khám chữa bệnh thông tuyến, Nguyên Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng, đây là một trong những chính sách được hoan nghênh nhất năm qua. “Việc tăng chi quỹ BHYT vừa qua, tình trạng lạm dụng BHYT chủ yếu là do kết quả áp dụng giá dịch vụ y tế sau khi đã điều chỉnh” - ông Nguyễn Văn Tiên nói.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan thì cho rằng, lỗi chính của việc này là ở quản lý chứ không phải do người mua bảo hiểm.

Còn đại biểu Nguyễn Anh Trí (Giám đốc Viện Truyền máu và Huyết học Trung ương) cho biết, rất nhiều ý kiến cử tri đề nghị đẩy mạnh thông tuyến nhanh nhất, vì quyền lợi của người dân là được khám ở nơi có dịch vụ tốt nhất.

Có khó khăn nhưng không phải không làm được

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề thông tuyến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã xin vắng mặt trong phiên họp thường kỳ Chính phủ để đến dự phiên giải trình hôm nay.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Thông tuyến là chủ trương đúng đắn, vì quyền lợi của người dân. Lần đầu chúng ta thực hiện nên có không ít khó khăn, thậm chí tiêu cực. Nhưng không vì thế làm lùi quyết tâm thông tuyến mà cần phải thông tuyến sớm ngày nào tốt hơn ngày đó cho người dân”.

“Với những người làm quản lý về y tế, y đức cao nhất là việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để những việc như thế này được thực hiện tốt nhất” - Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Ông cho rằng, “chúng ta phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về việc chi phí từ bảo hiểm đến tiền của người dân phải tiết kiệm nhất. Ngân sách nhà nước cũng là tiền của dân, phải chi tiêu tiết kiệm nhất".

Phó Thủ tướng cho biết, có rất nhiều giải pháp để thực hiện, trong đó nhấn mạnh giải pháp tin học hóa.

"Hiện nay có tới 23 ngàn loại thuốc toàn bằng tiếng la tinh, gần 17 ngàn loại dịch vụ y tế. Nếu không tin học hóa, chỉ cần nhầm lẫn thôi đã không hiệu quả” - Phó Thủ tướng dẫn chứng.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, điều quan trọng nhất nằm ở ngành y tế, đó là tin học hóa đối với các bệnh viện. “Các bệnh viện phải kết nối dữ liệu với giám định BH và BHXH. Chúng ta phải có trách nhiệm với tiền của nhân dân, và chúng ta phải kiên quyết việc này, phải triển khai ngay lập tức” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

“Không nên vì một số nơi có tiêu cực, có vượt chi mà lại đòi lật lại vấn đề này. Có khó khăn nhưng không phải không làm được” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc