Giữ nguyên tháp cẩu để phá dỡ giai đoạn 2 nhà 8B Lê Trực

07:11, 25/03/2017
|
Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu công ty CP Phương Bắc giữ nguyên tháp cẩu đang lắp đặt tại chân công trình, mà đơn vị này đề xuất tháo dỡ trước đó, để phục vụ việc phá dỡ phần sai phạm của công trình 8B Lê Trực giai đoạn tiếp theo.
 

Trong lúc chờ công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng lập phương án phá dỡ giai đoạn 2 phần sai phạm của nhà 8B Lê Trực, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu công ty CP Phương Bắc giữ nguyên tháp cẩu đang lắp đặt tại chân công trình, mà đơn vị này đề xuất tháo dỡ trước đó để phục vụ phá dỡ giai đoạn tiếp theo.

Chỉ đạo trên đã được lãnh đạo Sở Xây dựng đưa ra trong tại cuộc họp do Sở Xây dựng chủ trì mới đây có sự tham gia của Phòng Giám định chất lượng, Cty CP May Lê Trực - chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực, Cty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng, Cty CP Phương Bắc để thống nhất kế hoạch lập phương án phá dỡ giai đoạn 2.

Tại cuộc họp, Cty CP May Lê Trực cam kết cung cấp hồ sơ hoàn công, hồ sơ thiết kế thi công và các tài liệu liên quan cho Cty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng xây dựng và hoàn thiện phương án phá dỡ khoảng lùi theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đến tháng 2/2017, Cty CP May Lê Trực chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ đã cam kết, buộc UBND phường Điện Biên phải gửi văn bản đến các cơ quan chức năng đề nghị tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực cung cấp hồ sơ cho Cty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng.

Ngày 1/3, UBND quận Ba Đình tiếp tục ký văn bản, yêu cầu Cty CP May Lê Trực - chủ đầu tư dự án, Cty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình - đơn vị thi công dự án, hợp tác cung cấp hồ sơ và tài liệu liên quan cho Cty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng theo đúng nội dung các văn bản chỉ đạo UBND quận Ba Đình và Sở Xây dựng ban hành trước đó. 

Trong lúc các cơ quan chức năng đang tiến hành xử lý phần diện tích vi phạm, Cty CP May Lê Trực đã làm thủ tục khởi kiện Quyết định cưỡng chế số 32/QĐ-UBND ngày 9/1/2016 của UBND quận Ba Đình ra Toà án Hành chính thành phố Hà Nội vì cho rằng, quyết định cưỡng chế nêu trên là không đúng quy định.

Để giải quyết vụ kiện theo đơn khởi kiện của Cty CP May Lê Trực, Toà án Hành chính thành phố Hà Nội đã mời đại diện UBND quận Ba Đình, Thanh tra Sở Xây dựng, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội đến làm việc và cung cấp tài liệu.

Liên quan đến vụ việc trên, tại cuộc làm việc với Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải ngày 14/2, Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Trọng Quyết báo cáo, kết thúc giai đoạn 1, UBND quận Ba Đình đã phá dỡ xong sàn tầng 19, 585 dầm và 17/36 cột. Hiện UBND quận Ba Đình đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị lập phương án phá dỡ giai đoạn 2 nhà 8B Lê Trực theo đúng chỉ đạo của Thành ủy - UBND thành phố Hà Nội.

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải kết luận, vi phạm tại dự án 8B Lê Trực là trường hợp rất điển hình mà cả nước biết đến, UBND thành phố đã kỷ luật nhiều cán bộ liên quan. Tuy nhiên, Sở Xây dựng và quận Ba Đình phải có giải pháp thiết kế an toàn, rồi tiếp tục phá dỡ theo phê duyệt của Bộ Xây dựng, tránh để phát sinh các vấn đề khác trong quá trình xử lý.

Đánh giá về việc Cty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng chậm nộp phương án phá dỡ giai đoạn 2 nhà 8B Lê Trực, trao đổi với PV Tiền Phong,  ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, công trình xây dựng đồ sộ đến đâu cũng có thể phá dỡ được khi căn cứ vào hồ sơ thiết kế được lập trước đó. 

“Thời gian qua, có một số ý kiến cho rằng nên xem xét việc phạt tiền rồi cho tồn tại diện tích vi phạm dự án 8B như một số công trình vi phạm khác từng được áp dụng. Tuy nhiên, với công trình 8B Lê Trực, việc xử lý triệt để phần diện tích vi phạm, đưa công trình trở về theo đúng thiết kế là việc cần làm ngay với chính quyền thành phố Hà Nội, nếu lãnh đạo thành phố muốn lập lại kỷ cương xây dựng trên địa bàn.

Cắt tiếp khoảng lùi, chủ đầu tư sẽ thiệt hại, nhưng đây là công trình vi phạm điển hình của những vi phạm, điển hình cho tình trạng buông lỏng quản lý của cán bộ nhiều cấp nên thành phố cần kiên quyết xử lý nghiêm minh theo pháp luật để vừa đảm bảo kỷ cương, răn đe vi phạm tương tự tái diễn, đồng thời lấy lại được niềm tin của người dân. Nếu chậm xử lý khoảng lùi, chủ công trình vi phạm sẽ nhờn luật...”, ông Võ phân tích.

Theo Tiền Phong


Ý kiến bạn đọc